Lớp học lúc nửa đêm

GD&TĐ - Thời điểm công nhân đi cạo mủ cao su cũng là lúc Trường Mầm non 4 - 3 sáng đèn, mở cửa đón học sinh. Những đứa trẻ say giấc trong vòng tay bố mẹ bỗng choàng tỉnh.

Thời gian các em học sinh ở với giáo viên nhiều hơn bố mẹ.
Thời gian các em học sinh ở với giáo viên nhiều hơn bố mẹ.

Thiếu hơi mẹ, lũ trẻ ngằn ngặt khóc… giáo viên nơi đây ôm chúng vào lòng ru suốt đêm.

Mở cửa lúc nửa đêm

1 giờ 30 phút sáng, dưới ánh đèn le lói, con đường dẫn vào Trường Mầm non 4 - 3, Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) ở huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum thấp thoáng bóng người. Những ông bố, bà mẹ địu con trước ngực đến trường.

Đêm giữa rừng cao su vắng lặng, tiết trời những ngày cuối năm lạnh buốt. Điểm trường đội 1 của Trường Mầm non 4 - 3 cũng đã sáng đèn. Ánh sáng vàng vọt hắt ra từ trước sân vừa đủ để thấy mặt người. Phía trong 2 cánh cửa phòng cũng hé mở, lộ ra những chiếc sạp lưới và mấy tấm màn đã được giáo viên giăng sẵn đón học sinh.

Chị Bùi Thị Dung lò dò đến trường, trên tay là đứa con mới 11 tháng tuổi được quấn chặt trong chăn để tránh cái lạnh vùng biên. Cô Đỗ Thị Hương, giáo viên nhẹ nhàng đỡ đứa trẻ đang say giấc trên tay mẹ. Gửi con cho cô xong, chị Dung quay người, chuẩn bị đồ đạc để bắt đầu công việc cạo mủ cao su của mình.

Thế rồi, lác đác các ông bố, bà mẹ địu con đến lớp. Những đứa trẻ vẫn ngủ say trong lòng bố mẹ. Các cháu lớn hơn đẫm nước mắt vì phải thức giấc giữa đêm. Cô Hương vội chạy  đến dỗ dành, ôm mấy đứa nhỏ vào lòng để phụ huynh kịp giờ đi cạo mủ. Những đứa trẻ cứ khóc ngằn ngặt, rồi ngủ trên vòng tay cô giáo lúc nào không hay.

Chị Bùi Thị Dung lò dò đến trường, trên tay là đứa con mới 11 tháng tuổi được quấn chặt trong chăn để tránh cái lạnh vùng biên.
 Chị Bùi Thị Dung lò dò đến trường, trên tay là đứa con mới 11 tháng tuổi được quấn chặt trong chăn để tránh cái lạnh vùng biên.

Trong màn, cô Trần Thị Lâm (35 tuổi) ôm đứa trẻ mới vài tháng tuổi trên tay. Những cháu lớn hơn nằm trên sạp lưới. Lâu lâu, lũ trẻ trở mình, cô Lâm vội kéo chăn lại cho học trò khỏi lạnh.

Cô Lâm tâm sự, 11 năm gắn bó với nơi đây, đều đặn mỗi ngày giáo viên dậy từ 1 giờ sáng. Sau khi kiểm tra khuôn viên trường lớp, phòng học, khoảng 1 giờ 30 các cô bắt đầu đón trẻ. Có những em được bố mẹ mang đến gửi khi mới được 3 - 4 tháng tuổi. Thiếu hơi mẹ, đói sữa lũ trẻ khóc cả đêm. Có hôm, một cô phải ôm 2 đứa trẻ trên tay để dỗ dành.

“Đêm nào cũng vậy, cứ khoảng 1 - 2 giờ phụ huynh sẽ đưa con đến trường. Nếu học sinh ngoan, chịu ngủ luôn thì giáo viên chúng mình tranh thủ chợp mắt cùng các con được khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ. Đến khoảng 5 giờ, giáo viên thức giấc để chuẩn bị bữa sáng cho các em. Nhưng nếu nhiều cháu quấy khóc thì chúng mình ôm các con dỗ dành đến sáng”, cô Lâm cho biết thêm.

Cô Trần Thị Bắc (31 tuổi, Phó Hiệu trưởng nhà trường) do bận công việc gia đình nên mấy năm qua chưa thể về thăm quê. Cô Bắc kể, cô sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nghệ An. Năm 2012 sau khi tốt nghiệp đại học cô được một người bạn giới thiệu vào huyện Ia H’Drai làm việc.

Cô Đỗ Thị Hương đỡ đứa trẻ đang say giấc trên tay mẹ.
Cô Đỗ Thị Hương đỡ đứa trẻ đang say giấc trên tay mẹ.

Khi đó, nơi đây vẫn còn là đường đất, điện chưa có. Cuộc sống vất vả, khốn khó, có lúc cô Bắc nghĩ đến việc rời nơi này để trở về quê hương. Thế nhưng, vượt qua khó khăn, đến nay cô đã có thâm niên hơn 8 năm với ngôi trường này.

“Do đặc thù công việc nên quanh năm chỉ có vài ngày nghỉ. Mỗi khi nhớ con cháu, bố mẹ mình ở quê lại sắp xếp thời gian vào đây. Chơi cùng con cháu vài hôm rồi lại bắt xe về”, cô Bắc kể.

Cô Bắc có 1 cô con gái vừa tròn 3 tuổi. Từ khi con mới được 5 tháng, cô Bắc thường mang con theo lên lớp để tiện chăm sóc. Hôm nào chồng không đi làm thì lên lớp phụ cô chăm con. Còn chồng đi làm thì cô vừa chăm con vừa dỗ dành các học trò “nhí”. Lúc con khóc vì đói sữa cô Bắc nhờ giáo viên trông lũ trẻ rồi tranh thủ chạy sang cho con bú. Cứ thế 3 năm qua, con cô lớn lên cùng những đứa trẻ vùng biên.

“Có những lúc con khóc, mình buộc phải để con sang một bên rồi đi dỗ dành những cháu khác. Thương con lắm nhưng có nhiều cháu đến với mình khi mới được vài tháng tuổi. Tuy con mình thiệt thòi, nhưng vẫn còn may mắn hơn bởi mỗi ngày đều được ở cùng mẹ. Với công việc này, những ai thực sự tâm huyết, yêu mến trẻ mới có thể gắn bó được lâu dài”, cô Bắc bộc bạch.

Từ khi chưa đầy 4 tháng tuổi, em Vi Kiều Loan đã được mẹ gửi cho các cô ở Trường Mầm non 4 - 3. Những ngày đầu, Kiều Loan thèm sữa mẹ nên quấy khóc không kể ngày đêm. Dù giáo viên dỗ dành đủ cách nhưng Kiều Loan vẫn cứ khóc ré lên đòi mẹ. Mãi đến 7 tháng sau, quen với giáo viên nên cô bé người dân tộc Thái mới bớt khóc và thích nghi được với trường lớp. Năm nay, Kiều Loan đã lên 5 tuổi và xem giáo viên nơi đây như người mẹ thứ 2 của mình.

Sau khi trên lô cao su trở về phụ huynh đến trường đón con.
Sau khi trên lô cao su trở về phụ huynh đến trường đón con.

Xem học trò như con

Gần mười năm qua, giấc ngủ của cô Lô Thị Oanh (35 tuổi) bắt đầu từ lúc 8 giờ tối và kết thúc vào 1 giờ sáng. Hàng ngày, cô Oanh cùng giáo viên trong trường theo dõi lịch cạo mủ của công nhân để đón học sinh đúng giờ. Tháng 1 - 3 là thời điểm công nhân chăm sóc và phòng, chống cháy nên lớp học tại Trường Mầm non 4 - 3 bắt đầu lúc 6 giờ sáng. Nhưng từ tháng 4 - 12 hàng năm, cao su cho mủ nhiều nhất nên cứ khoảng hơn 1 giờ trường lại sáng đèn. Đến khoảng 17 giờ hôm sau, phụ huynh mệt nhoài từ lô cao su trở về mới ghé trường đón con.

“Con mình được xem là may mắn khi mỗi ngày đều được ở cùng bố mẹ. Còn con của những công nhân cạo mủ cao su chỉ ở với bố mẹ được khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ. Mình thấy thương học sinh nhiều hơn, bởi các em chỉ mới vài tháng tuổi đã phải xa vòng tay bố mẹ vì mưu sinh”, cô Oanh nói.

Cô Oanh kể, do đặc thù công việc nên giáo viên đều ở quanh trường để thuận tiện đón lũ trẻ. Mỗi đêm, các cô ngủ được khoảng 5 tiếng đồng hồ. Công việc tuy vất vả, nhưng ai nấy đều thấy hạnh phúc vì có thể san sẻ tình thương cho học trò.

“Để gắn bó với nơi đây, mình luôn xem các em như con. Bởi thời gian các em ở với mình còn nhiều hơn bố mẹ. Có những em sau buổi học, quyến luyến thầy cô không muốn về”, cô Oanh chia sẻ.

Cô Đặng Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non 4 - 3, cho biết, trường có tất cả 12 điểm với 24 lớp. Hàng ngày, 35 cán bộ, giáo viên phụ trách trông coi 221 em nhỏ từ 4 tháng đến 5 tuổi. Vào đợt cao điểm mủ cao su cho nhiều, công nhân thường đi cạo vào lúc 2 giờ sáng. Khi công nhân vào rừng cạo mủ cũng là lúc trường sáng đèn để đón các em nhỏ ra lớp.

Theo cô Hoa, có những cháu được bố mẹ gửi đến trường khi mới 4 tháng tuổi. Thiếu sữa mẹ nên nhiều cháu quấy khóc cả tháng. Giáo viên nào có con nhỏ thì cho các em bú nhờ. Tuy nhiên, nhiều em chưa quen nên giáo viên phải bế trên tay ru ngủ, dỗ dành suốt đêm.

“Thời gian các cháu ở với giáo viên nhiều hơn bố mẹ nên có lúc phụ huynh đón nhưng các con khóc không chịu về. Do đặc thù nên công việc của giáo viên nơi đây không có thời gian cụ thể. Giáo viên làm việc khi phụ huynh đưa trẻ đến, tan làm khi trả hết các em về với gia đình. Chính vì công việc đặc thù nên giáo viên nào đam mê, yêu trẻ mới có thể đảm nhận được”, cô Mai Hoa chia sẻ.

Khi con vừa tròn 6 tháng tuổi mình đành gửi cho các cô trông giúp. Nhiều lúc đi làm nhớ và thương con lắm. Mỗi ngày con chỉ ngủ cùng mình được vài tiếng. Đặc biệt vào mùa này mủ cao su cho nhiều và chảy dai nên mình phải gửi con lúc gần 2 giờ sáng. Đến khoảng 17 giờ chiều hôm sau mình mới xong công việc để đón con về nhà. Mình thương con thiếu thốn tình cảm của bố mẹ nhưng cũng thấy thương giáo viên nhiều. Bởi các con còn nhỏ nên quấy khóc nhiều, các cô phải bế, dỗ dành con cả ngày lẫn đêm. Mình cảm ơn các cô giáo rất nhiều vì đã yêu thương, che chở các cháu như con ruột để những người công nhân cạo mủ yên tâm làm việc”, chị Hà Thị Biên (36 tuổi, công nhân Chi nhánh 716) cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.