Lớp học ở Pa Ủ: Lấp lánh tình yêu thương

Lớp học ở Pa Ủ: Lấp lánh tình yêu thương

(GD&TĐ) - Tình yêu nghề, tình yêu với những đứa trẻ vùng cao đã là động lực để các thầy cô chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, chấp nhận sự hi sinh trong thầm lặng.

Sự hi sinh thầm lặng

Con đường tới Pa Ủ xa xôi, vào mùa khô thì bụi đường bay mù mịt, vào mùa mưa thì lầy lội. Các thầy cô lên đây công tác tuy được một mức lương cao hơn dưới xuôi nhưng không thể bù đắp được việc xa nhà, xa quê. Nhiều thầy cô đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình bên những vách đá, với những con suối mà nước lũ có thể cuốn họ đi vào bất cứ lúc nào.

Hiếm có nơi nào trên cả nước mà khó khăn phổ biến như ở Pa Ủ. Người La Hủ nơi đây chỉ lo kiếm ăn, chẳng ai quan tâm đến trường lớp của con mình, có nhiều người còn không biết là con mình đang đi học.

Pa Ủ có 2 trường tiểu học và 1 trường THCS với phần đông là con em đồng bào dân tộc La Hủ. Cơ sở vật chất thiếu thốn ảnh hưởng nhiều tới chất lượng dạy, học của nhà trường. Có khi lớp này đang kiểm tra toán, lớp kia lại đang trong giờ tập đọc, học nhạc. Giờ ra chơi, các em hồn nhiên nô đùa từ lớp này thò cổ qua vách tường bị thủng sang lớp kia, gọi nhau í ới.  Những lúc như thế các thầy cô thêm xót xa trước sự thiệt thòi của các em học sinh vùng cao. 

Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, các thầy cô vẫn quyết tâm bám lớp bám trường, duy trì đảm bảo sỹ số lớp học, thực hiện phương pháp dạy lấy học sinh làm trung tâm. Bước vào mỗi năm học, các thầy cô lại đối mặt với những khó khăn thử thách thực sự.

Một lớp học của học sinh trường THCS Pa Ủ.
Một lớp học của học sinh trường THCS Pa Ủ.

Muôn kiểu vận động học sinh đến trường

Ở Pa Ủ, cả xã có 12 bản thì có 6 bản xa trung tâm xã, mỗi bản cách nhau 25km. Muốn đưa học sinh đến lớp, các thầy cô phải trèo đèo, lội suối đến từng gia đình trong bản, thậm chí còn phải lên tận nương rẫy, chỗ các em và gia đình làm để vận động các em đến lớp. Tại vùng đất này, những đứa trẻ lên ba đã có nhiệm vụ trông em. Muốn có học sinh thì cô giáo phải đến nhà vận động. 

Các thầy, cô giáo vùng cao phải gắn bó với địa bàn, trở thành người thân thiết trong các gia đình người dân tộc, thông hiểu phong tục tập quán, tiếng nói để hòa mình với đời sống của họ. Trong giờ lên lớp, phải có phương pháp giảng bài cho phù hợp với nhận thức của học sinh và có nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực nhằm khơi dậy sự ham thích đến trường của các em.

Chuyện các thầy cô cắm bản đi mời học sinh đến lớp vào mỗi buổi sáng đã trở thành thông lệ. Đi mời rồi mà lớp học vẫn ít khi có được 2/3 số học sinh. Chưa kể đến chuyện đang học, mẹ gọi từ xa, thế là học sinh lại vội vàng xin phép thầy cô về nhà để theo mẹ đi nương. Nhiều người La Hủ vẫn còn quan niệm: Không có ăn thì chết, chứ đã ai chết vì cái sự không học đâu. 

Thế là các thầy cô nảy ra sáng kiến gọi các em đến học vào buổi tối, bỏ cả tiền ra mua bóng điện để thắp sáng trong các lớp học, thậm chí là nấu cơm cho các em ăn tối. Tuy nhiên, sau một ngày đi nương mệt nhọc, nhiều em đã ngủ gật trong lớp và những cố gắng của thầy cô đã không phát huy được hiệu quả. 

Đã mấy năm nay, một số cô giáo cắm bản mỗi khi đi họp hay đi chợ trên trung tâm xã về không bao giờ thiếu một thứ “bảo bối” là những gói kẹo. Nhờ những gói kẹo này, các thầy cô đã kéo được các em đến lớp. Vào mỗi dịp lễ Tết, các thầy cô giáo về thăm quê còn gom nhặt quần áo, giày dép cũ để giúp các em. Nhiều thầy cô còn bỏ tiền túi mua cả quần áo, giày dép mới cho học sinh.

Với các giáo viên ở xã Pa Ủ, ngoài nhiệm vụ dạy học họ còn kiêm luôn cả “cán bộ dân vận”. Huyện Mường Tè đã đưa ra một chương trình được giáo viên hưởng ứng rất nhiệt tình: Mỗi giáo viên nhận đỡ đầu cho một gia đình. Ngoài giờ lên lớp họ thường xuyên giúp đỡ gia đình, hướng dẫn mọi người từ việc ăn ở hợp vệ sinh đến đi ngủ phải mắc màn, chống sốt rét…

Nhờ sự cố gắng của các thầy cô, nhiều học sinh La Hủ đã học được cái chữ của Bác Hồ. Các giáo viên ở Pa Ủ đã giúp được hơn một trăm hộ gia đình có cách nghĩ, cách làm khác. Ông Thào Phi Xè, trưởng bản Pa Ủ rất chia sẻ: “Các thầy cô đã mang cái chữ cho con em đồng bào La Hủ, giờ lại giúp đỡ các gia đình làm ăn, lẫn sinh hoạt hàng ngày. Bà con ơn các thầy cô lắm”.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.