Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên trường học xã vùng cao biên giới Trọng Hóa (huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã tích cực tổ chức các “lớp học đẩy”, tăng cường công tác phụ đạo, kèm cặp HS.
Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên trường học, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ, vận động HS ra lớp, thực hiện phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục.
Day dứt thực trạng HS nghỉ học
Trọng Hóa là một trong 4 xã biên giới của huyện miền núi Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình). Sinh sống trên địa bàn hầu hết là nhân dân các dân tộc thiểu số người Bru - Vân Kiều, Chứt.
Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn chiếm số lượng khá lớn. Công tác duy trì sĩ số HS, nâng cao chất lượng dạy học là một trong những vấn đề trăn trở của ngành GD-ĐT và chính quyền địa phương.
Nói về thực trạng, khó khăn của công tác duy trì sĩ số, thực hiện phổ cập giáo dục trong thời gian qua, thầy Lê Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa cho biết: Trước năm 2010, xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) có hàng trăm HS đã vượt quá tuổi quy định nhưng vẫn chưa thể hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và THCS.
Chỉ tính riêng năm 2011, toàn xã Trọng Hóa có 469 HS từ 11 - 14 tuổi, nhưng có tới 225 em chưa hoàn thành chương trình tiểu học (chiếm tỷ lệ 48%); có 223 em độ tuổi 15 - 18, nhưng chỉ có 114 em hoàn thành chương trình THCS, (chiếm tỷ lệ 51,1%).
Kết quả thực hiện phổ cập THCS trên địa bàn xã Trọng Hóa đạt chưa đủ 50%. Tỷ lệ này còn cách xa so với yêu cầu chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Lúc đó, cả tỉnh Quảng Bình chỉ còn mỗi xã Trọng Hóa chưa hoàn thành chương trình phổ cập THCS.
“Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do điều kiện đi lại trên địa bàn xã còn rất nhiều khó khăn. Điểm trường cách nhà xa nên nhiều em học xong tiểu học phải bỏ giữa chừng. Nhận thức của người dân còn thấp, chưa quan tâm đến việc học tập của con cái cũng như việc khai sinh dẫn đến việc con lớn tuổi mới cho đi học.
Một nguyên nhân cơ bản khác là lúc đó hệ thống cơ sở vật chất các trường lớp chưa đáp ứng được nhu cầu việc học tập cũng như xây nhà bán trú, chế độ bán trú cho các em. HS thường bỏ học theo gia đình đi làm rẫy, làm thuê ở các nơi, khiến cho quá trình điều tra phổ cập THCS gặp nhiều khó khăn, bất cập” - thầy Lê Văn Tuấn cho hay.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Nắm bắt được thực trạng trên tại xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), cùng 5 xã khác trên cả nước, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngành GD-ĐT các địa phương triển khai thực hiện “lớp học đẩy” nhằm sớm giải quyết thực trạng, hoàn thành công tác phổ cập giáo dục bậc THCS. Trên cơ sở đó, ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, Phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa đã tích cực triển khai “lớp học đẩy” trong suốt 4 năm qua.
Theo thầy Lê Văn Tuấn, chương trình “lớp học đẩy” được kéo dài 7 tháng và học liên tục cả thời gian nghỉ hè. Để thực hiện nhiệm vụ đó, ngoài việc thực hiện việc dạy và học theo chương trình chính khóa quy định, giáo viên các trường học tại xã Trọng Hóa đã thực hiện chuyển số HS đang học tại trường nhưng đã quá tuổi và vận động số HS đã bỏ học quay lại trường học theo chương trình “lớp học đẩy”.