Lựa chọn Trương Đăng Dung

GD&TĐ - Hơn 40 năm lao động sáng tạo, PGS.TS Trương Đăng Dung có một sự nghiệp văn học phong phú, bề thế, với các tác phẩm lý luận, dịch thuật và thơ ca.

PGS.TS Trương Đăng Dung (thứ 3 từ phải qua, hàng ngồi) cùng các giảng viên và sinh viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.
PGS.TS Trương Đăng Dung (thứ 3 từ phải qua, hàng ngồi) cùng các giảng viên và sinh viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Trương Đăng Dung được đánh giá là một trong những nhà lý luận văn học hàng đầu và có những đóng góp quan trọng, với một hướng đi riêng, cá tính sáng tạo riêng.

Lựa chọn một thái độ sống

Chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết học hiện sinh, PGS.TS Trương Đăng Dung luôn tâm niệm mỗi con người là một thực thể cô đơn, tồn tại trong sự mất mát đầy giới hạn.

Vì thế, để những tháng ngày trên mặt đất có ý nghĩa, mỗi chúng ta cần phải nỗ lực và dấn thân; mỗi chúng ta là một cá thể độc lập, riêng biệt, dù ở vị trí nào, gắn với công việc gì hãy cố gắng để chứng minh mình là một giá trị không lặp lại trên cõi đời này.

Bởi cuộc sống là đáng quý nên cần phải tôn trọng bản thể, tôn trọng sự tồn tại của từng con người, không phân biệt người ấy là ai, ở vị trí nào. Bởi mỗi cá nhân là duy nhất, nên không thể suy nghĩ và hành động giống nhau theo những lối mòn. Sự lựa chọn là điều vô cùng cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là ngọn lửa bên trong. Nếu thiếu đi ngọn lửa đó sẽ không bao giờ có thể thành công.

Đó là những điều mà PGS.TS Trương Đăng Dung thường tâm niệm và chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt với các bạn trẻ trong các buổi giao lưu trò chuyện, hay khi ông nhận lời đi dạy chuyên đề cho nghiên cứu sinh ở một số trường đại học.

PGS.TS Trương Đăng Dung trong chuyến thăm châu Âu. Ảnh: NVCC

PGS.TS Trương Đăng Dung trong chuyến thăm châu Âu. Ảnh: NVCC

PGS.TS Trương Đăng Dung sinh năm 1955 tại Diễn Châu, Nghệ An. Ông tốt nghiệp đại học và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Hungary, từng là Phó Viện trưởng Viện Văn học.

Cùng với chuyên luận “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” của ông giành giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2011. Đây cũng là tác phẩm có đời sống phong phú, nhận được nhiều sự quan tâm của giới sáng tác, phê bình và bạn đọc. .

Ông lấy chính bản thân mình làm ví dụ cho việc lựa chọn.: “Người ta thường nói ba yếu tố quyết định đến thành công là năng lực, diện mạo và may mắn. Tôi không phủ nhận, nhưng tôi cho rằng sự lựa chọn rất quan trọng. Điều này đúng với tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh trong triết học”.

Lựa chọn ở đây là lựa chọn một tinh thần, một thái độ. Bởi thực tế trong cuộc sống không phải điều gì ta muốn là được chọn, thích là được làm. Tuy nhiên, ta có quyền lựa chọn một thái độ tiếp nhận, để không thỏa hiệp, không buông xuôi, không mặc định.

Thời điểm thập niên 70 của thế kỷ trước, khi được cử sang Hungary du học, đó không phải lựa chọn của ông, bởi trong quan niệm của xã hội khi đó thì du học Liên Xô mới đáng tự hào. Nhưng khi sang Hungary, ông lại vỡ ra biết bao điều.

Đó là một dân tộc nhỏ bé, khiêm nhường và mạnh mẽ. Hungary như một thung lũng dưới trời Âu, các ngọn gió tư tưởng đi qua đều để lại tầm ảnh hưởng. Một đất nước khoảng 10 triệu dân nhưng người Hungary và gốc Hungary đã đóng góp tới 15 giải Nobel cho thế giới. Chi tiết này nói lên biết bao điều về một đất nước, một dân tộc, một vùng văn hóa vốn đã đi qua nhiều bão giông lịch sử.

“Những ngày tháng du học ở Hungary đã giúp não trạng của tôi thay đổi”, PGS.TS Trương Đăng Dung chia sẻ. Sự thay đổi này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với ông, mở ra nhận thức mới, hướng đi mới, liên quan đến những lựa chọn sau này.

Kiên định một lối đi riêng

Khi đất nước đang có chiến tranh, du học sinh chính là lực lượng ưu tú sau này trở về xây dựng quê hương. Họ mang theo niềm tự hào, nỗi trông đợi của cả gia đình, dòng họ. Điều này là một hạnh phúc song cũng là áp lực đè nặng lên Trương Đăng Dung.

Bao lạ lẫm, va đập văn hóa, những nỗi khổ tâm dằn vặt trong lòng. Thực chất, đó là những ngày tháng mà chàng trai nghèo xứ Nghệ phải nỗ lực vượt lên chính mình, xóa bỏ cảm giác tự ti, nỗi “sợ người” để học ngôn ngữ mới, hòa nhập môi trường mới.

Thậm chí, dù phải lòng ánh mắt một người bạn khác giới nhưng ông không dám tiến xa hơn, không dám tỏ bày, vì sợ vướng vào yêu đương sẽ ảnh hưởng đến học tập, có thể phải về nước giữa chừng. Trương Đăng Dung tự luyện cho mình một bản lĩnh tại xứ người.

Năm 1978, trở về nước, ông được phân công về Viện Văn học công tác. Trong ba năm đầu, ông đọc những cuốn sách theo yêu cầu của công việc. Những cuốn sách đó khiến ông nhận ra rằng, để theo đuổi lý thuyết văn học, ông phải có một con đường khác, một hướng đi khác, đặt ra những vấn đề khác của lí luận văn học. Sự lựa chọn này ảnh hưởng tới toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu, sáng tác và dịch thuật của Trương Đăng Dung sau này.

“Khi đi làm nghiên cứu sinh, tôi có hai lời hứa với bản thân: Dịch xong “Truyện Kiều” mới trở về, khi trở về sẽ làm một thứ lí luận văn học khác”. Cả hai lời hứa ấy, Trương Đăng Dung đều thực hiện thành công.

Ngay từ công trình nghiên cứu đầu tiên “Các vấn đề của khoa học văn học” (NXB Khoa học xã hội, 1990), đến “Từ văn bản đến tác phẩm văn học” (NXB Khoa học xã hội, 1998), ông khẳng định lí luận văn học là một phần của khoa học văn học, gồm lịch sử văn học, lí luận văn học và phê bình văn học.

Khoa học văn học có vị trí độc lập với các bộ môn khoa học khác. Trong khoa học văn học, đối tượng nghiên cứu của lý luận và đối tượng nghiên cứu của lịch sử văn học, phê bình văn học là khác nhau. Từ đây, PGS.TS Trương Đăng Dung không chấp nhận sự minh họa đơn giản, cắt ghép hay áp đặt đối với tác phẩm văn học.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, khi nghiên cứu văn học của nước ta còn đi theo mô hình lý luận văn học Xô Viết, thì những luận điểm khoa học của PGS.TS Trương Đăng Dung giống như làn gió mới thổi vào đời sống học thuật đã xơ cứng, đơn điệu và một chiều.

Minh bạch mối quan hệ giữa lý luận với lịch sử và phê bình văn học, từ đây ông phát triển luận điểm thứ hai: “Tác phẩm văn học như là quá trình”. Đây cũng là nhan đề chuyên luận của ông (NXB Khoa học xã hội, 2004). Ông đưa ra các khái niệm: Văn bản và tác phẩm văn học. Văn bản (như thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn) chỉ trở thành tác phẩm khi có người đọc.

Nghĩa của tác phẩm văn học không nằm ở chủ thể sáng tạo mà là ở chủ thể tiếp nhận – người đọc. Quá trình đọc chính là quá trình tạo nghĩa. Quá trình này luôn thay đổi, bởi người đọc khác nhau sẽ tạo nghĩa khác nhau. Và nó sẽ dừng lại khi không còn người đọc nữa.

Luận điểm “Tác phẩm văn học như là quá trình” tiếp tục được PGS.TS Trương Đăng Dung triển khai tiếp trong tiểu luận mới xuất bản gần đây: “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” (NXB Văn học, 2021).

Tác phẩm này nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 ở hạng mục Lý luận – phê bình. Trong lời phát biểu tại lễ trao giải thưởng, ông cho biết: “Mỹ học tiếp nhận đã giúp tôi nhận thức sâu sắc rằng cơ chế tạo nghĩa của văn bản văn học không ổn định, nó mang tính quá trình. Bên cạnh nghĩa đang tồn tại của văn bản văn học là nghĩa được thiết lập.

Vậy nên, có hai vấn đề đặt ra liên quan đến phương thức tồn tại của tác phẩm văn học: Một là, tính chất ngôn ngữ, cái quyết định đặc trưng bản thể của văn bản văn học; hai là khả năng tạo lập đời sống cụ thể của văn bản văn học, độc lập với chủ ý của nhà văn”.

PGS.TS Trương Đăng Dung là nhà lý luận văn học hàng đầu ở Việt Nam hiện nay. Các công trình nghiên cứu của ông đã góp phần quan trọng vào sự chuyển động trong đời sống nghiên cứu lí luận văn học, mở ra các hướng tiếp nhận và sáng tạo mới.

Đặc biệt, quan niệm sống và quan niệm học thuật của ông có ảnh hưởng sâu sắc tới lựa chọn hướng đi ở các nhà nghiên cứu trẻ. Ông không thuộc biên chế nhân sự của trường đại học nào, song ông đi dạy rất nhiều, từ Bắc vào Nam; nhiều người không học cũng gọi ông là thầy, nhận từ ông ngọn lửa nhiệt thành, năng lượng tích cực, sự dấn thân của một trí thức.

PGS.TS Trương Đăng Dung (thứ 7 từ phải qua) trong buổi giao lưu tại Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Trương Đăng Dung (thứ 7 từ phải qua) trong buổi giao lưu tại Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: NVCC.

Còn khắc khoải thì còn sáng tạo

“Tôi cần đến thơ như một diễn ngôn có khả năng thể hiện được cái tôi bất an trước thế giới, điều mà trong diễn ngôn khoa học văn học tôi không làm được. Và tôi cần đến lý luận văn học như một diễn ngôn khác có thể khám phá những bất ổn học thuật trước các đối tượng phức tạp mang tên tác phẩm văn học, điều mà trong thơ tôi không thể thực hiện được”.

Với PGS.TS Trương Đăng Dung, làm nghiên cứu, dịch thuật hay làm thơ cũng đều xuất phát từ một lựa chọn. Ông dịch thuật để bổ sung cho nghiên cứu. Ông sáng tác thơ để bộc bạch những nội hàm tư tưởng không thể diễn giải trong các công trình lý luận. Ông đi dạy để truyền thụ cho thế hệ sau những vấn đề thuộc về học thuật, đời sống. Nhiều vai trò tưởng khác nhau ấy tồn tại thống nhất trong một bản thể.

29 tuổi dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Hungary, Trương Đăng Dung coi đó như một sứ mệnh đưa tinh hoa văn học - văn hóa dân tộc đến trời Âu. “Lần đầu cầm cuốn sách trên tay, tôi đã khóc, vì chỉ có tôi mới biết tôi đã vất vả như thế nào”, ông nhớ lại.

Cách đây vài năm, cuốn “Truyện Kiều” bằng tiếng Hungary được tái bản, cho thấy giá trị của bản dịch này. Đây cũng là tác phẩm tiếng Việt duy nhất ông dịch sang tiếng nước ngoài. Những năm sau ông tiếp tục dịch xuôi sang tiếng Việt nhiều tác phẩm văn học và lý luận nước ngoài như: “Lâu đài” (Kafka), “Thằng điên và quỷ sứ” (Sarkadi Imre), “Trên đường đến với ngôn ngữ” (Heidegger), “Nghệ thuật và chân lý khách quan” (Lukacs Gyorgy)…

Đây đều là những tác phẩm có tính khai sáng trong bối cảnh nghiên cứu văn học nước ta thời điểm đó. Ở vai trò người sáng tác, các tập thơ: “Những kỷ niệm tưởng tượng” và “Em là nơi anh tỵ nạn” của Trương Đăng Dung vẫn đang tiếp tục quá trình tạo nghĩa từ người đọc.

“Anh không thấy thời gian trôi/ chỉ thấy lòng ngày một tha thiết với trời xanh/ sợi tóc rụng bàn tay nào giữ được/ mỗi ban mai khắc khoải việc chưa thành”. Những câu thơ bộc bạch phần nào thế giới nội tâm bên trong nhà nghiên cứu – thi sĩ Trương Đăng Dung.

Đích đến không quan trọng bằng quá trình đến. Chừng nào còn khắc khoải thì còn sáng tạo, còn tiếp tục in những dấu chân trên mặt đất này, để lưu lại vật chứng về sự tồn tại, cho dù vật chứng ấy có thể bị gió cuốn đi.

Tác phẩm 'Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa' của PGS.TS Trương Đăng Dung nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 ở hạng mục Lý luận - phê bình.

Tác phẩm 'Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa' của PGS.TS Trương Đăng Dung nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 ở hạng mục Lý luận - phê bình.

Nhìn sự tồn tại của con người trong hữu hạn và cô đơn, do đó trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công việc, PGS.TS Trương Đăng Dung luôn trân trọng từng khoảnh khắc. Khoảnh khắc bên những người thân quý, hay chỉ một thoáng qua với người xa lạ, bởi rất có thể ngày mai ông không được gặp họ nữa.

Khoảnh khắc đắm chìm trang viết, hay khi lúc đứng trên bục giảng… Cả khi uống cà phê, thì đó cũng là giây phút tỉnh thức, để cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa mà sự sống này mang lại cho mỗi chúng ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ