Hơn 3.100 công trình vi phạm phòng cháy:

Hà Nội sẽ xem xét trách nhiệm quản lý thế nào?

GD&TĐ - Tình trạng vi phạm quy định pháp luật về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy diễn ra phổ biến, nhất là tại các chung cư mini.

Nhiều công trình trong ngõ nhỏ trên phố Trung Kính (quận Cầu Giấy).
Nhiều công trình trong ngõ nhỏ trên phố Trung Kính (quận Cầu Giấy).

Cùng với rà soát chung cư mini, nhà ở thuê trọ, Công an TP Hà Nội đang thu thập tài liệu, chứng cứ, xem xét trách nhiệm của nhóm cơ quan quản lý Nhà nước sau vụ hỏa hoạn nhà trọ phố Trung Kính (quận Hoàn Kiếm) khiến 14 người tử vong.

Cháy kinh hoàng do chập mạch điện

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an Hà Nội đã thông tin về vụ cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong tại phố Trung Kính (quận Cầu Giấy).

Theo đó, vụ cháy xảy ra tại nhà số 1, ngách 43/98/31 phố Trung Kính ngày 24/5/2024 khiến 14 người thiệt mạng do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực đầu xe máy điện, làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan sang các xe máy xung quanh.

Đến ngày 25/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và tiến hành các biện pháp điều tra làm rõ vụ án. Hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân (nếu có) sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tập trung làm rõ 2 diện xử lý: Đối với việc cho thuê vận hành nhà trọ, về trách nhiệm được xác định thuộc về bà Nguyễn Thị Thảo là người tổ chức cho thuê trọ và anh Nguyễn Kim Hùng (con trai bà Thảo) là chủ nhà.

Tuy nhiên, 2 người này đã tử vong trong vụ cháy nên không xem xét trách nhiệm hình sự. Hiện, cơ quan điều tra cũng đang tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan đến trách nhiệm trên nếu có.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết, quan điểm là không có vùng cấm, không bao che. Điều này để làm gương cho các trường hợp khác, để giáo dục phòng ngừa chung. Hiện, Công an Hà Nội đang thu thập tài liệu, chứng cứ, xem xét trách nhiệm của nhóm cơ quan quản lý Nhà nước, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

“Cũng như vụ liên quan đến 56 người tử vong tại Thanh Xuân, chúng tôi xử lý rất nghiêm khắc. Hiện nay, đang thu thập tài liệu chứng cứ đánh giá, xem xét trách nhiệm của nhóm cơ quan quản lý Nhà nước nếu có vi phạm. Bất kể là ai đều phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin với báo chí.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin với báo chí.

Kiểm tra chung cư mini, nhà thuê trọ

Liên quan đến rà soát PCCC tại các chung cư mini và nhà ở thuê trọ, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết, Công an TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch yêu cầu các đơn vị rà soát, kiểm tra toàn bộ công trình liên quan.

Cụ thể, về chung cư mini, đã rà soát 3.103 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC với 9.466 lỗi vi phạm. Sau khi triển khai kế hoạch đã kéo giảm 939 công trình vi phạm, chiếm 27,2%; khắc phục 3.564 lỗi vi phạm, chiếm tỷ lệ 38,8%.

Riêng với công trình cao tầng, đã rà soát 1.386 công trình, trong đó có 91 công trình vi phạm PCCC. Trong 6 tháng đầu năm, Công an Hà Nội đã kiểm tra tại 381 lượt chung cư, nhà cao tầng, lập biên bản ra quyết định xử phạt 16 công trình với số tiền hơn 700 triệu đồng.

Cùng đó, ban hành và đề xuất ban hành 5 quyết định tạm đình chỉ hoạt động, 1 quyết định đình chỉ hoạt động các cơ sở có vi phạm PCCC để khắc phục. Đến nay đã có 24/91 công trình đang tiếp tục khắc phục.

Thời gian tới, Công an Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tăng cường kiểm tra, kiên quyết không để phát sinh công trình vi phạm mới, xử lý nghiêm các công trình, chủ đầu tư chây ỳ, chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý.

Về kiểm tra công tác kiểm tra đối với nhà thuê trọ, sau vụ cháy ở Trung Kính, tính đến 15/6/2024, Công an Hà Nội đã kiểm tra được 36.972/36.972 nhà thuê trọ thuộc diện quản lý về PCCC, xử phạt hơn 3.134 trường hợp với số tiền gần 13 tỷ đồng; tạm đình chỉ 672 trường hợp, đình chỉ 74 trường hợp.

Ai chịu trách nhiệm?

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể trong dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về điều kiện an toàn PCCC với nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình cam kết, có lộ trình thực hiện giải pháp PCCC. Sau ngày 30/3/2025, cơ sở, gia đình nào không thực hiện sẽ bị dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong.

Đối với chuồng cọp kiên cố, không có lối thoát hiểm, ông Nguyễn Thế Công - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thiết kế nhà ở hiện không có tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về xây dựng chuồng cọp.

Vì vậy, khi nghiệm thu các công trình là chưa hình thành các chuồng cọp. Chuồng cọp được hình thành sau khi công trình được đưa vào sử dụng và người dân tự xây dựng.

Ông Công cũng nhấn mạnh, trách nhiệm xử lý về các vi phạm trong trật tự xây dựng theo thẩm quyền là thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo Quy chế 04 về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

“Nghị quyết 05 của HĐND TP Hà Nội năm 2022 đã quy định trách nhiệm đối với chính quyền địa phương với việc xử lý các công trình cũ để bảo đảm công tác PCCC, trong đó có quy định phải mở lối ra thoát hiểm với lối ra ở ban công, mái ngói…”, ông Công nói.

Trước đó, ngày 12/9/2023, vụ cháy ở chung cư mini trên phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) làm 56 người chết, 37 người bị thương. Chưa đến một năm sau, ngày 24/5/2024 vụ hỏa hoạn khác xảy ra trên phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) khiến 14 người chết.

Gần đây là vụ cháy nhà dân ngày 16/6 tại phố Định Công Hạ (quận Hoàng Mai). Điểm chung của nhiều vụ cháy đều xuất phát từ những ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ nơi lực lượng PCCC khó tiếp cận, có những công trình vi phạm xây dựng.

Tại chỉ thị ban hành ngày 24/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình cháy nổ đang phức tạp. Nguyên nhân một phần là ở một số nơi, chính quyền địa phương buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về xây dựng, PCCC. Hạ tầng giao thông, nguồn nước còn bất cập, thiếu quy hoạch đồng bộ.

Tình trạng vi phạm quy định pháp luật về trật tự xây dựng, PCCC diễn ra phổ biến, nhất là tại các chung cư mini như: Tự ý nâng tầng, cải tạo, chuyển đổi công năng, không trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Để ngăn chặn cháy nổ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC với chung cư mini, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà ở cho thuê trọ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.