TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, cần phải chỉ rõ chủ sở hữu của từng loại hình trường và từ đó xác định thành phần hội đồng trường, lúc đó mới nói đến trao quyền tự chủ.
Đơn cử, trước đây người ta quan niệm chủ sở hữu trường công lập là nhà nước. Nhưng trong quá trình nghiên cứu trên thế giới, người ta phát hiện trường công cũng có loại chủ sở hữu là nhà nước, có cơ quan chủ quản như quen thuộc; nhưng cũng có trường công không có cơ quan chủ quản mà chủ sở hữu của nó là cộng đồng xã hội…
Như vậy là có nhiều loại chủ sở hữu khác nhau. Hiện nay, liên quan đến trao quyền tự chủ cho các trường, bao giờ cũng trao quyền tự chủ cho một tập thể lãnh đạo chứ không phải trao quyền tự chủ cho ông hiệu trường nhà trường. Tập thể đó phải đại diện cho chủ sở hữu của trường đó.
Dựa theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nhà nước cần sớm có các chính sách khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Theo tinh thần đó, TS Lê Viết Khuyến cho rằng Luật Giáo dục ĐH cần được điều chỉnh theo các định hướng sau:
Cả hai loại hình trường ĐH tư thục (vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận) đều do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân (gọi tắt là các thành phần góp vốn) đứng tên xin thành lập, cùng góp vốn xây dựng cơ sở vật chất, đều được đảm bảo kinh phí hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
TS Lê Viết Khuyến |
Sự khác giữa hai loại hình trường này, không phải chỉ ở chỗ nhà đầu tư được hưởng lợi tức nhiều hay ít (như đã được giải thích tại Điều 4, Luật Giáo dục ĐH) mà chủ yếu ở “bản chất sở hữu” của nhà trường.
Ở các trường tư thục vì lợi nhuận, sau khi thành lập trường, các cổ đông trực tiếp nắm quyền quản trị trường. Còn ở các trường tư thục không vì lợi nhuận, các nhà đầu tư sau khi hoàn thành nghĩa vụ đứng tên thành lập và xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường, phải tự nguyện chấp nhận chuyển quyền quản trị của mình cho các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội.
Do đó, trong khi tài sản của trường tư thục vì lợi nhuận thuộc sở hữu tư nhân (theo điều 211 Bộ Luật Dân sự) thì tài sản của trường tư thục không vì lợi nhuận thuộc sở hữu chung của cộng đồng xã hội (theo điều 220 Bộ Luật Dân sự).
Ở trường ĐH tư thục (vì lợi nhuận), Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường. Thông qua Đại hội đồng này, các cổ đông sẽ phân chia quyền lực trong Hội đồng quản trị và bộ máy điều hành để thực hiện quyền quản trị và quản lý của mình đối với nhà trường.
Trong khi đó, ở trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận, Hội đồng quản trị là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường, là đại diện duy nhất cho quyền sở hữu chung của cộng đồng xã hội đối với tài sản nhà trường.
Hội đồng quản trị chỉ giữ vai trò định hướng phát triển cho nhà trường, giám sát hoạt động của nhà trường, tuyển chọn hiệu trưởng, chứ hoàn toàn không can thiệp trực tiếp vào công việc điều hành hàng ngày của Ban giám hiệu nhà trường.
Khác với loại hình trường ĐH dân lập đã có, do trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận mang bản chất sở hữu chung của cộng đồng xã hội, nên linh hồn của Hội đồng quản trị của trường phải là nhóm đại diện ưu tú cho cộng đồng xã hội từ phía ngoài nhà trường.