Thiếu những nhà lý luận phê bình âm nhạc chuyên nghiệp

Thiếu những nhà lý luận phê bình âm nhạc chuyên nghiệp

(GD&TĐ)-Tính nghiệp dư trở thành một trong những đặc điểm của bình luận âm nhạc vì tiếng nói của các nhà lý luận quá thưa thớt – có hay không nhà phê bình âm nhạc ở nước ta hiện nay?... đó là băn khoăn chung của những nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà sư phạm nghệ thuật tại hội thảo về lý luận phê bình âm nhạc do trường ĐH sư phạm nghệ thuật trung ương tổ chức hôm nay (20/12).

Hội thảo lý luận phê bình âm nhạc tổ chức tại ĐHSP nghệ thuật trung ương, Ảnh: gdtd.vn
Hội thảo lý luận phê bình âm nhạc tổ chức tại ĐHSP nghệ thuật trung ương, Ảnh: gdtd.vn

Theo PGS.TSKH Phạm Lê Hòa – Hiệu trưởng trường ĐH sư phạm nghệ thuật trung ương, công tác phê bình âm nhạc cho tới thời điểm này vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ. Chính vì vậy, buổi hội thảo sẽ nhằm cung cấp những khái niệm về công tác lý luận phê bình âm nhạc, trao đổi, tìm hiểu nguyên nhân, thực trạng và đề xuất các giải pháp để công tác lý luận phê bình âm nhạc ở nước ta hiện nay thực sự có ý nghĩa, đảm bảo tính chính xác về mặt khoa học, bám sát với thực tế đời sống âm nhạc nước nhà hiện nay, đồng thời là một diễn đàn khoa học nhằm phát hiện và làm tỏa sáng những giá trị nghệ thuật âm nhạc đích thực của dân tộc.

TS.Nguyễn Thị Tố Mai – Trưởng khoa sư phạm âm nhạc (ĐHSP nghệ thuật trung ương) nhận định, trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, đào tạo, nghiên cứu, lý luận và phê bình âm nhạc thì phê bình âm nhạc là mảng yếu nhất. Sự yếu kém này, theo TS.Nguyễn Thị Tố Mai, một nguyên nhân là do khâu đào tạo. Muốn có một đội ngũ phê bình âm nhạc chuyên nghiệp và để công tác phê bình âm nhạc không mang tính tự phát, không có giải pháp nào hữu hiệu bằng phải có chuyên ngành đào tạo ra những người làm công tác phê bình.

Một trong những vấn đề được đặt ra nhiều tại hội thảo là vai trò của những người làm báo. Nhiều đại biểu cho rằng, tại nhiều tòa soạn báo, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền thông có rất nhiều người chuyên viết về văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng nhưng lại không được đào tạo cơ bản về âm nhạc chứ chưa nói gì đến việc được đào tạo để viết lý luận phê bình. Họ thỏa sức viết về âm nhạc, bàn luận về âm nhạc nhưng lại không nghĩ đến hậu quả để lại từ những bài báo thiếu tính lý luận, không có chút hiểu biết về học thuật.  Trong khi đó, những bài viết thực sự mang tính lý luận, được đầu tư của những nhà chuyên nghiệp lại thường không được đón nhận, bị người đọc “thờ ơ” vì tính hàn lâm, tính không kịp thời.

Bàn về giải pháp, các đại biểu đều cho rằng, chuyện không thể một sớm một chiều và rất cần sự vào cuộc thực sự của các cơ quan chức năng. Bộ Thông tin truyền thông cần có chế tài xử phạt rõ ràng, đủ mạnh và nghiêm minh; cần xây dựng và có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu lý luận, không hạn chế số lượng, nhất là đối với các công trình nghiên cứu về văn hóa, âm nhạc dân gian; các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động của tiểu ban lý luận phê bình...

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ