Chiều 3/6, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày báo cáo tóm tắt Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Theo Nghị quyết số 793/NQ-UBTVQH15 ngày 7/6/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được phân công là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012.
Dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “người làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam” để bảo vệ nhóm yếu thế này, đồng thời bổ sung vấn đề gia nhập của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; mối quan hệ phối hợp hoạt động và vấn đề chia sẻ kinh phí Công đoàn với tổ chức này.
Ngoài đối tượng theo Luật Công đoàn năm 2012, dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (đối với việc gia nhập vào Công đoàn Việt Nam).
Dự thảo luật sẽ trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ (Điều 26) theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
Đồng thời cho phép “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của Công đoàn và Công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ”.
Về quyền và trách nhiệm của Công đoàn cấp trên đối với nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về quyền và trách nhiệm của Công đoàn cấp trên đối với nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động 2019 và vai trò là tổ chức chính trị - xã hội theo Điều 10 Hiến pháp 2013.
Về nội dung này, có ý kiến cho rằng, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định, quyền thương lượng chỉ được thực hiện khi tại doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Vì vậy, đề nghị cân nhắc bỏ quy định này để đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và phù hợp với bối cảnh mới.
Toàn cảnh phiên làm việc chiều 3/6. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Theo ông Nguyễn Đình Khang, ngoài những cơ sở đã nêu trong Tờ trình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thấy rằng, bên cạnh các quyền đối thoại, thương lượng thì còn rất nhiều quyền và lợi ích hợp pháp khác của người lao động cần được bảo đảm và bảo vệ khi người lao động có yêu cầu. Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn phương án như trong dự thảo Luật.
Về bảo đảm thời gian hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn hoạt động không chuyên trách, dự thảo Luật sửa đổi quy định theo hướng: Quy định cụ thể cách xác định tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ Công đoàn không chuyên trách trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên Công đoàn, đảm bảo tuân theo cách tiếp cận mới của Bộ luật Lao động 2019, không suy giảm quá lớn so với quy định hiện hành, đảm bảo cho Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 10 Hiến pháp 2013.
Dự thảo luật cũng bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; đề xuất 2 phương án phân chia kinh phí Công đoàn cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Sau khi Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày báo cáo tóm tắt Tờ trình dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - trình bày báo cáo tóm tắt báo cáo thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).