Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo đột phá cho Hà Nội phát triển

GD&TĐ - Cử tri mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm triển khai thực hiện để tạo đà cho Hà Nội tăng tốc phát triển.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.

“Đòi đất” để xây trường học

Cử tri 3 quận (Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm) bày tỏ vui mừng với các kết quả đạt được trong kỳ họp vừa qua của Quốc Hội. Đặc biệt, khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo thuận lợi phân cấp, phân quyền nhiều cho Thủ đô phát triển.

Cử tri mong chờ luật sớm triển khai thực hiện, mang tính đột phá nhằm thúc đẩy xây dựng phát triển Thủ đô, để thành phố vươn tầm, xứng đáng là đô thị đặc biệt, có vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước.

Vui mừng với chính sách cải cách tiền lương, trong đó nâng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), cử tri các quận trên của Hà Nội cho biết, nhân dân mong đợi cải cách tiền lương cần đi kèm với chính sách để hạn chế tăng giá. Đồng thời, cần làm rõ cơ sở khoa học về mức chênh lệch tăng 15% với người hưởng lương hưu, có hình thức tuyên truyền phù hợp để người dân nắm được.

Kiến nghị cụ thể một số vấn đề quan tâm, cử tri phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) đề nghị Quốc hội quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý để xử lý triệt để việc thực hiện nghiêm những quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn Hà Nội.

Bên cạnh đó, căn cứ vào thực tiễn mang tính đặc thù của đời sống, kinh tế - xã hội, TP Hà Nội cần có cơ chế đặc thù trong chủ trương tăng cường biên chế về con người, cơ sở vật chất và tiền lương thu nhập cho đội ngũ cán bộ cấp xã, phường để đảm bảo cho họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cử tri phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) đề nghị Quốc hội điều chỉnh, bổ sung một số quy định trong Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Trong đó đề nghị cần có quy định về chế độ phụ cấp cho Trưởng, Phó ban Thanh tra nhân dân và có quy định cụ thể việc bố trí kinh phí hoạt động cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng khi xây dựng dự toán kinh phí cho các chương trình, dự án.

Cử tri phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), đề nghị Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội xem xét, chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Hà Nội khẩn trương bàn giao các diện tích cơ sở nhà đất sau sắp xếp doanh nghiệp. Khu 129A Thượng Đình hiện đang cho thuê ki-ốt.

Bên cạnh đó bàn giao diện tích sân bóng (sân vận động Thượng Đình) về cho phường để phục vụ nhu cầu vui chơi thể thao cho trẻ em trên địa bàn này. Ngoài ra, doanh nghiệp phải bàn giao diện tích Trường Đào tạo nghề cơ khí tại 131 Nguyễn Trãi về cho phường để xây dựng trường tiểu học, THCS. Lý do, phường chưa có trường học.

luat thu do sua doi tao dot pha cho ha noi phat trien (2).jpg
Cử tri đặt câu hỏi với đại biểu Quốc hội.

Đẩy mạnh chỉnh trang đô thị

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội hoan nghênh lãnh đạo 3 quận, 29 phường tham dự đầy đủ tại các điểm cầu. Việc tiếp xúc cử tri thể hiện kỷ cương trách nhiệm, đề nghị lãnh đạo các đơn vị tiếp thu các nội dung theo thẩm quyền và triển khai công việc đạt hiệu quả.

Ông Tuấn đánh giá, ý kiến của cử tri rất sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm. Điều này cho thấy cử tri theo dõi sát, đánh giá kỹ công việc, phương thức tổ chức kỳ họp của Quốc hội và có những đóng góp cụ thể đối với từng nội dung theo thẩm quyền của Quốc hội, các bộ, ngành, các cơ quan thuộc thành phố.

“Quan điểm của lãnh đạo thành phố là tất cả những nội dung liên quan đến Luật Thủ đô sẽ được cụ thể hóa để đi vào cuộc sống. Trong số các nhóm cơ chế chính sách có một số nhóm có hiệu lực từ 1/1/2025 và một số nhóm có hiệu lực từ 1/7/2025. Thành phố sẽ có phân công, phân nhiệm để triển khai có hiệu quả các quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi)…”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội khẳng định, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đáng lưu ý, thời gian qua thành phố đã triển khai thực hiện tốt việc đầu tư cơ sở vật chất cho 3 lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục... Đề nghị UBND, các sở, ngành tiếp tục cố gắng làm ra “sản phẩm” cụ thể tương ứng với sự quan tâm đầu tư, để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát.

Ghi nhận ý kiến của cử tri trong việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã có nhiều giải pháp xử lý và thời gian tới tiếp tục chỉ đạo để giải quyết.

Với vấn đề phòng cháy, chữa cháy, sắp tới Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Về vấn đề này, Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị, HĐND cũng thông qua đề án phòng cháy, chữa cháy trong đó yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị 3 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm quan tâm thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, cải tạo xây dựng công viên, vườn hoa, lan tỏa đến các phường, cử tri nhân dân; tận dụng các khoảng không để trồng hoa, tạo cảnh quan cây xanh. Quận Cầu Giấy cần làm tốt ở Công viên Nam Trung Yên, Công viên Mai Dịch...

Các vấn đề khác, ông Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội sẽ tiếp thu và tổng hợp đầy đủ để gửi đến các bộ, ngành, cơ quan chức năng xem xét giải quyết, trả lời cử tri theo đúng quy định.

Sáng 10/7, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng với đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc cử tri các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính quận Thanh Xuân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Rào cản từ vạch xuất phát

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học thông tin hầu như năm nào cũng có sinh viên mong muốn chuyển ngành, trường.