Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động

GD&TĐ - Thảo luận tại hội trường về Luật Cảnh sát cơ động, các đại biểu ghi nhận, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp tại Kỳ họp trước, đồng thời đề nghị làm rõ một số nội dung còn ý kiến khác nhau.

Đại biểu Lại Văn Hoàn
Đại biểu Lại Văn Hoàn

Làm rõ tính đặc thù của cảnh sát cơ động

Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục sửa đổi, bổ sung, làm rõ tính đặc thù của cảnh sát cơ động

Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình ghi nhận, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu nhiều nội dung của các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục sửa đổi, bổ sung, làm rõ tính đặc thù của cảnh sát cơ động, trong đó cân nhắc bổ sung chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật của cảnh sát cơ động cho phù hợp với Luật Công an nhân dân và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ; làm rõ vai trò chủ trì, phối hợp của cảnh sát cơ động với các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ.

Đối với hoạt động hợp tác quốc tế, Khoản 1, Điều 7 về Hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động đã quy định, hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động Việt Nam thực hiện theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan.

Theo đại biểu, quy định này chưa đề cập đến các quy định của pháp luật Việt Nam là cơ sở để thực hiện hợp tác quốc tế; vì vậy cần bổ sung nội dung này để đảm bảo quy định chặt chẽ hơn. Đồng thời, Điều 7 cần bổ sung, làm rõ các hình thức thực hiện hợp tác quốc tế theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng, cần làm rõ các trường hợp nào là cấp bách theo Khoản 1, Điều 16, cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị, người đang sử dụng điều khiển phương tiện, thiết bị để phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ.

Đại biểu Bế Minh Đức
Đại biểu Bế Minh Đức

Nhận thấy, nhiều nội dung của dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đã được tiếp thu, chỉnh lý so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đồng thời đánh giá cao tinh thần nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo.

Có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái

Băn khoăn về quy định việc huy động người, phương tiện, thiết bị (Điều 16) của dự thảo Luật, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, việc quy định trong một số trường hợp đặc biệt, được quy định người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng điều khiển thiết bị, phương tiện đó để đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ là cần thiết. Nhưng cần phải cân nhắc, xem xét kỹ để đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi và thẩm quyền về việc huy động nói trên.

Để tránh việc lạm dụng quyền trên một cách rộng rãi cũng như tránh xảy ra những hệ lụy không đáng có, đại biểu Bế Minh Đức nêu rõ: về phạm vi, trường hợp được huy động người và thiết bị dân sự bao gồm cả trường hợp trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự tại điểm d, khoản 3, Điều 9 là chưa hợp lý.

Đại biểu lí giải, hoạt động tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự là hoạt động thường xuyên, không mang tính cấp bách, nên quy định quyền huy động trong trường hợp này là không phù hợp.

Nhấn mạnh, trường hợp lạm dụng quyền huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp, do đó, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị cần cân nhắc thêm nên quy định chỉ những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết mới là phạm vi để cảnh sát cơ động có thể huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là những người phục vụ lâu dài trong lực lượng hoặc giữ cấp bậc, chức vụ nhất định.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga 

Phát biểu góp ý kiến cho dự thảo Luật Cảnh sát cơ động tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ nhất trí cao đối với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này.

Theo đại biểu, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu; các nội dung đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội và chỉnh lý theo hướng khoa học hơn so với dự thảo trình tại Kỳ họp trước.

Nêu quan điểm ủng nội dung liên quan đến quyền hạn của cảnh sát cơ động được quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ đồng tình với quy định cảnh sát cơ động có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đại biểu, trong thực tế các loại phương tiện bay siêu nhẹ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa với các mục tiêu bảo vệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.