Trước khi biểu quyết toàn bộ Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Quốc hội biểu quyết Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh và Điều 46 về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia của dự thảo Luật.
Cụ thể, đối với Điều 8 có 471/472 đại biểu tán thành đạt 96,71%; Đối với Điều 46 có 456/468 đại biểu tán thành bằng 93,63%.
Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Đối tượng áp dụng là Tổ chức, cá nhân kinh bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam;. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.
Ngoài ra, Luật này điều chỉnh chung về các quan hệ cạnh tranh. Việc điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, miễn trừ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và thông báo tập trung kinh tế phải áp dụng quy định của Luật này.
Trường hợp luật khác có quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hình thức tập trung kinh tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật đó.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019. Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.