Luật Giáo dục đại học sửa đổi,bổ sung cần thống nhất với hệ thống luật khác

GD&TĐ - Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học cần rà soát lại toàn bộ để có sự thống nhất với hệ thống luật, trước hết là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đó là ý kiến của PGS.TS Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Rà soát sự tương quan với các luật khác

Xét riêng về Luật Giáo dục nghề nghiệp, PGS.TS Phan Thanh Bình - đặt vấn đề: “Trên thế giới nếu đại học từ cao đẳng đi lên thì chúng ta có theo Luật Giáo dục đại học hay không? Còn đứng về góc độ chuyên môn nếu coi đại học từ cao đẳng đi lên thì ai quản lý? Vì thế cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này.

“Ngoài ra, chúng ta cần phải xem xét và rà soát sự tương quan với các luật khác. Chẳng hạn khi nói về học phí thì chúng ta có vi phạm vào luật giá hay không? Hay khi chúng ta nói về đất cho các trường thì cần nghiên cứu xem có vi phạm Luật Đất đai hay không? Tựu chung lại là phải rà soát lại hệ thống luật” - PGS.TS Phan Thanh Bình trao đổi.

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, cái gì rõ rồi thì chúng ta quy định, cái gì chưa rõ nhưng thấy đúng thì nên đặt ra nguyên tắc và nên ghi: Cụ thể giao do chính phủ. Tất nhiên chúng ta phải có hành lang pháp lý trước nếu không sau này muốn làm gì cũng không nổi.

“Chẳng hạn như, tôn giáo hiện nay đã được công nhận về tư cách pháp nhân và quyền dân sự, họ có thể mở trường đại học tư nhân. Vì vậy chúng ta phải tính đến lĩnh vực này, trên tinh thần là: Rõ thì chúng ta quy định, chưa rõ thì tạo mọi hành lang pháp lý, sau đó giao cho Chính phủ quy định cụ thể” - PGS.TS Phan Thanh Bình dẫn giải.

PGS.TS Phan Thanh Bình: Chúng ta cần xem xét và rà soát sự tương quan với các luật khác
PGS.TS Phan Thanh Bình: Chúng ta cần xem xét và rà soát sự tương quan với các luật khác

Cần làm rõ về quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản

Cũng theo PGS.TS Phan Thanh Bình, cần làm rõ về quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản. Tránh đưa những khái niệm mà chúng ta nói thì được nhưng đến khi vận hành thì khó. “Vấn đề đặt ra là cơ quản chủ quan còn hay không. Nếu còn thì bởi quy định nào và không còn thì bởi quy định gì? Cái này phải quy định rất rõ” PGS.TS Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Nêu vấn đề về hội đồng nội trị, PGS.TS Phan Thanh Bình –phân tích: Hội đồng trường là làm chiến lược, vì thế nếu ông hiệu trưởng mà mất dân chủ, chèn ép nhân viên thì hội đồng trường không bàn đến đó. Bởi vì về cơ bản Hội đồng trường chỉ bàn đến chiến lược, tài chính và nhân sự. Nhưng mà bây giờ quan hệ giữa cán bộ với nhau thì sao? Vậy chúng ta có nên thành lập hội đồng nội trị hay không? Vấn đề này có thể tham khảo mô hình của Trường ĐH Việt Đức.

“Ngoài ra cần có bộ máy để thực hiện việc giám sát hiệu trưởng và nhân sự từ trên xuống. Nhưng nếu vậy thì nảy sinh ra thêm vấn đề nhân sự, biên chế. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, nếu không dễ dẫn đến khi đưa ra cả chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng đều không thể hiện vai trò của mình được hiệu quả” - PGS.TS Phan Thanh Bình nói.

Một vấn đề khác mà PGS.TS Phan Thanh Bình cho rằng cũng cần phải nghiên cứu, xem xét đó là: Chủ tịch hội đồng trường là Bí thư Đảng ủy hay Bí thư Đảng ủy là Chủ tịch hội đồng; tương tự Hiệu trưởng là Bí thư hay Bí thư là Hiệu trưởng.

“Chúng ta có nên dùng cơ chế này để tìm ra được ông Chủ tịch Hội đồng trường hay không? Ông này thậm chí phải giỏi ngang hoặc giỏi hơn ông hiệu trưởng. Cái này phải bàn và suy nghĩ thật kỹ” - PGS.TS Phan Thanh Bình lưu ý.

"Rất hoan nghênh Ban soạn thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung một số điều. Qua soạn thảo lần 2, Ban soạn thảo đã tiếp thu rất tốt ý kiến đóng góp của các chuyên gia và bước ra khỏi những quyết nghị của Quốc hội" - PGS.TS Phan Thanh Bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.