Lục bát gắn liền với hồn thiêng sông núi

Lục bát gắn liền với hồn thiêng sông núi

(GD&TĐ) - Ngày 7 & 8/9/2013 tại Trung tâm Văn hóa Thành phố, số 4 Phùng Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội sẽ diễn ra “Ngày hội Lục bát lần thứ 5 - Qúy Tỵ 2013”. Trao đổi với phóng viên, Nhà thơ Đặng Vương Hưng, Phó trưởng ban tổ chức, người sáng lập website lucbat.com chia sẻ:

- “Ngày hội Lục bát Qúy Tỵ” - Theo ông, đây có phải là một lễ hội văn hoá, tâm linh độc đáo nhằm khẳng định tầm quan trọng và sức sống mãnh liệt của thơ lục bát trong dòng chảy văn hoá Việt?

- Quan niệm của những người làm thơ lục bát ý thức, thì đó là đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Lục bát không chỉ là thơ. Đó còn là hồn cốt Việt. Một điều lạ, nó là xương sống của tất cả các làn điệu dân ca. Ngay đến chầu văn, những bài hát văn trong thế giới tâm linh, xẩm, ca trù, quan họ, chèo đều dùng thể loại lục bát. Những gì bác học nhất, dân dã nhất đều có lục bát ở trong đó. Do vậy, hội những người yêu lục bát đã tổ chức được 5 mùa lễ hội, được sự đồng thuận cao của người yêu thơ và nhân dân trong và ngoài nước.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng
Nhà thơ Đặng Vương Hưng

- Ban tổ chức mong muốn góp phần vận động để tôn vinh “Lục bát là Quốc thi” và tiến tới “Lục bát là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại”?

- Chúng tôi đang cố gắng để lục bát trở thành quốc thơ. Xa hơn nữa, nó sẽ trở thành văn hóa phi vật thể.  Ngay đến quan họ, hát xoan, ca trù… đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới phi vật thể. Không cớ gì, lục bát lại không được công nhận. Bởi lẽ nó có đủ các làn điệu dân ca ở trong đó. Thứ nữa, lục bát có đầy đủ căn cứ về khoa học, lịch sử. Điều quan trọng nhất là nó lan tỏa và phát triển. Lục bát đã có truyền lịch sử hàng nghìn năm. Không chỉ riêng người Việt mà người Chăm, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia đều dùng thể loại lục bát để sáng tác… Nếu các nhà nghiên cứu, phê bình tìm hiểu về lục bát, sẽ phát hiện rất nhiều điều thú vị. Thực tế những mùa lễ hội vừa qua, BTC đã mời các nhà cao tăng bên Phật giáo tham gia lễ hội. Trong lễ hội có rất nhiều đặc trưng của văn hóa tâm linh: Rước thơ, dâng hương thơ và đọc chúc văn bằng lục bát, phát lộc bằng thơ lục bát (Tập thơ Lộc phát gắn với tên của 12 con giáp).

Chúng tôi tin lục bát sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều người đã đặt câu hỏi, bao giờ lục bát sẽ được công nhận. Thực tế lục bát không phải là cơ quan hành chính. Nó đòi hỏi mọi người phải khơi dậy tình yêu với lục bát, tạo dư luận để mọi người quan tâm tới lục bát. Những người yêu thơ lục bát, bạn đọc, các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm quan tâm. Những việc đó, chúng tôi đã và đang thực hiện. Minh chứng là BTC đã tổ chức thành công được 4 mùa lễ hội. Lễ hội sau luôn đông hơn lễ hội trước. Được đông đảo công chúng yêu lục bát trong cả nước hào hứng đón nhận.

- Điểm nhấn của chương trình mùa lễ hội năm nay theo ông là gì?

- Lễ hội năm nay có 2 chương trình quan trọng nhất: Lễ trao thưởng lần thứ nhất cuộc thi “Tổ quốc và đạo pháp” và trình diễn thời trang dân tộc “Hồn quê và Dáng Việt Qúy Tỵ”. Với lễ trao thưởng “Tổ quốc và đạo pháp” là cuộc thi được sự đồng ý của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam được triển khai trên phạm vi toàn quốc, diễn ra trong 6 năm. Đặc biệt, lần đầu tiên, BTC nêu ra ý tưởng trao bộ giải thưởng bằng vàng, bạc, có chứng nhận. Chủ tịch giám khảo là Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó ban tuyên giáo Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thầy không chỉ với vai trò là Chủ tịch Hội đồng giám khảo, mà còn là người chứng minh, tâm linh hóa giải thưởng đó. Một mùa lễ hội lục bát tràn ngập không khí của tâm linh, Phật giáo mà chỉ có lục bát mới làm được điều ấy.

Bên cạnh đó, còn có đêm hội trình diễn thời trang dân tộc: áo dài, yếm. Không những vậy, còn có những lục bát quán trưng bày các tác phẩm lục bát tiêu biểu, những sản vật của từng vùng miền. Tỷ như Bắc Giang đem đến bánh đa Kế, Thái Bình là sản vật bánh Cáy, rượu Cần ở Hòa Bình… để giao lưu với nhau.

- Lễ hội lục bát những năm trước, đã thu hút hàng ngàn người tham gia, cùng nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, phong phú, hấp dẫn, mang tầm cỡ quốc gia và có sức lan tỏa rộng khắp. Dự báo của ông về mùa lễ hội năm nay?

- Đến với lễ hội lục bát là đến với cội nguồn của dân tộc, hồn quê, đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Sau mỗi mùa lễ hội, số lượng người tham dự năm sau luôn đông hơn năm trước, được tổ chức chuyên nghiệp hơn. Năm nay, Trung tâm Hội nhập phát triển doanh nghiệp Việt Nam vào cuộc mạnh mẽ. Chúng tôi hy vọng đây là nhịp cầu gắn kết văn hóa doanh nhân đối với các doanh nghiệp. Kết nối văn hóa tâm linh trong truyền thống kinh doanh. Nếu các doanh nghiệp và doanh nhân vào cuộc sẽ có nguồn kinh phí để đảm bảo tính bền vững của mùa lễ hội hàng năm. 

Tất cả các hoạt động của mùa lễ hội đều được tổ chức miễn phí để công chúng yêu lục bát trong cả nước có cơ hội tham gia, giao lưu với nhau./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đời sống văn hóa tâm linh của người Việt

Lục Bát không chỉ là thơ, mà đó còn là hồn Việt. Nó rất thiêng liêng, có chiều dài lịch sử hàng nghìn năm nay. Lục bát có sứ mệnh là kho tàng tri thức khổng lồ, được truyền từ đời này sang đời khác. Một thời gian rất dài, dân mình không biết chữ, họ đã thông qua lục bát để diễn đạt những tri thức, kinh nghiệm truyền lại cho muôn đời sau. Thậm chí hương ước của làng cũng dịch lục bát. Thơ lục bát gắn liền với hồn thiêng sông núi, văn hóa Việt. Nó song hành cùng dân tộc qua bao đời nay.

Thực tế lịch sử văn học Việt Nam từ bác học đến dân gian, đều dùng thể loại thơ lục bát để truyền tải tâm tư, tình cảm, tư tưởng. Đa phần, nhiều người viết lục bát tưởng là thơ nhưng thực chất là diễn ca, hò vè. Sáng tác thơ lục bát rất khó. Do vậy, không có nhiều tác giả thành công ở thể loại này. Nếu xét ở góc độ khảo cổ học, nhiều nhà nghiên cứu phát hiện, thơ lục bát đã có từ rất lâu. 

Tuấn Trần

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.