Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): cần bổ sung các nội dung liên quan đến KCB cho trẻ em

GD&TĐ - Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, nhiều Đại biểu quốc hội bày tỏ nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Ưu tiên bảo vệ trẻ em

Theo đó, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc và đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bãi bỏ so với Luật hiện hành; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân tại dự án Luật.

Cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc sửa luật là rất cần thiết, bởi sức khỏe của người dân là vấn đề thiết yếu, quan trọng. Trong khi đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành từ năm 2009 đến nay đã lạc hậu, không bắt kịp với thực tiễn và nhu cầu đời sống của người dân.

Quan tâm tới đối tượng trẻ em, Chủ tịch nước cho biết, hiện nay tỷ lệ trẻ em là tương đối lớn, trẻ em là tương lai của đất nước, cũng là đối tượng đặc biệt nhạy cảm, dễ bị tổn thương về sức khỏe. Tuy nhiên, luật chưa đề cập đầy đủ về trách nhiệm của ngành y tế trong khám chữa bệnh đối với trẻ em. Vì vậy, cần bổ sung các nội dung liên quan đến khám chữa bệnh cho trẻ em. Qua đó đồng bộ, cụ thể hóa quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em như quy định trong Luật Trẻ em năm 2016.

Chủ tịch nước cũng nêu rõ, đối tượng trẻ em cần được mở rộng là người dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em 2016 thay vì quy định dưới 6 tuổi.

Theo Chủ tịch nước, trẻ em ngoài việc được ưu tiên khám trước, xét nghiệm, điều trị trước còn được bảo đảm các quyền lợi khác về vật chất và tinh thần. Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bị tàn tật, mồ côi, người dân tộc thiểu số, trẻ em bị một số bệnh hiểm nghèo cần được quan tâm đặc biệt. Các quy định về khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến không áp dụng đối với trẻ em. Trẻ em được quyền tiếp cận không giới hạn các cơ sở khám chữa bệnh và dịch vụ khám chữa bệnh.

Cùng với đó, không áp dụng hạn mức trần thanh toán, các dịch vụ khám, chăm sóc điều trị, áp dụng cho trẻ em gặp các bệnh hiểm nghèo không có khả năng chi trả như ung thư, tim hoặc áp dụng mức trần cao hơn dành cho trẻ em trong lộ trình trước mắt tiến tới xoá bỏ thời hạn cần chi trả bảo hiểm y tế.

Cần điều chỉnh phạm vi phù hợp

Góp ý vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, qua quá trình nghiên cứu và thảo luận, UBTVQH yêu cầu Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải lấy người dân làm trung tâm, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người dân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và nền y học của Việt Nam.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý cần thiết kế luật để phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ, tập trung nguồn lực để phát triển đất nước.

Về phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc việc loại trừ hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe”, trong đó bao gồm các hoạt động như “sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật và các can thiệp để hạn chế tỷ lệ mắc bệnh, tật” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật. Đồng thời cho rằng phạm vi điều chỉnh như vậy có phù hợp không?

Về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nghiên cứu thể chế Nghị quyết số 20/NQ-TW, đặc biệt là nội dung về giá dịch vụ y tế, về xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, về đào tạo và đãi ngộ cán bộ y tế.

Về thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng có 2 phương án: Phương án 1 chưa đánh giá rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa, tính pháp lý của Hội đồng Y Khoa thể hiện trong dự án Luật chưa rõ. Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn, Hội đồng này là gì, có phải Hội đồng chuyên môn của quốc gia hay không, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đến đâu, rất dễ nhầm lẫn Hội đồng này và cơ quan quản lý Nhà nước về khám, chữa bệnh.

Phương án 2 ‟Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề” như Nghị quyết 20-NQ/TW và tiến hành tổng kết làm cơ sở để  luật hóa. Có 2 phương án như vậy thì các đại biểu xem xét phương án nào hợp lý, thỏa lòng mong đợi của các cơ quan khám, chữa bệnh. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần có lộ trình kiểm tra, đánh giá thời hạn cấp giấy phép như thế nào? UBTVQH cho rằng nên quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mức độ khám chữa bệnh, tương ứng với đó là trình độ đào tạo.

Quy định rõ hành vi chống đối, quấy phá, hành hung tại cơ sở khám chữa bệnh

Tham gia ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh nêu rõ, mục tiêu của dự án Luật là nhằm từng bước nâng cao hiệu quả, hoàn thiện hệ thống y tế về cả chất lượng và số lượng, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Đối với vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cùng một số đại biểu cho rằng cần quy định thời hạn 5 năm cho chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, đồng thời cần phát huy vai trò, năng lực và uy tín chuyên môn của Tổng hội Y học Việt Nam trong vấn đề này.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị cần có chính sách hợp lý về chế độ đãi ngộ, mức lương khởi điểm… để các bác sỹ yên tâm công tác. Đồng thời, cần quy định rõ hành vi chống đối, quấy phá, hành hung tại cơ sở khám, chữa bệnh được xem là chống người thi hành công vụ, có chế tài cụ thể, rõ ràng, đủ sức răn đe đối với những hành vi này.

Đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cùng một số đại biểu bày tỏ hy vọng dự thảo Luật lần này sẽ khắc phục những hạn chế trong thời gian vừa qua cả về tổ chức bộ máy, cơ sở y tế, kết hợp đông tây y, bảo đảm an ninh cho cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên y tế, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề…

Về đối tượng cấp giấy phép hành nghề, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định rõ vai trò, chức năng, phạm vi hành nghề của 09 chức danh phải có Giấy phép hành nghề; tiếp tục rà soát để không bỏ sót các chức danh tham gia trực tiếp hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cần được cấp Giấy phép hành nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.