Góp ý về chủ trương đầu tư dự án đối với khu vực bảo vệ di sản văn hóa

GD&TĐ - Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, nhiều đại biểu quan tâm góp ý và tranh luận về Luật Đầu tư liên quan đến chủ trương đầu tư dự án đối với khu vực bảo vệ di sản văn hóa.

Đại biểu Trần Việt Anh - TP Hà Nội.
Đại biểu Trần Việt Anh - TP Hà Nội.

Đại biểu Trần Việt Anh, đoàn TP Hà Nội góp ý vào Luật sửa đổi, bổ sung về nội dung của Luật Đầu tư liên quan đến thẩm quyền phân cấp chủ trương đầu tư dự án đối với khu vực bảo vệ di sản văn hóa.

Theo đại biểu này, trên tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã lan tỏa đến các tầng lớp trong xã hội, sự quan tâm thực sự của các vị đại biểu Quốc hội đến lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa.

“Tôi thể hiện sự thống nhất cao trong Báo cáo số 424 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp, thẩm tra và đa số ý kiến thống nhất của các vị đại biểu Quốc hội cũng như quan điểm của Ủy ban Kinh tế, cơ quan được giao chủ trì thẩm tra tại Báo cáo số 603. Với quan điểm mọi hoạt động trong khu vực di sản phải phù hợp với pháp luật về di sản đã được thể hiện trong báo cáo. Cùng với sự làm việc trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, tôi tin tưởng quan điểm trên sẽ được phân định một cách rõ ràng, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện”, đại biểu Trần Việt Anh nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh), đối với việc dự thảo luật đề cập vấn đề về phân vùng cấp độ 2 đối với việc cấp phép đầu tư đối với các di sản thiên nhiên thế giới, phải khẳng định đầu tiên rằng dự thảo luật không xâm phạm đến di sản văn hóa hay di sản thiên nhiên thế giới.

“Dự thảo luật chúng ta nói về vấn đề vùng bảo vệ vùng 2. Vùng đệm 2 theo như công ước của UNESCO về bảo vệ các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới. Bởi vì các cam kết của từng quốc gia với mỗi di sản được thể hiện trong hồ sơ đề cử tại UNESCO. Trong đó mỗi quốc gia tự cân nhắc việc thiết lập và áp dụng biện pháp bảo vệ đối với vùng đệm hay là vùng bảo vệ 2 theo Luật Di sản văn hóa”, đại biểu đoàn Quảng Ninh nói.

Theo bà Hà, Luật Di sản văn hóa cũng quy định cụ thể về nội dung vùng bảo vệ 1, vùng bảo vệ 2, trong đó xây dựng các công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ 2 đối với di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà không yêu cầu phải có chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo khoản 3 Điều 32 của Luật Di sản văn hóa.

Thực tế vùng đệm 2 thuộc các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên ở nước ta đã quy định một vùng rất lớn và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân nằm trong vùng đệm.

“Bản thân mỗi địa phương và người dân của những địa phương được hưởng vùng di sản luôn luôn phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới trên địa bàn và địa phương của mình. Đây vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm trước nhân loại trong việc bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới, văn hóa thế giới. Việc thẩm quyền giao cho cấp tỉnh quản lý là hoàn toàn phù hợp. Tôi thống nhất với lại nội dung Tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo giải trình”, bà Hà nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ