Ở đó, các giáo viên của lớp bồi dưỡng kiến thức cho các em học sinh khối tiểu học có hoàn cảnh khó khăn.
Hoạt động nhiều ý nghĩa
Hơn một năm qua, cứ đến chiều thứ 4, thứ 5 và tối thứ 6, Chủ nhật hàng tuần, tại nhà sinh hoạt cộng đồng Khu dân cư Trung Bình A3 (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) lại rộn ràng tiếng học sinh. Bởi thời điểm này, lớp học 0 đồng nơi các em học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn đến học tập lại sáng đèn.
Lớp học 0 đồng ra đời từ ý tưởng của ông Phan Văn Anh - Bí thư Chi bộ Khu dân cư Trung Bình A3, sau thời điểm cả nước vừa trải qua đợt dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế các gia đình gặp nhiều khó khăn. Việc học tập của các em học sinh vốn đã bị ảnh hưởng, với các em có hoàn cảnh khó khăn càng khó khăn thêm.
“Xuất phát từ thực tế nhiều trẻ em cần được hỗ trợ, Chi bộ Khu dân cư chúng tôi đã đưa vấn đề này ra thảo luận và cùng thống nhất lập nên một lớp học miễn phí cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, lớp học giúp các cháu bồi dưỡng thêm kiến thức sau những giờ học trên trường. Việc đầu tiên Chi bộ tiến hành là tìm kiếm tình nguyện viên để phụ trách và đứng lớp”, ông Anh cho biết.
Đến cuối tháng 4/2022, sau khi chia sẻ ý tưởng với mọi người, ông Anh được kết nối với một bạn trẻ là Nguyễn Tuấn Nam (sinh năm 1995, quê Quảng Trị). Là sinh viên tốt nghiệp ngành Luật của Đại học Vinh, Tuấn Nam vốn có kiến thức về tiếng Anh nên đã đồng ý về giảng dạy miễn phí cho các em. Hơn một tuần sau, tháng 5/2022, lớp học tiếng Anh miễn phí với 22 học sinh từ 7 - 10 tuổi chính thức ra đời tại nhà sinh hoạt cộng đồng Khu dân cư Trung Bình A3, với sự hỗ trợ của thầy giáo Nguyễn Tuấn Nam.
Với kinh nghiệm từng đi dạy thêm cho một số trẻ em khó khăn thời sinh viên, thầy giáo trẻ Nguyễn Tuấn Nam rất thấu hiểu và có sự chia sẻ với những trẻ em thiệt thòi. Khi giảng dạy tại lớp học 0 đồng thấy được sự ham học của các em nơi đây, Tuấn Nam cảm nhận đây là điều rất quý giá, bởi các em ham học và biết vươn lên trong cuộc sống.
“Lớp học được mọi người trong Khu dân cư ủng hộ, hơn nữa các em học sinh rất thích thú học tập nên không khí học hành lúc nào cũng vui vẻ, rộn ràng. Mặc dù là lớp học miễn phí nhưng các em học rất nghiêm túc, bài soạn dạy học chuẩn, đáp ứng đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc viết. Không chỉ chú trọng khơi gợi cảm hứng học tập cho các em học sinh, thầy giáo còn quan tâm luyện cách phát âm chuẩn và thoải mái sáng tạo trong giờ học. Có lực hấp dẫn ấy, các em đều chăm chỉ bám lớp, nhiều em nhỏ đến lớp sớm cả tiếng để chờ học”, Tuấn Nam chia sẻ.
Dần dần số lượng học sinh tăng thêm, Chi bộ Khu dân cư Trung Bình A3 đã mời và nhờ thêm giáo viên khác. Khi cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Như (cùng SN 1998), tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh (Đại học Đông Á) tham gia đứng lớp, thầy Nam và cô Như đã thay nhau đứng lớp, các em học sinh được chia ra làm nhiều lớp khác nhau phù hợp về độ tuổi và khả năng tiếp thu kiến thức.
Không chỉ được trang bị vốn kiến thức về môn Tiếng Anh, các em học sinh nơi đây còn được giao lưu với những giáo viên nước ngoài, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng cảm thụ hội họa… Để mở rộng thời gian vui chơi, tạo không gian kích thích sáng tạo, ngày 1/6 vừa qua, Chi bộ Khu dân cư Trung Bình A3 đã mở thêm lớp học vẽ cho các em. Lớp do cô giáo Phạm Thị Nhật Nghi (sinh năm 1993, trú quận Thanh Khê) dạy vào các chiều thứ 4 và thứ 5 hàng tuần.
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Nam đứng lớp dạy môn Tiếng Anh. |
Nhân rộng lớp học giúp nhiều trẻ nghèo
Một buổi chiều thứ 5, chúng tôi có mặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng Khu dân cư Trung Bình A3, lúc ấy có 11 em học sinh đang mải mê chọn lựa sắc màu, vẽ những bức tranh thể hiện ý tưởng của mình. Từng tốt nghiệp ngành thiết kế nội thất Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, cô Nghi ôm ấp ước mơ trở về địa phương, cống hiến tâm huyết và sức trẻ vào sự phát triển của thành phố.
“Gia đình tôi trước đây thuộc diện khó khăn và chúng tôi đã được địa phương giúp đỡ rất nhiều. Vì thế, tôi luôn thấu hiểu được nỗi khó khăn của nhiều người trong xã hội. Thời gian học tập và làm việc tại TPHCM, tôi có tham gia dạy vẽ cho các em ở Trung tâm trẻ mồ côi, khó khăn.
Sau này, trở về lại Đà Nẵng làm việc, mỗi khi rảnh rỗi, tôi mong muốn giúp đỡ và sẻ chia khó khăn với các em nơi đây. Hơn ai hết, tôi hiểu những đứa trẻ khó khăn cần những điều gì. Được sự đồng ý của Chi bộ Khu dân cư nên tôi đã lập nên 2 lớp dạy vẽ. Mong muốn của tôi là chia sẻ, mang đến cho các em những điều mình thích để các em được trải nghiệm với đam mê của mình trong dịp hè”, cô giáo Nhật Nghi tâm sự.
Dưới sự hướng dẫn của cô Nghi, các em học sinh thỏa thích vẽ theo sở thích, suy nghĩ và vẽ ước mơ của mình. Từ những nét vẽ ban đầu, cô Nghi tỉ mỉ giảng giải cho các em tranh phong cảnh, vẽ về xóm thôn, con sông, cánh đồng… những hình ảnh thân thuộc, gần gũi của làng quê Việt Nam.
Quỳnh Anh, học sinh lớp 5 cho biết, “Em rất muốn được học vẽ. Khi ba mẹ đăng ký và cho đi học lớp vẽ của cô Nghi thì ước muốn của em đã thành hiện thực. Vậy mà em vẫn như sống trong giấc mơ. Bởi nơi đây cho em được thỏa thích với đam mê của mình”, Quỳnh Anh bộc bạch.
Còn em Huỳnh Nguyễn Châu Hân thì khoe rằng, “Mùa Hè này em rất vui và hạnh phúc. Trước đây nghỉ hè em chỉ biết đi chơi xung quanh xóm cùng các bạn, nhưng mùa Hè này thật đặc biệt, đem lại cho em nhiều thú vị bởi được trải nghiệm vẽ cùng các bạn khác”.
Nhìn nhận lại hành trình hơn 1 năm qua, ông Phan Văn Anh - Bí thư Chi bộ Khu dân cư Trung Bình A3 bộc bạch: Mô hình lớp học miễn phí đã mang lại hiệu quả tích cực. Môi trường và không khí lớp học giúp các em hào hứng tiếp nhận để được mở mang, bồi dưỡng thêm kiến thức. Với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, lớp học đã giúp các gia đình đỡ đi một phần gánh nặng trong cuộc sống.
“Tôi mong muốn vận động được thêm nguồn lực để tổ chức, duy trì nhiều lớp học, mua sắm trang thiết bị dạy học, sách vở và phần thưởng tặng cho các học sinh có nhiều tiến bộ và mở rộng lớp học đối với học sinh cấp THCS”, ông Phan Văn Anh bày tỏ tâm huyết.