Dịch vụ công chứng sẽ do thị trường quyết định

GD&TĐ - Một thực tế là các văn phòng công chứng thường chỉ thành lập ở đô thị, rất hiếm ở các vùng sâu, vùng xa.Vì vậy cần đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến khích thành lập các văn phòng công chứng ở khu vực này. 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Thực trạng trên được rất nhiều đại biểu nêu lên trong phiên làm việc ngày 1/6 của Quốc hội Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng

Tán thành với việc bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, Đại biểu Đặng Thế Vinh – đoàn Hậu Giang nhấn mạnh: Chúng ta đang xây dựng một Chính phủ kiến tạo với tiêu chí là minh bạch, tạo điều kiện thông thoáng cho đầu tư kinh doanh nên việc bỏ quy hoạch sản phẩm là chủ trương đúng.

Theo Đại biểu Vinh, bỏ quy hoạch tổng thể phát triển hành nghề công chứng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các văn phòng công chứng đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

“Không nên lo ngại việc bỏ quy hoạch thì văn phòng công chứng sẽ thành lập tràn lan, cạnh tranh không lành mạnh. Vì công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Luật Đầu tư.

Luật Công chứng quy định hết sức chặt chẽ về điều kiện hành nghề của công chứng viên, điều kiện thành lập hoạt động của văn phòng công chứng, nếu cạnh tranh không lành mạnh sẽ xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh” - Đại biểu Đặng Thế Vinh nói.

Tuy nhiên, theo Đại biểu, một thực tế hiện nay là các văn phòng công chứng thường chỉ thành lập ở đô thị, rất hiếm ở các vùng sâu, vùng xa.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra nghiên cứu bổ sung quy định để đẩy mạnh thực hiện chính sách về khuyến khích thành lập các văn phòng công chứng ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và tiếp tục duy trì hay thành lập mới các Văn phòng công chứng nhà nước để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp ở các địa phương, địa bàn khó khăn không có hoạt động của Văn phòng công chứng.

Đặng Thế Vinh – đoàn Hậu Giang phát biểu thảo luận tại hội trường

Đặng Thế Vinh – đoàn Hậu Giang phát biểu thảo luận tại hội trường

Cạnh tranh lành mạnh

Đồng tình với việc bãi bỏ quy hoạch tổng thể phát triển, tổ chức hành nghề công chứng, Đại biểu Trần Văn Tiến – đoàn Vĩnh Phúc cho rằng, việc bỏ quy định về lập quy hoạch tổng thể phát triển, tổ chức hành nghề công chứng là để phù hợp với Luật Quy hoạch, bảo đảm tính xã hội hóa do thị trường quyết định, dựa trên cơ sở cung cầu các tổ chức hành nghề công chứng, bình đẳng trong hành nghề, cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng dịch vụ và an toàn pháp lý cho các giao dịch.

“Nhà nước có trách nhiệm phát triển phòng công chứng ở những nơi khó khăn mà khu vực tư không có khả năng đầu tư nhằm đảm bảo phục vụ cho người dân. Do vậy, không quản lý bằng quy hoạch mà quản lý bằng kế hoạch như báo cáo giải trình của Chính phủ là đầy đủ” - Đại biểu Trần Văn Tiến nhấn mạnh.

Liên quan đến nội dung này, Đại biểu Nguyễn Tạo – đoàn Lâm Đồng nêu ý kiến: Qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49 của Trung ương Đảng về việc cải cách tư pháp và qua thực tiễn công tác triển khai thực hiện Luật Công chứng cho thấy, thực hiện tinh thần mở rộng xã hội hóa, việc mở rộng dịch vụ công chứng sẽ do thị trường quyết định dựa trên cơ sở cung cầu.

Tuy nhiên, mạng lưới tổ chức văn phòng công chứng phần lớn tập trung ở đô thị, thị trấn, thị tứ nơi tập trung dân cư nhiều. Còn tại các địa bàn như vùng sâu, vùng xa rất khó cho việc mở Văn phòng công chứng.

Theo Đại biểu Tạo, vấn đề đặt ra ở đây là, cần có những cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp để dịch vụ công trong hoạt động bổ trợ tư pháp này được đến với vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ