Cạnh tranh không lành mạnh: Phạt 20% tổng doanh thu, doanh nghiệp có thể bị phá sản

GD&TĐ - Chiều ngày 24/5 của Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Hành vi cạnh tranh không lành mạnh và chế tài xử lý là những nội dung được đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận sôi nổi trong phiên làm việc này.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Cụ thể hóa quy định xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Anh Tuấn – đoàn Hà Tĩnh đề xuất: Tại Điều 4 của dự thảo về nguyên tắc áp dụng pháp luật, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đã xử lý được một phần mối quan hệ giữa Luật cạnh tranh với các luật chuyên ngành có liên quan.

Theo đó luật khác có liên quan quy định cụ thể hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì ưu tiên áp dụng quy định của luật đó. Việc xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh và vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế được thực hiện theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo đại biểu, với quy định như dự thảo dễ dẫn đến cách hiểu là: Khi có vụ việc xảy ra thì chỉ có các vi phạm liên quan đến hạn chế cạnh tranh vào tập trung kinh tế mới được xử lý theo quy định của Luật cạnh tranh.

Còn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ được xử lý theo quy định của Luật chuyên ngành. Như vậy, quy định này đã làm vô hiệu hóa xung đột pháp luật với việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định ngay trong Luật Cạnh tranh Điều 114 và Khoản d Điều 116 của dự thảo.

Cũng theo đại biểu Lê Anh Tuấn, nếu chỉ quy định xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong luật chuyên ngành thì những hành vi mới đưa vào trong dự thảo Luật Cạnh tranh mà chưa được quy định trong luật chuyên ngành như: Hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác, hành vi lôi kéo khách hàng bất chính. Những hành vi này sẽ được xử lý theo quy định nào của pháp luật cạnh tranh hay cần được cụ thể hóa trong luật chuyên ngành?

“Đây là những vấn đề pháp lý rất quan trọng, chi phối quá trình áp dụng pháp luật. Theo tôi, cần phải được làm rõ để tiếp tục hoàn chỉnh thêm Điều 4 của dự thảo bảo đảm phù hợp với thực trạng pháp luật về cạnh tranh hiện nay cũng như bảo đảm hiệu lực thực thi của Luật Cạnh tranh khi được ban hành” – đại biểu Lê Anh Tuấn nêu ý kiến.

Xem xét lại hình thức phạt tiền

Trước quy định về mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm cạnh tranh, đại biểu Âu Thị Mai – đoàn Tuyên Quang cho rằng, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền có thể lên tới 10% đối với cá nhân và 20% đối với tổ chức trên tổng doanh thu của năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm là chưa phù hợp.

Bởi lẽ, doanh nghiệp có thể kinh doanh nhiều mặt hàng và chỉ có một mặt hàng là doanh nghiệp có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh, đồng thời nếu tiến hành phạt 10% tổng doanh thu năm tài chính trước đó đối với cá nhân và 20% tổng doanh thu năm tài chính trước đó đối với tổ chức là số tiền rất lớn, có thể dẫn đến doanh nghiệp bị phá sản bởi quyết định này.

Đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo căn cứ mức hình phạt trên tổng doanh thu loại hàng hóa mà doanh nghiệp vi phạm thay vì tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Thị Nguyệt –đoàn Hưng Yên cho rằng, hình thức phạt tiền với hành vi này cần xét trong mối tương quan khi xử lý đối với doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp có thể chỉ vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong một hoặc một số ngành nghề hành hóa dịch vụ mà họ kinh doanh chứ không phải là vi phạm toàn bộ các ngành nghề mà họ đang kinh doanh.

Khi đó chúng ta xử phạt vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 114, tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm là chưa được chính xác, thiếu tính khách quan cũng như sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

“Ví dụ: Có doanh nghiệp kinh doanh 5 loại ngành nghề khác nhau nhưng họ chỉ vi phạm pháp luật về cạnh tranh đối với một loại ngành nghề mà ngành nghề họ vi phạm chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Nếu luật quy định xử phạt 5% hoặc 10% trên tổng doanh thu thu được từ tất cả các ngành nghề doanh nghiệp kinh doanh sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Do đó, chúng ta chỉ nên tính tỷ lệ phần trăm doanh thu thu được từ ngành hàng hóa dịch vụ mà doanh nghiệp vi phạm quy định về cạnh tranh” Đại biểu Vũ Thị Nguyệt dẫn giải.

Theo đề xuất của đại biểu Vũ Thị Nguyệt, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng mức doanh thu thu được từ ngành hàng hóa dịch vụ mà doanh nghiệp vi phạm và là doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng không vượt quá mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 5% tổng doanh thu thu được từ ngành hàng hóa dịch vụ mà doanh nghiệp vi phạm và là doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.