Nội hàm khái niệm “trách nhiệm giải trình”
Theo PGS.TS Chu Hồng Thanh, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học lần này có ưu điểm lớn đó là: đã nhấn mạnh và đề cao quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học tại Khoản 5 Điều 11, Điều 32 và các điều khoản quy định về Hội đồng trường, về thực hiện chương trình giáo dục và quản lý tài chính, tài sản của nhà trường, trong đó có bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình và làm hơn quan điểm xóa bỏ tình trạng xin – cho trong thực hiện quyền tự chủ.
“Tuy nhiên, hiểu thế nào về nội hàm khái niệm “trách nhiệm giải trình” theo nghĩa tiếng Việt là vấn đề cần được làm rõ hơn trong dự thảo. Giải trình không chỉ báo cáo, thuyết minh, thuyết trình về hoạt động của nhà trường mà quan trọng hơn phải là trách nhiệm pháp lý, chịu trách nhiệm độc lập trước pháp luật” - PGS.TS Chu Hồng Thanh nêu quan điểm.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền: Trách nhiệm giải trình của trường học là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động |
Cùng quan điểm với PGS.TS Chu Hồng Thanh, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học (Học viện Quản lý Giáo dục), cần tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho nhà trường, tăng vai trò ra quyết định của cấp trường học gắn liền với các hệ thống thông tin trách nhiệm giải trình.
“Trách nhiệm giải trình của trường học là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động, mọi sản phẩm, mọi quyết định hay chính sách mà nhà trường đưa ra trong việc lãnh đạo, quản lý và thực hiện công việc; gắn với nghĩa vụ báo cáo, giải thích cho những các hoạt động của nhà trường và tác động của nó.
Tùy theo quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà trường trong việc trao quyền tự chủ mà các hệ thống giải trình có thể khác nhau” - PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền trao đổi.
Cũng theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, quyền tự chủ cho nhà trường là một phần của cơ chế phân cấp quản lý hệ thống giáo dục. Mục tiêu của việc trao quyền quản trị cho nhà trường là nhằm nâng cao chất lượng và công bằng giáo dục.
Trường học tự chủ là trường học được giao quyền ra các quyết định về việc phân bổ các nguồn lực cho giáo dục, bao gồm:
Thứ nhất là quyền lực: Ban hành các quyết định
Thứ hai là tri thức, học thuật: Mục tiêu giáo dục, chương trình, tài liệu học tập
Thứ ba là cơ sở vật chất, kỹ thuật: Trường, lớp, sân bãi, các phương tiện dạy học,…;
Thứ tư là nhân lực: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên;
Thứ năm là tài chính: Các nguồn kinh phí, tài chính.
PGS.TS Trần Văn Tớp: Chủ tịch Hội đồng trường phải tham gia quản lý cấp Ban Giám hiệu ít nhất 1 nhiệm kỳ trở lên và (không phải là hoặc) được đào tạo về quản trị đại học. |
Đề xuất tiêu chuẩn đối với Chủ tịch Hội đồng trường
Đề cập đến nội dung Hội đồng trường, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi tiêu chuẩn đối với Chủ tịch Hội đồng trường. Hiện nay, hầu hết các trường, Chủ tịch Hội đồng trường chưa hề tham gia quản lý cấp Ban giám hiệu mà thường là cấp trưởng phòng.
Trong Dự thảo Luật, quy định chỉ cần có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 5 năm hoặc được đào tạo về quản trị đại học; PGS.TS Trần Văn Tớp - kiến nghị: Chủ tịch Hội đồng trường phải tham gia quản lý cấp Ban Giám hiệu ít nhất 1 nhiệm kỳ trở lên và (không phải là hoặc) được đào tạo về quản trị đại học.
“Cũng phải xem xét Điều 18 về Hội đồng đại học cũng cần chỉnh sửa, bổ sung các nội dung cụ thể hơn cho nhất quán như quy định cho Hội đồng trường. Ví dụ Hội đồng đại học cũng tổ chức thực hiện quy trình bầu Giám đốc, quyết nghị kế hoạch tài chính,
Đối với các trường đại học thành viên của Đại học quốc gia, đại học vùng thì quan hệ giữa Hội đồng đại học, Ban Giám đốc với Hội đồng trường thành viên thế nào? Hiệu trưởng trường thành viên phải tuân theo Nghị quyết của Hội đồng đại học, Ban Giám đốc và Hội đồng trường.
Do đó, nếu thực hiện theo mô hình này thì quan hệ này phải làm rõ trong quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng trường và Hội đồng đại học” - PGS.TS Trần Văn Tớp trao đổi.