Doanh nghiệp tự xác định phải làm gì để tránh rủi ro vi phạm Luật Cạnh tranh

GD&TĐ - Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng – đoàn Quảng Trị, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) chưa làm rõ hình thức của thỏa thuận có phải được lập bằng văn bản hay các chứng cứ khác như e-mail, tin nhắn, băng ghi âm cũng có thể sử dụng được.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Để tránh mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp thì cần xem xét việc quy định cụ thể các ngưỡng thông báo tại Luật Cạnh tranh
Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Để tránh mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp thì cần xem xét việc quy định cụ thể các ngưỡng thông báo tại Luật Cạnh tranh

Báo cáo tài chính phải có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập

Theo đại biểu, thời điểm được xem xét là ngày hình thành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các doanh nghiệp đã thống nhất về kế hoạch thực hiện như: xác định ngày tăng giá nhưng chưa kịp thực hiện đã bị phát hiện hay khi bắt đầu thực hiện thỏa thuận. Doanh nghiệp cần hiểu chính xác vấn đề nhạy cảm này để có thể tự xác định cần phải làm gì nhằm phòng tránh rủi ro vi phạm Luật Cạnh tranh.

Về hồ sơ hướng dẫn miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, dự thảo cần làm rõ bản sao hợp lệ quy định theo hướng: bản sao có chứng thực, bản sao cấp từ sổ gốc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và bản sao y bản chính điều lệ của hiệp hội đối với trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có sự tham gia của hiệp hội.

“Như vậy sẽ rõ ràng hơn trong việc xác định bản sao hợp lệ, tránh hiểu rằng bản sao hợp lệ, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể là bản sao dưới hình thức sao y bản chính, trong khi đây là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp chứ không phải văn bản do chính doanh nghiệp ban hành” - đại biểu Hà Sỹ Đồng trao đổi.

Cũng theo đại biểu, cần quy định rõ báo cáo tài chính của 2 năm liên tiếp liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ. Ngoài ra, dự thảo yêu cầu báo cáo tài chính phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

“Vậy, cơ quan có thẩm quyền nào sẽ thực hiện xác nhận trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền không đồng nghĩa các nội dung trên báo cáo tài chính đã được doanh nghiệp thực hiện một cách trung thực, chính xác. Do đó, tôi cho rằng quy định báo cáo tài chính có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập thì sẽ hợp lý hơn” - đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu ý kiến.

Tránh mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp

Về thông báo tập trung kinh tế, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, tại Khoản 3 Điều 194 hợp nhất doanh nghiệp và Khoản 3 Điều 195 sáp nhập doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp năm 2015, thì trường hợp hợp nhất, sáp nhập mà theo đó công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp nhất của công ty bị hợp nhất, công ty bị sát nhập phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành hợp nhất, sáp nhập.

Trừ trường hợp Luật Cạnh tranh có quy định khác. Cấm các trường hợp hợp nhất, sáp nhập các công ty mà sau đó công ty hợp nhất nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp Luật Cạnh tranh có quy định khác.

“Theo quy định này tức là, chỉ trừ những trường hợp Luật Cạnh tranh có quy định khác thì mới thực hiện theo quy định của Luật Cạnh tranh chứ không phải là pháp luật cạnh tranh có quy định khác. Trong khi đó, dự thảo quy định các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh quốc gia trước khi tiến hành tập trung kinh tế, nếu thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế.

Đồng thời dự thảo giao cho Chính phủ quy định chi tiết về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế và thực hiện rà soát để điều chỉnh ngưỡng thông báo tập trung kinh tế cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ đó.

Do đó, để tránh mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp thì cần xem xét việc quy định cụ thể các ngưỡng thông báo tại Luật Cạnh tranh thay vì giao toàn bộ cho Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này” - đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất.

Cũng theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, dự thảo cần làm rõ bản sao hợp lý quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 theo hướng bản sao có chứng thực, bản sao cấp từ sổ gốc, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế. Quy định báo cáo tài chính có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập, thay vì quy định báo cáo tài chính có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật như tại điểm đ khoản 1 Điều 35 của dự thảo.

Đồng thời, dự thảo quy định trong hồ sơ thông báo tập trung kinh tế cần có thông tin về thị phần trong lĩnh vực dự định tập trung kinh tế của doanh nghiệp trước năm thực hiện tập trung kinh tế.

Quy định này cần làm rõ là thông tin về thị phần trong lĩnh vực tập trung kinh tế của các doanh nghiệp trong toàn bộ các năm trước năm tập trung kinh tế hay là năm trước liền kề năm thực hiện tập trung kinh tế để quy định lại nội dung tại đây cho chính xác, tránh có những cách hiểu khác nhau.

“Tôi đề nghị bổ sung trường hợp hết thời hạn thẩm tra chính thức mà cơ quan cạnh tranh quốc gia không ban hành hoặc không gửi đến doanh nghiệp tham gia tập trung, các quyết định về việc tập trung kinh tế thì việc tập trung kinh tế được thực hiện để tránh sự chậm trễ gây ảnh hưởng hoặc bị thiệt hại đến hoạt động của doạnh nghiệp” - đại biểu Hà Sỹ Đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.