Tạo hành lang pháp lý cho những đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Trong dự thảo Luât Giáo dục sửa đổi, bổ sung có nhiều điều chỉnh tiến bộ, phù hợp với xu thế của xã hội hiện nay. Tuy nhiên, cần có những cơ chế, chế tài phù hợp , nhằm đảm bảo các quy định của luật được thực thi đúng trong thực tế và đảm bảo được chất lượng giáo dục.

Tạo hành lang pháp lý cho những đổi mới giáo dục

PV Báo GD&ĐT đã có trao đổi với ông Thái Huy Vinh – Phó GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An về những điểm nổi bật của dự thảo Luật giáo dục.

Các điều khoản rõ ràng, phù hợp xu thế mới

Trước hết là mục tiêu giáo dục, được sửa đổi thành: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Trong đó, yêu cầu “phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân” theo ông Thái Huy Vinh là đúng với yêu cầu thực tế của giáo dục hiện đại. Giáo dục của chúng ta cũng đang đổi mới theo hướng lấy người học là trung tâm, các thầy cô giáo có nhiệm vụ hướng dẫn, khơi gợi kiến thức, kỹ năng và phương pháp học cho các em.

Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học và hợp tác, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên... Những điều này cũng đã được bổ sung trong các điều, khoản của dự thảo luật giáo dục.

Cái mới thứ hai đáng lưu ý trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi là quy định: Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông. Thời gian cho từng cấp học vẫn giữ nguyên: 5 năm cho bậc tiểu học, 4 năm cho bậc trung học cơ sở và 3 năm cho bậc trung học phổ thông.

Điều này đã quy định một cách rõ ràng chức năng, nhiệm vụ vai trò của từng cấp học. Theo đó, đến hết lớp 9, học sinh sẽ được trang bị cung cấp kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cơ bản cần thiết để các em sử dụng trong cuộc sống. Qua giai đoạn này, là đến lúc học sinh nhận thức được thế mạnh, năng khiếu, đam mê của mình và lựa chọn học lên cao hơn theo nhu cầu để phục vụ cho mục đích nghề nghiệp của mình.

Những năm qua, cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng tích cực phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS và THPT và đã có những dấu hiệu tích cực. Bắt nguồn từ chính nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Ông Thái Huy Vinh cho rằng, chia giáo dục phổ thông thành hai giai đoạn cơ bản và giáo dục định hướng như vậy là rất rõ ràng, hợp lý. Đáp ứng nhu cầu người học cũng như sự phát triển của các ngành nghề trong xã hội hiện đại

Quy định trên cũng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới sẽ được áp dụng trong thời gian sắp tới. Cũng theo luật, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành và chỉ có một. Nhưng sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa để học sinh và giáo viên sử dụng. “Đây là điều rất nên làm. Chương trình giáo dục phổ thông chính là khung pháp lý. Sách giáo khoa không nên là pháp lệnh duy nhất, mà chỉ là một tài liệu chính thống, chuẩn xác. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân được khuyến khích biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông, được sự thẩm định, kiểm duyệt của Bộ GD&ĐT. Để từ đó, có thêm nhiều nguồn tài liệu tin cậy, cho học sinh và giáo viên”, ông Thái Huy Vinh nhận định.

Cần cơ chế, chế tài để luật thực thi đúng trong thực tế

Trong dự thảo, Luật Giáo dục sẽ được sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 105 như sau: “Học phí là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trườđng công lập không phải nộp học phí”. Đây cũng là điểm được rất nhiều người quan tâm trong mấy ngày qua.

Theo ông Thái Huy Vinh, việc miễn học phí cho học sinh bậc THCS là tiến bộ, nhân văn, đảm bảo cho trẻ em quyền được đến trường, bởi chúng ta đã hoàn thành phổ cập THCS nhiều năm qua. Đồng thời, sẽ mang lại sự phấn khởi trong tâm lý phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, điều này về một phương diện khác sẽ gây khó khăn khi các nhà trường bị bớt một nguồn thu cố định để phục vụ chi cho hoạt động thường xuyên.

Hiện kinh phí hoạt động “cứng” của các nhà trường bao gồm nguồn ngân sách của nhà nước, ngân sách địa phương hỗ trợ và phần trích lại từ các khoản được phép thu, trong đó có học phí. Nếu như bỏ thu học phí thì ngân sách nhà nước giao về cho các trường hằng năm cần phải bù thêm vào khoảng trống này. Nếu không sẽ gây khó khăn cho các nhà trường và có thể dẫn đến những biến tướng, lạm thu xã hội hóa.

Bởi vậy, khi đưa việc miễn học phí vào luật, cần có cơ chế giám sát, minh bạch… để vừa đảm bảo tính nhân văn của chính sách, vừa không ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức các hoạt động ở các cơ sở giáo dục, nhà trường.

Lâu nay, một vấn đề tốn không ít bút mực trên các diễn đàn báo chí, xã hội chính là lương, thưởng giáo viên. Nhiều ý kiến cho rằng lương giáo viên thấp, gây chạnh lòng cho những người làm nghề mà cả xã hội gọi là nghề cao quý. Cũng có ý kiến cho rằng, so với các ngành nghề khác trong khối hành chính sự nghiệp, thì lương giáo viên nằm mức trung bình, không quá thấp. Nghề giáo là nghề được cả xã hội tôn vinh, bởi đối tượng của giáo dục chính là con người,là các em học sinh, thế hệ tương lai của đất nước. Đảng và Nhà nước ta cũng khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Nhưng bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận rằng cũng có nhiều ngành nghề đặc thù khác, họ cũng có nhiều áp lực, khó khăn riêng.Về đội ngũ người làm nghề giáo, các thầy các cô đa số còn rất vất vả. Vừa đảm bảo giờ dạy và các hoạt động ở trường vừa tự học, tự nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn, sáng tạo trong phương pháp, kỹ năng dạy – học, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục.

Chế độ lương giáo viên hiện có thể nói là không quá thấp so với mặt bằng chung các ngành nghề khác. Nhưng vì hầu như không làm thêm được các công việc khác, mà chỉ trông chờ vào đồng lương nên tôi cũng cần có những cải thiện về lương và các chế độ phụ cấp khác cho giáo viên, để họ có thể yên tâm công tác và cống hiến cho ngành giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ