Luật Công chứng (sửa đổi): Kỳ vọng nâng chất lượng công chứng viên

GD&TĐ - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng.
Người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng.

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã có một số sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững.

Công chứng viên phải được đào tạo nghề

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững, so với Luật Công chứng năm 2014. Dự thảo luật đã được sửa đổi, bổ sung một số quy định.

Theo đó, quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo). Những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của luật hiện hành thì phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng.

Dự thảo luật cũng bổ sung một số đối tượng được tham dự khóa đào tạo nghề công chứng 6 tháng như chấp hành viên trung cấp, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp…

Đồng thời, quy định thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng để bảo đảm sự thống nhất và để người tập sự đủ thời gian trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn.

Người tập sự phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng; bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự để bảo đảm người được bổ nhiệm công chứng viên có kiến thức, kỹ năng cập nhật.

Quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi, quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm để bảo đảm quá trình chuyển giao hoạt động của những công chứng viên này.

Dự án luật cũng sửa đổi một số quy định nhằm thực hiện chủ trương, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh như giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên từ 5 năm xuống còn 3 năm; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên giảm từ 7 loại giấy tờ xuống còn 3 loại giấy tờ.

Liên quan đến giới hạn độ tuổi của công chứng viên, có ý kiến cho rằng, công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề công chứng. Do vậy, việc dự thảo luật giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Do đó, để bảo đảm phù hợp với sự phát triển của y học hiện nay, đề nghị không nên giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe như đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc giới hạn một độ tuổi hành nghề cao hơn 70 tuổi.

Mở rộng công chứng điện tử

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng.

Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023.

Ông Tùng cho biết, có 2 loại ý kiến về phạm vi công chứng điện tử. Ý kiến thứ nhất tán thành dự thảo luật không giới hạn phạm vi công chứng điện tử, nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện cụ thể phù hợp với lộ trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Tuy nhiên, để thực hiện chính sách này, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý xác định rõ khái niệm, nội hàm của công chứng điện tử để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật; đề xuất giải pháp khắc phục được các hạn chế mà công nghệ chưa thể thực hiện thay con người để có cơ sở thực hiện theo lộ trình.

Bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử để bảo đảm kiểm soát việc thực thi lộ trình công chứng điện tử do Chính phủ quy định vẫn phải đáp ứng các yêu cầu của công chứng nội dung, bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của các giao dịch được công chứng, tương xứng với giá trị pháp lý của văn bản công chứng là có giá trị chứng cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của dự thảo luật.

Ý kiến thứ hai cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi áp dụng công chứng điện tử, nhất là theo phương thức công chứng điện tử trực tuyến, vẫn có một số yếu tố cốt lõi của công chứng nội dung mà công nghệ chưa thể bảo đảm thay thế được hoàn toàn vai trò của con người. Do đó, việc thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý.

Trước mắt, dự thảo luật cần quy định rõ chỉ áp dụng công chứng điện tử ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, không áp dụng đối với các giao dịch về bất động sản, thừa kế... như kinh nghiệm nhiều nước theo mô hình công chứng nội dung, bảo đảm nguyên tắc: Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật.

Đồng thời giao Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế xã hội xác định lộ trình mở rộng phạm vi giao dịch được công chứng điện tử, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo ông Tùng, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chỉ nên giao Chính phủ thực hiện thí điểm công chứng điện tử, trên cơ sở đó tiến hành tổng kết thực tiễn làm cơ sở luật hóa nội dung này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Dịch Thuật Tốt Hà Nộidịch vụ luật sư tranh tụng uy tín