Bảo vệ “di sản văn hóa lộ thiên”

GD&TĐ - Bộ VH-TT&DL vừa cấp bằng xếp hạng di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia cho Di tích trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). 

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Việc cấp bằng di tích cho công trình kiến trúc này thể hiện rõ tầm nhìn về giá trị lịch sử, văn hóa của cơ quan quản lý đối với những công trình kiến trúc thời thuộc Pháp.

Cách đây không lâu, giới kiến trúc, nghệ sĩ và trí thức đã có ý kiến trước việc TP Hồ Chí Minh định phá đi xây mới trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh (tòa nhà số 59-61 Lý Tự Trọng).

Công trình này được gọi bằng cái tên “Dinh thượng thơ” do người Pháp xây dựng, hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ. Chính vì không được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, thậm chí nằm ngoài danh mục kiểm kê di tích, nên tòa nhà không được sự bảo vệ của Luật Di sản văn hóa.

Và nếu không được sự bảo vệ của pháp luật, tòa nhà có thể bị xâm hại hay thậm chí phá bỏ bất cứ lúc nào.

Ai cũng thừa nhận nhiều biệt thự thời Pháp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt… không chỉ đẹp mà còn giàu giá trị lịch sử văn hóa. Hiện tại ở Thủ đô Hà Nội có tới khoảng 970 biệt thự Pháp thuộc sở hữu Nhà nước.

Trước khi có Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết về Luật Nhà ở, trong đó có quy định về việc quản lý và sử dụng nhà ở là biệt thự có giá trị về lịch sử thì “…phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa”. Vậy là, các biệt thự thời Pháp đã được bảo vệ... đôi chút.

Tuy nhiên, khi không được xếp hạng di tích (dù là cấp tỉnh), lại không được cải tạo thì nhiều biệt thự Pháp rơi vào tình trạng dần bị tự hủy hoại theo thời gian.

Đặc biệt, sau ngày tiếp quản về Thủ đô, nhiều biệt thự đã được phân chia cho các cán bộ, công nhân viên đến ở. Qua mấy chục năm, các gia đình phát triển thêm nhiều nhân khẩu đã sửa chữa, cải tạo, chắp vá.

Có biệt thự không “gồng gánh” nổi đã tự sập mái như vụ việc xảy ra ngày 22/9/2015 tại biệt thự số 105 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Khi trụ sở Bộ Ngoại giao rồi trụ sở Tòa án nhân dân tối cao được xếp hạng di tích cấp quốc gia, dư luận bỗng thấy hóa ra còn rất nhiều công trình kiến trúc đẹp và giàu giá trị thời Pháp nữa, tại sao không được xếp hạng di tích? Ví như Nhà hát Lớn Hà Nội do chính Bộ VH-TT&DL quản lý; hay như công trình kiến trúc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nơi lưu giữ và trưng bày hàng triệu cổ vật; công trình tòa nhà của Đại học Quốc gia (trước là tòa nhà chính của Trường Đại học Đông Dương).

Hoặc đồ sộ nữa như cây cầu Long Biên… Những công trình kiến trúc độc đáo thời Pháp là những “mỏ di sản văn hóa lộ thiên” cần được xếp hạng di tích để bảo vệ. Và cần phân biệt rõ giá trị lịch sử văn hóa của nó đem lại với việc xâm lược thuộc địa của người Pháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ