Giải bài toán bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mặc dù Việt Nam có hàng chục di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định trong hệ thống pháp luật.

Di sản 'Hoàng hoa sứ trình đồ' được công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2018.
Di sản 'Hoàng hoa sứ trình đồ' được công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2018.

Điều này khiến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản tư liệu gặp nhiều khó khăn.

Nguồn di sản phong phú

Theo thống kê của Bộ VH,TT&DL, đến nay di sản Việt Nam được UNESCO ghi danh gồm: 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu. Trong đó, di sản tư liệu là loại hình thuộc di sản văn hóa nhưng chưa được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Theo TS Vũ Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Di sản tư liệu gồm một hay một nhóm tài liệu có giá trị quan trọng và lâu dài đối với một cộng đồng, một nền văn hóa, một quốc gia hay đối với nhân loại nói chung.

Trước tình trạng nhiều tài liệu biến mất vĩnh viễn hoặc trong tình trạng nguy cấp, UNESCO đã khởi xướng Chương trình Ký ức thế giới nhằm bảo vệ di sản tư liệu. Đồng thời nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết phải bảo tồn di sản tư liệu.

Sự nổi bật của Việt Nam được thể hiện ở 9 di sản tư liệu được UNESCO công nhận. Trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn (công nhận năm 2009), Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (công nhận năm 2011), Châu bản triều Nguyễn (công nhận năm 2017)...

Và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (công nhận năm 2012), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (công nhận năm 2016), Mộc bản trường học Phúc Giang (công nhận năm 2016), Hoàng hoa sứ trình đồ (công nhận năm 2018), Bia ma nhai danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (công nhận năm 2022), Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (công nhận năm 2022).

Ngoài giá trị lưu trữ thông tin, kho tri thức dân gian cung cấp cái nhìn xuyên suốt về hành trình lập nước, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của quốc gia cũng như cách sắp xếp tổ chức, bộ máy điều hành của triều đại phong kiến và phản ánh toàn diện các vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, xã hội, văn hóa các thời kỳ... Ngoài ra, di sản tư liệu còn được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật, cổ vật quý giá.

Đến nay, nước ta vẫn chưa có thống kê đầy đủ về số lượng di sản tư liệu. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, di sản tư liệu ở Việt Nam có khối lượng đồ sộ và tồn tại ở nhiều địa điểm: Trong các cơ sở thuộc Nhà nước quản lý như thư viện, bảo tàng, trung tâm lưu trữ; tại các cơ sở làng xã như đình, đền, miếu, quán; tại cơ sở tư nhân như nơi thờ tự, dòng tộc, tư gia…

Chỉ xét riêng tại Thừa Thiên - Huế, ngoài ba di sản tư liệu được UNESCO ghi danh thì còn hàng vạn tư liệu giá trị. Trong đó phải kể tới hàng nghìn ván khắc kinh Phật trong chùa Từ Ðàm, Trúc Lâm… Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng lưu giữ khoảng 5.000 ván khắc Phật giáo và gần 70.000 sách cổ.

Những số liệu sơ bộ này phần nào phác họa bức tranh phong phú về di sản tư liệu của Việt Nam. Nếu biết quản lý và bảo vệ, trong tương lai nguồn di sản ấy không chỉ là tài sản, mà còn là nguồn lực để thúc đẩy các giá trị văn hóa ra thế giới.

Hệ thống Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) gồm 78 bia khắc trên vách đá.

Hệ thống Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) gồm 78 bia khắc trên vách đá.

Sửa luật để “giải bài toán” di sản

Có nguồn di sản phong phú, lại tham gia Chương trình “Ký ức thế giới” từ năm 2007, thế nhưng đến nay, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý, chưa quy định thẩm quyền, hướng dẫn các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO, thiếu nội dung, cơ chế thực hiện, xử lý thông tin các báo cáo bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo cam kết với UNESCO.

Năm 2022, khi Bộ VH,TT&DL tổng kết việc thực hiện Luật Di sản văn hóa đã chỉ rõ những hạn chế như chưa quy định nội dung các hoạt động, cơ chế thu hút nguồn lực xã hội, chưa huy động được sự đóng góp, tham gia của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngay cả việc dễ thấy, khi tư liệu bị mất thì không biết quy trách nhiệm cho ai, xử lý thế nào?

Bởi vậy cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Dự kiến dự thảo Luật sẽ được trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Trong khuôn khổ công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, mới đây Bộ VH,TT&DL đã có quyết định tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với mục đích đánh giá thực trạng quản lý, đặc biệt là công tác nhận diện, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng.

Bên cạnh đó cũng đề cập việc bảo vệ, phát huy, quảng bá giá trị các di sản tư liệu thế giới và di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi được ghi danh. Đồng thời tạo cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quá trình ghi danh di sản tư liệu ở Việt Nam hiện tại và hướng phát triển trong tương lai.

Bộ VH,TT&DL yêu cầu Cục Di sản văn hóa và các đơn vị liên quan chuẩn bị kỹ nội dung, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Khách mời tham dự hội thảo sẽ có đại diện Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 63 tỉnh, thành phố và lãnh đạo bảo tàng...

Bộ VH,TT&DL kỳ vọng sau hội thảo, cán bộ văn hóa có thể hiểu sâu hơn, giải quyết được những vướng mắc trong quá trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu cũng như quy trình chuẩn bị hồ sơ đề cử di sản tư liệu thế giới và khu vực.

Theo Quyết định số 3085/QĐ-BVHTTDL ngày 23/10/2023 của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL kèm theo kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, Cục Di sản văn hóa được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và chuẩn bị nội dung và tổ chức hội thảo tại Nha Trang - Khánh Hòa vào tháng 11/2023 (dự kiến).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ