Thầy Lê Văn Giạng: Nhà quản lý, lý luận khoa học giáo dục uyên bác

Thầy Lê Văn Giạng: Nhà quản lý, lý luận khoa học giáo dục uyên bác

Sự việc là sau ngày cụ mất, đáp ứng lại nguyện vọng tha thiết của tôi, gần đây bà Trần Thị Nhâm, người bạn đời của cụ đã tập hợp một số bài báo của nhiều  tác giả có đề cập đến hoạt động của cụ đưa tôi xem và đặc biệt, bà tặng tôi bản phô tô dày ngót 400 trang A4 do bà tập hợp, cho đánh  máy vi tính, có đến  56 bài báo và bài trả lời phỏng vấn của tác giả Lê Văn Giạng với nhan đề do bà tạm đặt “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục Việt Nam hơn 60 năm qua”.

Những điều tôi viết trong bài này là một số thu hoạch cá nhân ban đầu khi tiếp cận nguồn tài liệu trên. Tôi thuộc lớp đàn em, lứa tuổi “thất thập” được cụ ưu ái coi là “người bạn vong niên”, còn tôi xin cụ được gọi thầy Giạng và sẽ thể hiện nhất quán trong bài viết này.

Cố GS Lê Văn Giạng
Cố GS Lê Văn Giạng

Thầy Lê Văn Giạng sinh ngày 14/6/1919 tại xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình Nho giáo. Bố là Cử nhân Nho học và thầy Giạng rất sớm trở thành học trò “vỡ lòng” chữ Hán với cha trước khi học chữ quốc ngữ và tân học. Thời thanh niên, đậu hai bằng Tú tài Triết học và Toán học tại Huế và Hà Nội, tiếp là sinh viên (SV) ĐH Nông lâm và ĐH Khoa học tại Hà Nội cho đến ngày Nhật đảo chính hất cẳng Pháp (9/3/1945). Trong thời kỳ này, SV Lê Văn Giạng đã giác ngộ cách mạng (CM) tham gia phong trào yêu nước công khai của SV nên đã bị phát xít Nhật bắt giam hai tháng (6-8/1945).

Sau CM tháng Tám đến năm 1951 đã từng đảm nhiệm các cương vị Phó Chủ tịch rồi Quyền Chủ tịch Tổng hội SV. Từ 3/1946 - 11/1951 gia nhập quân đội đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có chức vụ Phó văn phòng Bộ Quốc phòng, được Bộ Tổng tư lệnh và Trung ương (TW) cử biệt phái công tác trên nhiều địa bàn như Tây Bắc, Phó ban Cán sự Đảng trong quân đội tình nguyện VN tại Lào; quyền Chủ tịch kiêm phụ trách Đảng đoàn Ủy ban kháng chiến khu 14 (Tây Bắc); ủy viên Ủy ban kháng chiến Liên khu 10 (sáp nhập khu 14 và khu 10).

Từ 8/1948-4/1949 là ủy viên Đảng đoàn Chính phủ, Chánh văn phòng Hội đồng quốc phòng tối cao mà Chủ tịch Hội đồng chính là Hồ Chủ tịch. Về thời kỳ này trong bài báo “Phủ Chủ tịch trong rừng kháng chiến”, hồi ức của đ/c Lê Ánh, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, đăng trên báo Tiền phong số 17 ngày 20/4/2000, đã viết “Chúng tôi thấy Bác Hồ rất quan tâm đến anh Giạng, Bác cho anh Giạng nhiều thứ, từ đôi bốt, cái áo choàng đi mưa, chiếc bút máy, thứ nào Bác cũng tự tay viết mấy chữ “Bác cho Rạng” thật trìu mến (Bác cố tình dùng chữ “Rạng”).

Trong thời gian trước ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), thầy Giạng đã đảm nhiệm một nhiệm vụ rất quan trọng. Khi đ/c Tổng bí thư Trường Chinh chỉ thị cho Tổng hội SV cử một cán bộ trẻ giúp việc cơ mật cho đ/c, phải là người có vốn kiến thức văn hóa, khoa học rộng, giỏi ngoại ngữ, rất có năng lực nghiên cứu thì Tổng hội đã giới thiệu Lê Văn Giạng, và trong cương vị công tác này, thầy Giạng đã góp phần quan trọng chuẩn bị tài liệu cho Tổng bí thư viết tác phẩm nổi tiếng “Kháng chiến nhất định thăng lợi” (Theo Thép Mới, bài đăng báo Nhân dân ngày 4/8/1988, ngày lễ tang đ/c Trường Chinh)

Từ 12/1951 cho đến khi 65 tuổi nghỉ chế độ (4/1983), thầy liên tục đảm nhiệm các chức vụ quản lý cao cấp tại Bộ GD, Bộ ĐHTHCN. Mười năm đầu là Giám đốc Vụ GD chuyên nghiệp (CN), Phó Giám đốc Vụ ĐH và CN, phó Bí thư Đảng tổ Bộ GD (Đảng đoàn Bộ GD sau này). 23 năm tiếp sau đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ GD, rồi Bộ ĐHTHCN, cấp phó hai đời Bộ trưởng Tạ Quang Bửu và Nguyễn Đình Tứ, ủy viên rồi Bí thư Đảng đoàn Bộ. Trong thời gian này từ 4-10/1975 được TW phái vào Miền Nam làm Trưởng đoàn cán bộ Bộ ĐHTHCN và Bộ GD giúp TW cục Miền Nam và Chính phủ Cộng hòa Miền Nam tiếp quản hệ thống GD của chính quyền ngụy; từ 1972-1982 là ủy viên thường trực Ban CCGD TW.

Cống hiến của thầy Giạng cho nền GD nước nhà suốt 33 năm với cượng vị nhà quản lý cao cấp như trên đã là điều được mọi người trong ngành GD và các giới ngoài ngành GD biết và đánh giá cao. Ghi nhận công lao phục vụ CM và ngành GD xứng đáng của thầy, Đảng và Nhà nước đã truy tặng thầy phần thưởng cao quý Huân chương Độc Lập hạng nhì do Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết ký ngày 6/8/2009.

Ở đây, tôi muốn điểm qua và trao đổi với Quý Bạn đọc về thu hoạnh rất ban đầu của mình xung quanh các ấn phẩm, chủ yếu về lĩnh vực GD của thầy mà hầu hết viết (hoặc trả lời phỏng vấn) suốt 28 năm nghỉ hưu, chỉ dừng viết vì thị lực quá yếu vào nửa năm cuối đời, nhưng vẫn trả lời phỏng vấn đăng báo Tiền phong số ra ngày 30/12/2008, tức chỉ 45 ngày trước khi thầy đi xa.

Sách thầy viết được NXB Chính trị quốc gia xuất bản gồm 2 quyển về triết học, 2 quyển về GD gồm i/Những vấn đề lý luận cơ bản của KHGD, 2001; ii/ Lịch sử giản lược hơn 1000  năm nền GDVN, 2002). Chủ biên hai cuốn ; i/ Lịch sử GD ĐH và THCN, 2 tập, Viện ĐH xuất bản, 1965 và 1990; ii/Từ Bộ quốc gia GD đến Bộ GD và ĐT, NXB Giáo dục, 2004. Ngoài ra đã viết tập chuyên khảo “Tổng quan về lịch sử GD các môn khoa học và kỹ thuật” (tham gia đề tài “Khoa học và công nghệ với các giá trị văn hóa” của UB KH xã hội, 1992).

Hơn 50 bài báo trong tập nói trên bao trùm nhiều đề tài quan trọng và nóng hổi thuộc nhiều thời gian khác nhau, chủ yếu từ khi nước nhà bước vào công cuộc đổi mới trong đó có đổi mới GD suốt mấy thập kỷ nay. Tuy đã đọc chăm chú, nhiều lần các bài viết nhưng mỗi lần đọc lại bài nào tôi vẫn tìm thêm được ý tưởng hay với sự lập luận sắc bén của thầy.

Tôi nhận thức rằng đây là tập hợp những tác phẩm khoa học GD đích thực của một nhà quản lý GD cấp vĩ mô dày dạn kinh nghiệm, có vốn tri thức văn hóa uyên bác và phương pháp luận nghiên cứu đúng đấn trong việc tổng kết thực tiễn GD nâng lên trình độ lý luận có ý nghĩa dự báo và đóng góp xây dựng chính sách quốc gia đối với GD nước nhà. Nhìn chung các bài viết trong tập này có sức lan tỏa rộng, có tầm giá trị về thực tiến và lý luận đáng để các nhà quản lý, khoa học GD, nhà giáo chúng ta chia sẻ, thảo luận, tham khảo. Và rất nhiều người có chung nhận định rằng trong làng viết báo có tầm lý luận GD ở VN, tác gỉả  LÊ VĂN GIẠNG thuộc bậc ĐẠI THỤ.

Chúng tôi, những giáo chức, những người nghiên cứu KHGD cũng như các cán bộ quản lý GD rất tha thiết kính đề nghị Bô GD-ĐT và các cơ quan nghiên cứu KHGD có kế hoạch xúc tiến việc xuất bản thành sách các bài báo và công trình khoa học của cố Thứ trưởng Lê Văn Giạng để mọi người đang quan tâm sớm có cơ hội tiếp cận.

                                                               Tháng 2/2010

                                                                 Nguyễn Như Ất

                                                                  TS Giáo dục học

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gia đình chị Đỗ Thị Hường thành công từ mô hình ươm cây giống.

Thoát nghèo từ nghề ươm cây giống

GD&TĐ - Gia đình chị Đỗ Thị Hường, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà (Thái Bình) đã vươn lên trở thành hộ gia đình làm kinh tế giỏi nhờ mô hình ươm cây giống.