Lựa chọn khôn ngoan

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tuyển sinh năm 2023, nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Tuy nhiên, thí sinh cần tỉnh táo, tránh sao nhãng, sa đà vào “ma trận” kỳ thi riêng dẫn tới kết quả không được như kỳ vọng.

Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 7 kỳ thi riêng được các cơ sở giáo dục đại học chính thức thông báo sẽ tổ chức trong năm nay để tuyển sinh. Mỗi kỳ thi có hình thức và mục tiêu đánh giá khác nhau. Tùy theo nhu cầu cá nhân, thí sinh có thể đăng ký tham gia nhiều kỳ thi, với đợt thi khác nhau để gia tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học.

Thẳng thắn mà nói, dù có nhiều ưu điểm nhưng với việc xuất hiện “ồ ạt” các kỳ thi riêng cũng khiến nhiều thí sinh bối rối và “quay cuồng” không biết nên chọn kỳ thi nào, xét tuyển vào trường đại học ra sao và ôn thi như thế nào? Do vậy, ở thời điểm này, thí sinh cần giữ cái đầu “lạnh” giữa “cơn sốt” của các kỳ thi riêng. Trên hết, các em cần có tâm thái bình tĩnh, tránh bị nhiễu bởi nguồn thông tin không chính thống. Các em cũng cần chuẩn bị cho mình phương án xét tuyển khác để gia tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học. Đặc biệt, sĩ tử hãy tìm hiểu thật kỹ về kỳ thi này để có lựa chọn khôn ngoan.

Theo các chuyên gia, thí sinh không nên tham gia tất cả kỳ thi để thử sức; chỉ nên tham dự kỳ thi riêng dựa trên nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường đại học. Chẳng hạn, nếu muốn vào trường thành viên của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, các em có thể đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức. Nếu thí sinh có nguyện vọng vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì đăng ký kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực của trường.

Vì thế, việc lựa chọn đăng ký nhiều kỳ thi hoặc nhiều đợt thi là không cần thiết, gây lãng phí và áp lực trong thi cử. Đây cũng là một trong những lý do để ĐH Quốc gia Hà Nội quyết định sẽ giới hạn thí sinh chỉ đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội - cho hay, việc giới hạn số lượt dự thi xuất phát từ thực tiễn năm 2022, với hơn 20.000 lượt thi của thí sinh dự thi từ 2 lần trở lên nhưng điểm bài thi không thay đổi, gây lãng phí xã hội; đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác mong muốn được thi HSA (kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức).

Thực hiện tự chủ, các trường đã mở rộng phương thức xét tuyển; trong đó có sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy… Chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức xét tuyển này được đơn vị thay đổi hằng năm. Tuy nhiên có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT lưu ý, các cơ sở đào tạo cần hoàn thiện phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh đưa ra phương thức tuyển sinh phức tạp, khó khăn cho thí sinh. Bộ cũng đề nghị, cơ sở đào tạo cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ