Quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình

GD&TĐ - Làm thế nào để tăng tự chủ thật sự cho trường ĐH, đó là vấn đề lớn được đặt ra trong sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH lần này. Đây cũng là nội dung được các đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm khi thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH ngày 6/11.  

Tự chủ đại học là một trong những yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
Tự chủ đại học là một trong những yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Nội dung tự chủ được làm rõ hơn trong dự thảo Luật

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH trình ra Quốc hội lần này đã được chỉnh lý theo hướng giải thích rõ khái niệm tự chủ; quy định điều kiện, yêu cầu để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản; chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục ĐH khi thực hiện tự chủ; quy định rõ khái niệm trách nhiệm giải trình và các nội dung về chất lượng, học phí, kết quả kiểm toán mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan.

Theo GS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ghi nhận ý kiến của nhiều đại biểu, trường phải có đủ điều kiện mới được tự chủ, trong đó có việc phải đạt được kiểm định, thành lập trường là phải kiểm định, ĐH đạt chuẩn thì được mở đào tạo thạc sĩ…

Tự chủ cũng gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội, với cấp trên, với người học. Ba nội dung tự chủ được đặt ra là: Tự chủ về chuyên môn; tổ chức nhân sự và tài chính, tài sản. Đây là một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức.

Nói về nội dung tự chủ, đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) dẫn Điều 12 Khoản 4 của dự thảo Luật, quy định: “Có chính sách đồng bộ để đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học gắn với trách nhiệm giải trình”, và đề nghị nên viết lại là: “Chính phủ ban hành các chính sách đồng bộ để bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình”. Bởi vì, trong những năm qua, trên 20 trường ĐH đã được tự chủ trên cơ sở Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017.

 “Đây là một Nghị quyết rất tiến bộ, giúp tháo gỡ nhiều khó khăn cho các trường ĐH, giúp các trường vận hành hiệu quả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cần luật hóa và đồng bộ hóa các luật khác có liên quan như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Kiểm toán để nâng cao hơn nữa quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường để cho số trường tự chủ nhiều hơn và tự chủ có hiệu quả hơn” – đại biểu Lê Thu Hà kiến nghị.

Hội đồng trường - Định chế tiên quyết thực hiện thành công tự chủ ĐH

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật thống nhất gọi cơ quan quản trị ở cả trường công lập và tư thục là Hội đồng trường (HĐT); quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của HĐT, của từng thành viên trong Hội đồng cũng như của hiệu trưởng; xác định rõ HĐT là tổ chức quản trị còn hiệu trưởng thực thi quyền quản lý, điều hành hoạt động nhà trường trên cơ sở quy định pháp luật và nghị quyết của Hội đồng. Dự thảo Luật không quy định chi tiết tiêu chuẩn các chức danh Chủ tịch HĐT, hiệu trưởng mà giao cho trường tự chủ quyết định phù hợp với quy định chung của pháp luật.

Dự thảo Luật bổ sung quy định chuyển một số thẩm quyền trước đây do cơ quan chủ quản và hiệu trưởng quyết định sang cơ chế HĐT quyết định; chuyển từ chế độ thủ trưởng sang chế độ quyết nghị của tập thể, theo đó, thực hiện quyền tự chủ thuộc về HĐT; hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ điều hành, quản lý nhà trường theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Điều này phù hợp với xu thế chung của giáo dục ĐH trên thế giới.

Tuy vậy, trong bối cảnh thực tế tổ chức, quản lý của các trường đại học Việt Nam hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm hài hòa mối quan hệ quản trị của HĐT với vai trò thực thi, điều hành của hiệu trưởng linh hoạt, hiệu quả.

 

3 mặt tự chủ, trong đó tự chủ học thuật là mục tiêu phát triển, tự chủ tài chính là động lực phát triển, tự chủ nhân sự là nền tảng phát triển của nhà trường. Tự chủ không có nghĩa là buông để các trường tự bơi mà Nhà nước có đầu tư rồi rút ra dần một phần hoặc coi “thể trạng” để tiếp tục đầu tư.

 

Đại biểu Dương Minh Tuấn

(đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)

Nhận định HĐT là một định chế tiên quyết để thực hiện thành công chủ trương tự chủ ĐH, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của HĐT trong dự thảo Luật là rất cụ thể. Có thể nói, sau khi Luật có hiệu lực thì hầu như các nội dung về HĐT đều có thể triển khai ngay vào cuộc sống không cần phải chờ các văn bản hướng dẫn.

Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Huỳnh Thành Đạt, dự thảo Luật còn một nội dung chưa rõ mà trước đây khi triển khai chủ trương thành lập HĐT ở các cơ sở giáo dục ĐH đã gặp nhiều khó khăn vướng mắc, đó là quan hệ giữa HĐT và các thiết chế quyền lực khác trong trường, cụ thể là quan hệ giữa HĐT và Đảng ủy của trường. Do đó, nên thể hiện quy định về mối quan hệ này trong Luật, ít nhất là về nguyên tắc.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đặt vấn đề về chức danh Chủ tịch HĐT. Chức danh này theo dự thảo Luật ghi “Chủ tịch HĐT có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học”. Đại biểu cho rằng như vậy là khá tốt; tuy nhiên, một số nước thận trọng hơn, ví dụ Trung Quốc, HĐT phải có kinh nghiệm giảng dạy 5 năm. Từ đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét thêm vấn đề này, nếu được cho thêm vào điều kiện của chủ tịch HĐT.

Thảo luận liên quan đến HĐT ĐH công lập, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, dự thảo Luật đã nêu rất rõ HĐT ĐH công lập là tổ chức đại diện cho quyền chủ sở hữu Nhà nước. Điều này rất chính xác, nhưng phải xác định ai là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước để quản lý, giám sát các trường, trong này chưa định nghĩa.

Từ đó, liên quan đến thành viên HĐT, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị chủ sở hữu phải có một số quyền liên quan đến HĐT. Ví dụ, HĐT họp sẽ bầu ra Chủ tịch HĐT, các thành viên, nhưng tất cả những người này về nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu của chủ sở hữu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.