Lớp học miễn phí của vợ chồng trẻ người Ba Na

GD&TĐ - Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, vợ chồng cô Mlê chưa xin được việc làm. Tuy nhiên, đam mê nghề giáo và thương trẻ nghèo nên vợ chồng cô mở lớp dạy miễn phí cho các em.

Lớp học của cô Mlê chỉ là gian phòng nhỏ với vài bộ bàn ghế nhựa
Lớp học của cô Mlê chỉ là gian phòng nhỏ với vài bộ bàn ghế nhựa

Về với buôn làng

Trải qua những ngày mưa dài, con đường nhỏ dẫn vào nhà cô Mlê (SN 1992, người dân tộc Ba Na) ở làng Wâu, xã Chư Á, TP Pleiku (Gia Lai) trở nên sình lầy, trơn trượt hơn. Ngay từ đầu ngõ, những tiếng ê a đánh vần của các em học sinh vang vọng cả núi rừng.

Ngồi trên những chiếc ghế nhựa đã cũ, hàng chục em học sinh, gương mặt rám nắng ngồi chăm chú nghe cô Mlê giảng bài. Thấy có khách, cô Mlê ra bài tập để các em tự làm rồi tiếp chúng tôi.

 Các em học sinh ở đây ngoan lắm, tôi có ở đó hay không các em đều tập trung học bài mà chẳng gây ồn ào hay phá phách. 
Cô Mlê nở nụ cười hiền nói

Mời khách uống nước, cô Mlê kể: Từ khi còn nhỏ, cô đã luôn ước ao lớn lên có thể trở thành cô giáo. Cô đã chứng kiến cảnh nhiều em học sinh vì hoàn cảnh khó khăn nên không được đến lớp. Cô cảm thấy thương các em vô cùng.

Sau khi học xong cấp 3, cô thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. 3 năm ngồi trên ghế giảng đường cô lại càng thấy yêu nghề và muốn cống hiến cho ngành Giáo dục hơn. Cũng tại mái trường này cô và anh A Trăng (SN 1992, người Ba Na) đã nảy sinh tình cảm với nhau. Đến năm 2015, khi đã tốt nghiệp, cả 2 quyết định đi đến hôn nhân để cùng nhau gieo chữ, giảng dạy cho các em học sinh.

Tuy nhiên, sau nhiều lần đem hồ sơ đi nộp, vợ chồng cô Mlê đều nhận lại cái lắc đầu vì các trường đã đủ giáo viên, không có nhu cầu nhận thêm. Thế rồi, 2 vợ chồng lại dắt nhau về nhà làm nương rẫy. Ngày ngày anh A Trăng cắt rau mang đi bán còn cô Mlê làm Phó Hội phụ nữ của xã. Mặc dù có công việc để 2 vợ chồng đủ sống qua ngày, cô Mlê ngày đêm vẫn mong muốn được đứng trên bục giảng, được dạy con chữ cho các em học sinh ở làng mình.

Cô Mlê mở lớp học miễn phí chỉ mong các em nên người
 Cô Mlê mở lớp học miễn phí chỉ mong các em nên người

Vì tình yêu nghề

Yêu nghề, yêu trẻ da diết nên cô Mlê bàn với chồng mở lớp học miễn phí cho các em. Nói là làm ngay, cô Mlê bắt đầu đến từng nhà nói chuyện với phụ huynh, vận động cho các em được đến lớp học miễn phí. Khi nghe cô Mlê nói vậy, nhiều bậc phụ huynh vui mừng ôm chầm lấy cô cảm ơn, vì họ quá nghèo không đủ điều kiện cho các con học thêm...

Mặc dù, căn nhà của vợ chồng cô chật chội và thiếu thốn, tuy nhiên, cô Mlê và chồng cố gắng dành gần 5m2 làm lớp học. Hai vợ chồng cũng cố gắng tiết kiệm tiền để mua thêm vài bộ bàn ghế nhựa lấy chỗ ngồi học cho các em. Từ năm 2016 đến nay, buổi sáng, hay chiều nhà cô Mlê cũng đông vui, những tiếng đọc bài vẫn cứ văng vẳng vang lên. Ngày thường thì cô dạy khoảng 20 - 30 em học sinh, còn khi hè đến con số đó lên đến 50 em.

“Những em học sinh đi học buổi chiều thì sáng ghé chỗ tôi để ôn tập bài cũ, học bài mới và ngược lại. Do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều em không có cả cặp, sách vở, bút... nên tôi cũng cố gắng xin các nhà hảo tâm để giúp các em yên tâm đi học. Nhìn các em đi học với bộ quần áo cũ nhàu, rách nát cùng đôi chân trần tôi thấy thương vô cùng”, cô Mlê nghẹn ngào nói.

Những khi cô Mlê bận với công việc của Hội Phụ nữ, thì anh A Trăng lại gác việc trồng rau của mình để dạy các em học sinh thay vợ. Biết được cái khó và cái thiếu của học sinh nơi đây nên vợ chồng cô Mlê chủ yếu tập trung dạy cho các em biết đọc, biết viết.

“Khi được cầm phấn, bút viết dạy các em tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Sau này các em có thành tài, vợ chồng tôi cũng không mong được báo đáp. Chúng tôi chỉ hy vọng các em trở thành những người có ích để giúp những hoàn cảnh khó khăn”, cô Mlê tâm sự.

Chị H’Blam (phụ huynh cháu Mi Canh) cho hay, từ ngày vợ chồng cô Mlê mở lớp học miễn phí cho các em học sinh nơi đây nhiều gia đình rất vui mừng và phấn khởi.

“Gia đình tôi bận đi làm nên không có thời gian trông coi và dạy cháu học. May mắn vợ chồng cô Mlê mở lớp học dạy cho các con miễn phí. Các con đến đó vừa được học chữ, vừa được cô dạy viết chữ đẹp, chúng tôi lại yên tâm nữa. Cả làng ai cũng vui mừng hết”, bà H’Blam xúc động nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.