Luật Giáo dục Đại học cần cụ thể, phù hợp thực tiễn

Luật Giáo dục Đại học cần cụ thể, phù hợp thực tiễn

(GD&TĐ) - Sau 2 ngày làm việc đầy tinh thần trách nhiệm (19-20/4), Hội nghị lấy ý kiến  về việc xây dựng Luật Giáo dục đại học do Uỷ ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội tổ chức đã thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết.

>>>Cần luật hóa tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD ĐH

>>>Đưa nội dung kiểm định chất lượng giáo dục ĐH vào Luật

 Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Nhiều đại biểu đã đồng quan điểm cho rằng  sự ra đời của Luật Giáo dục Đại học là cần thiết. Đây sẽ là hành lang pháp lý thực hiện có hiệu quả đường lối quan điểm và mục tiêu giáo dục đại học nước ta trong thời gian tới.

Một trong những nội dung được các đại biểu có ý kiến nhiều nhất là vấn đề về thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định. Các đại biểu đều thống nhất quan điểm: Phạm vi điều chỉnh của Luật Giáo dục Đại học phải có tác dụng khuyến khích và hướng các tổ chức giáo dục đại học trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học – kỹ thuật – công nghệ nhằm góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến thực tiễn phát triển của đất nước.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đây là Luật chuyên ngành, trên nó là Luật Giáo dục, phải căn cứ vào đó để cụ thể hóa.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội thảo

Thay mặt Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hứa sẽ tinh chỉnh, cân đối, đưa vào những vấn đề cần thiết.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Tất cả những bức xúc, kỳ vọng, mong đợi đặt lên cho Luật không thể giải quyết hết ngay được. Luật là những vấn đề quan trọng, mang tính lâu dài. Lý giải một số ý kiến của đại biểu về các nội dung liên quan trong Dự thảo. Về mối quan hệ với Luật Giáo dục và các bộ Luật khác, Bộ trưởng cho rằng Luật giáo dục đại học là Luật chuyên ngành, trên nó là Luật Giáo dục, phải căn cứ vào đó để cụ thể hóa. Nhưng cũng có những nội dung của Luật Giáo dục bộc lộ những bất cập cần bổ sung thì cũng nhân cơ hội này để đưa vào vì đây là luật chuyên ngành. Luật vừa tuân thủ, kế thừa và cần cụ thể hóa, nhưng cũng cần phải dùng Luật này để giải quyết những vấn đề bất cập, thiếu sót trong quá trình thực hiện Luật Giáo dục vừa qua.

Cũng như vậy về vấn đề lương, học phí, bổ nhiệm lãnh đạo trong các trường công hiện nay. Bộ trưởng ý kiến: Các hoạt động trên của trường công đều có Luật Viên chức, Luật Ngân sách chi phối, có những điều chúng ta phải tuân thủ các bộ luật khác, nhưng cũng có những điều chúng ta cần tranh thủ Luật này để đưa vào giải quyết những vướng mắc đang có.

Nhấn mạnh về việc trao quyền tự chủ cho các nhà trường, trong đó có ý kiến trao cho trường quyền chủ động tuyển sinh, Bộ trưởng khẳng định: Chỉ tiêu, số lượng tuyển cần phải trên sàn chất lượng. Không thể chấp nhận việc chạy theo số lượng bằng bất cứ giá nào. Liên quan đến ý kiến cho rằng trao quyền quyết định mở ngành cho các trường.

Bộ trưởng cho rằng: Tự chủ nhưng phải có điều kiện, trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay có trường truyền thống hàng trăm năm, có bề dày kinh nghiệm đào tạo có thể đứng ngang các trường trong khu vực. Nhưng cũng có những trường mới thành lập. Nếu buông lỏng quản lý thì mạnh trường nào trường đó làm, quản thì các trường khó hoạt động. Chúng ta làm thế nào không buông, nhưng cũng không quản chặt. Điều này Thông tư 08 (09/2011/TT-BGDĐT, việc mở ngành đào tạo đại học – PV) đã chỉ rõ, những trường tốt, những trường đủ điều kiện có thể trao quyền chủ động lớn. Còn những trường không đủ điều kiện thì không cho làm. Tinh thần là phân cấp triệt để, những cơ sở giáo dục tốt, đủ điều kiện sẽ được phân cấp nhiều, làm tốt hơn thì phân cấp hết. Bộ GD&ĐT chỉ làm chính sách và quản lý Nhà nước.

Về việc nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ trưởng chỉ rõ: Nền kinh tế của chúng ta vẫn là sản xuất nhỏ, nông nghiệp chiếm đa số. Nếu 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn quốc tế đi làm cho nước ngoài hết thì lao động trong nước đi thuê ở đâu. Chất lượng cần đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế, có người đi làm cho nước ngoài, có người làm cho liên doanh, nhưng cũng phải có lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu đòi hỏi tất cả đào tạo đều đạt chuẩn là phi thực tiễn, chúng ta không có đủ nguồn lực để làm và đất nước cũng không đòi hỏi điều đó.

GS.TS Đào Trọng Thi: Đây là cơ hội để một bộ luật chuyên ngành về GDĐH được đưa ra.
GS.TS Đào Trọng Thi: Đây là cơ hội để một bộ luật chuyên ngành về GDĐH được đưa ra.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban GDTN,TN&NĐ Đào Trọng Thi nhấn mạnh: Đây là cơ hội để một bộ luật chuyên ngành về GDĐH được đưa ra. Luật không phải là hệ thống hóa quy phạm pháp luật trong GDĐH. Cần phải cụ thể hóa để cho thấy sự cần thiết phải ban hành.

Đồng ý nhiều quan điểm của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, về đào tạo nhân lực chất lượng cao, và về quyền tự chủ, ông cho rằng: Không thể tất cả đều nâng cao chất lượng, như thế là khẩu hiệu.  Phải chấp nhận chất lượng phân hóa nhiều bậc, có đào tạo đại trà, có một số ngành nghề công nghệ cao phải đi tắt đón đầu đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Không thể trao quyền tự chủ cho các trường như nhau, phải căn cứ vào vị trí, năng lực quản lý, đào tạo. Giữa trường công và trường tư phải khác nhau.

Ông cũng đưa ra quan điểm cần phải phân loại các trường theo hướng trường nào hoạt động phi lợi nhuận, hay lợi nhuận một phần hợp lý. Đối với trường có hoạt động đào tạo phi lợi nhuận thì sẽ được ưu tiên đầu tư. Về quy định tài sản cũng phải rõ ràng, trường hoạt động phi lợi nhuận thì tài sản không thể chia đều tỷ lệ cho các cổ đông. Lý giải điều này ông cho rằng, khi đã hoạt đông phi lợi nhuận thì sẽ được ưu đãi từ nhà nước, viện trợ từ các tổ chức quốc tế. Do vậy , nếu giải thể thì tài sản phải là của cộng đồng. Chính vì vậy vấn đề sở hữu phải được làm rõ ràng, công tư phải phân minh.

Kết thúc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội chỉ đạo, Bộ GD&ĐT là thường trực ban soạn thảo, tiếp tục lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện để tháng 6 Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến sẽ đưa ra Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 2, nhiệm kỳ XIII của Quốc hội vào tháng 10/2011.

Yên Thúy