Lớp học miễn phí của “thầy giáo công nhân”

GD&TĐ - Hẹn gặp anh sau giờ tan tầm, chúng tôi đến “lớp học” trong khu nhà trọ trên đường 22 (phường Phước Long B, quận 9, TPHCM). Đúng 18 giờ, căn phòng trọ số 15/5 vang lên tiếng thầy giáo giảng bài, xen lẫn tiếng bàn tán xôn xao của lũ trẻ. 

HS của anh Khánh đều là con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn
HS của anh Khánh đều là con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn

Với tình yêu thương dành cho trẻ em, anh công nhân trẻ Hoàng Trọng Khánh đã thuê phòng trọ mở lớp dạy học miễn phí cho nhiều HS là con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Thuê phòng trọ mở lớp học

Nói về việc trở thành “thầy giáo”, anh Khánh kể như một sự tình cờ. Trong một lần đến chơi nhà bạn ở đường Tăng Nhơn Phú, anh Khánh thấy mấy đứa trẻ đang ngồi học cạnh những ngôi mộ ven đường 22 (Phước Long b, quận 9). Chúng học say mê nhưng không ai dò bài, chẳng ai chỉ dạy nên cũng không biết đúng sai.

Vốn có kinh nghiệm dạy kèm thời sinh viên, anh Khánh dạy các em giải những phương trình khó. Mấy chú cháu làm bài đến khi trời tối hẳn, không còn thấy mặt chữ. Khi anh tạm biệt lũ trẻ ra về, các em nằn nì: “Từ lúc chiều đến giờ, tụi con vò đầu bứt tai mà không biết giải sao, chú chỉ là ra kết quả liền. Ngày mai chú lại đến dạy tụi con học nữa nghen”.

Thế là anh lại đến xóm mả ấy chỉ cho lũ trẻ học. Rồi từ 3 đứa lên 5 đứa, 10 đứa trẻ kéo đến nhờ anh chỉ bài. Không thể dạy mãi ở chòm mả, anh quyết định dời nhà trọ đến phường Tăng Nhơn Phú để được dạy lũ trẻ nhiều hơn.

Khi “học trò” lên đến vài chục em, anh mượn sân của chủ nhà trọ để mở lớp học với bàn ghế, phấn bảng hẳn hoi. “Dạy được một thời gian, tôi nhận ra cứ thế này cũng không ổn vì toàn mấy đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, nghịch ngợm bày phá rất ồn ào. Tuy chủ nhà không nói gì nhưng cũng không thể phiền họ mãi, tôi quyết định mướn hẳn ngôi nhà riêng biệt với giá 3,5 triệu đồng/tháng để có một lớp học tươm tất” - anh Khánh kể.

Dù lương thấp, nhưng anh đã tự bỏ tiền túi mua bảng, bàn ghế, sắm sửa quạt... mở lớp đón học trò nghèo xung quanh tới học. Ban đầu lớp chỉ có 3 - 5 em, nhưng tiếng lành đồn xa, nay lớp học đã có gần 40 em với đủ các khối từ lớp 6 đến lớp 9.

Điểm chung của các em HS là có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học thêm hoặc thuê gia sư dạy kèm, ba mẹ vất vả mưu sinh nên không có nhiều thời gian dạy các em học tập, có không ít em sức học kém nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì có nguy cơ bỏ học rất cao.

Hạnh phúc khi đứng lớp

Và cứ thế, 16 giờ, vừa tan ca ra, trong khi mọi người về với gia đình, đi mua sắm, vui chơi thì anh Khánh lại lặng lẽ chạy ngay về nhà trọ để mở cửa đón lũ trẻ đến học lúc 16 giờ 30 phút. Ca 1 là lớp 6 và lớp 8, ca 2 là lớp 7 và lớp 9. Cứ thế, anh dạy 6 buổi/tuần. Hiện anh dạy 38 em từ lớp 6 đến lớp 9, trong đó có 5 em là con CN cùng công ty với anh.

Sau hơn 7 năm mở lớp, học trò của anh nay có em sắp vào đại học. Nhiều em học yếu kém đã nâng thành tích học tập lên khá, giỏi; nhiều em còn dẫn đầu lớp môn Hóa với điểm số cuối năm lên đến 9,75. Em Huỳnh Nhật, lớp 8, Trường THCS Tăng Nhơn Phú B (quận 9, TP HCM), nói: “Em được chú Khánh dạy 2 năm. Chú dạy rất tận tình, dạy đến khi em hiểu mới thôi. Từ khi được học chú, thành tích học tập của em đã tiến bộ rõ rệt”.

Không chỉ thuê nhà để mở lớp, anh Khánh còn tự bỏ tiền ra để mua những phần quà nho nhỏ thưởng khi các em có sự tiến bộ, đạt được điểm 10. Nhận thấy bàn ghế lớp học cũ kỹ, khi được công ty tặng quà sinh nhật số tiền 4 triệu đồng, anh mua ngay bảng, bàn ghế cho lớp học.

Để dạy các em, bản thân anh phải tự cập nhật và bổ sung thêm kiến thức mới. Anh thường xuyên tham gia các diễn đàn giáo viên trên mạng để học hỏi thêm. Thậm chí, anh còn hỏi HS số điện thoại của cô giáo rồi liên hệ trao đổi, tương tác trực tiếp về các bài tập, cách dạy sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, anh còn mua thêm sách về tự nghiên cứu để có thể giải đáp hết các thắc mắc của học trò.

Gần đây, nhiều phụ huynh thấy vậy cũng đã đề nghị được chung tay phụ lo chi phí thuê nhà để lớp học được duy trì cũng như chia sẻ phần nào khó khăn cùng với Khánh khi mà thu nhập từ đồng lương công nhân không đáng là bao.

Với những việc làm của mình, mới đây Hoàng Trọng Khánh được tổ chức Công đoàn thành phố tuyên dương gương “Người tốt việc tốt năm 2017” và nhân rộng điển hình trong đội ngũ công nhân lao động thành phố. Nhưng với anh, kết quả học tập của các em ở trường chính là động lực để Khánh tiếp tục duy trì lớp học miễn phí suốt 7 năm qua. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.