Lớp học đặc biệt giữa lòng thành phố

GD&TĐ - Đến Khóm 4, Phường 7 (TP Bạc Liêu) hỏi thăm lớp học tình thương do Đoàn Thanh niên Phường 7 tổ chức, ít người không biết.

Cô Trần Thanh Thùy hướng dẫn học sinh đọc chữ.
Cô Trần Thanh Thùy hướng dẫn học sinh đọc chữ.

Không tiếng trống trường, học sinh không mặc đồng phục, người đứng lớp không soạn giáo án... thế nhưng, một lớp học giữa lòng thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) đã tồn tại hơn 10 năm nay, góp phần giúp hàng trăm trẻ em nghèo biết chữ.

Ước mơ trò nghèo

Đến Khóm 4, Phường 7, TP Bạc Liêu, hỏi thăm lớp học tình thương do Đoàn Thanh niên Phường 7 tổ chức, ít người không biết, bởi lớp học này đã tồn tại hơn 10 năm qua. Hằng ngày, trong căn phòng rộng hơn 50m2 tại trụ sở sinh hoạt văn hóa Khóm 4, tiếng trẻ tập đánh vần, đọc chữ trở thành âm thanh quen thuộc với người dân xung quanh.

Năm học này, lớp có 38 học sinh từ 6 đến 16 tuổi. Đây đều là những em khó khăn, cha mẹ làm nghề bán vé số, phụ hồ, giúp việc…, nên không có điều kiện cho con, em đến trường.

Nhiều em trong số đó, thiếu giấy tờ tùy thân để được đến trường hoặc quá tuổi vào lớp 1. Lớp học duy trì dạy 3 buổi/tuần vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6. Thời gian học bắt đầu từ khoảng 17 giờ 30 phút đến 19 giờ.

So với những bạn khác trong lớp, Lý Minh Huy (9 tuổi) may mắn hơn, bởi sau thời gian học tại lớp học tình thương em được tạo điều kiện vào trường học chính thức. Hiện tại, Huy đang học lớp 2 nhưng mỗi buổi tối em vẫn đến lớp học tình thương siêng năng luyện chữ.

Minh Huy hồn nhiên chia sẻ: Ước mơ của con là sau này làm họa sĩ và sẽ cố gắng học giỏi để thực hiện được ước mơ. Nếu con được làm họa sĩ, bức tranh đầu tiên con vẽ sẽ là lớp học tình thương này.

Mỗi khi trời sập tối, học sinh sống ở các xóm trọ khu vực Phường 4 lại kéo nhau đến lớp học. “Em chưa biết xem đồng hồ, ăn cơm xong thấy trời tối là em chuẩn bị đến lớp học. Em rất mong đến giờ học để được gặp cô giáo, bạn bè, học sớm biết chữ, biết cách xem giờ để không đến lớp trễ”, Thạch Thị Hồng Tuyền chia sẻ. Trần Gia Hưng (10 tuổi) và em gái là Trần Trúc Văn (8 tuổi) cùng học lớp 1 tại lớp học tình thương.

Gia Hưng cho biết: “Được đi học con rất mừng, con sẽ cố gắng học để mau biết chữ, biết viết tên mình và tên cha, mẹ. Con cũng mong muốn sau này được vô trường học như các bạn”. Trần Trúc Văn tiếp lời anh: “Đi học con thấy rất vui, con mong muốn học sau này có thể làm cô giáo, dạy chữ cho các bạn trong xóm trọ”.

Ông Trần Phong (cha Gia Hưng và Trúc Văn) cho biết, gia đình rất khó khăn nên không có điều kiện cho 2 con đến trường. Thấy các bạn cùng trang lứa được cắp sách đến trường, các con cũng xin đi học nhưng gia đình chạy cơm từng bữa, sống rày đây mai đó đâu đủ điều kiện, đành cho con ở nhà.

“Thấy cũng tội cho tụi nhỏ, thua thiệt các bạn nhưng hoàn cảnh biết làm sao, giờ con cũng quá tuổi để đến trường. Hiện tại, các con được tạo điều kiện tham gia lớp học tình thương do đoàn tổ chức mình rất mừng. Chỉ hy vọng con học biết đọc, biết viết thôi”, ông Phong nói.

Hằng ngày phải theo mẹ bán vé số mưu sinh, mỗi năm cứ đến ngày tựu trường nhìn các bạn nô nức đi học mà em Trần Hồng Loan (9 tuổi) không khỏi chạnh lòng. Năm 2023, Đoàn cơ sở Phường 7 đã tạo điều kiện cho em tham gia lớp học tình thương.

Sau gần 1 năm học chữ, đến nay Loan đã biết được gần hết mặt chữ, đang học ráp vần và làm được vài phép tính đơn giản. “Con rất biết ơn cô giáo vì đã dạy biết chữ, con hứa sẽ cố gắng học tốt, chăm ngoan, vâng lời cha mẹ”, Hồng Loan nói.

Dù năm nay đã 14 tuổi nhưng em Thạch Lộc chỉ mới tham gia lớp học tình thương. Lộc cho biết, em không ngại các bạn nói lớn tuổi mới bắt đầu đi học. Em chỉ mong sớm học biết chữ, để biết viết tên mình, biết đọc sách.

“Gia đình em thuộc diện khó khăn, cha mẹ ở trọ lao động, em rất sợ gia đình chuyển đi nơi khác sẽ không được tiếp tục học nữa”, Lộc nói.

Ông Thạch Hùng (cha em Thạch Lộc) chia sẻ, bản thân mình không học nhiều cũng muốn cho con đi học đàng hoàng nhưng không đủ điều kiện. Thấy con học lớp học tình thương về khoe nay được cô dạy chữ này, mai được dạy chữ kia mình cũng vui. Gia đình sẽ cố gắng tạo điều kiện để con tiếp tục theo học đến khi biết chữ rành.

lop-hoc-dac-biet-giua-long-thanh-pho-2-5792.jpg
Cô Trần Thanh Thùy hướng dẫn học sinh đọc chữ.
lop-hoc-dac-biet-giua-long-thanh-pho-3-6883.jpg
Học sinh chăm chú đọc bài theo sự hướng dẫn của giáo viên.

Cô giáo khoác áo đoàn viên

Lớp học tình thương Khóm 4, Phường 7 hiện do chị Trần Thanh Thùy, Bí thư Đoàn cơ sở Phường 7 (TP Bạc Liêu) đảm trách. Chị Thùy cho biết, lớp học này được Đoàn cơ sở Phường thành lập vào năm 2013, do thấy khu vực này có nhiều trẻ em hoàn cảnh khó khăn không được đến trường học.

Bản thân chị Thùy tiếp nhận quản lý lớp và dạy học cho các em từ năm 2022. Mặc dù, lớp hiện tại có 38 em nhưng những buổi học ít khi có mặt đông đủ, do có em phải theo cha mẹ lao động mưu sinh như nhặt ve chai, bán vé số... không kịp về học.

“Mình chọn thời gian dạy từ 17 giờ 30 phút một phần vì công việc ở cơ quan giờ đó mới rảnh, một phần vì để tạo điều kiện cho các em đến lớp đông đủ. Mặc dù có quy định thời gian học nhưng thực chất ở đây, các em đến sớm thì học sớm, muộn thì học muộn. Có hôm mình phải tranh thủ chạy đến từng khu trọ các em ở để gọi, vận động các em đến lớp”, chị Thùy cho biết.

Nữ Bí thư Đoàn cơ sở Phường 7 chia sẻ thêm, bản thân không có nghiệp vụ, kinh nghiệm trong công tác giảng dạy nên lúc đầu nhận lớp gặp rất nhiều khó khăn. “Mình dạy nhiều ngày mà thấy các em chậm biết đọc, biết viết, học trước quên sau. Thấy vậy mình mới tìm hiểu, học hỏi cách thức, phương pháp giảng dạy của một người quen đang công tác trong ngành sư phạm, sau đó áp dụng thì thấy có hiệu quả”, chị Thùy nói.

Thời gian trước, lớp học chỉ có chị Trần Thanh Thùy đứng dạy nhưng hiện tại đã có thêm 2 sinh viên hỗ trợ. Nguyễn Thị Thanh Phương - sinh viên lớp 17D, Giáo dục tiểu học 3, Trường Đại học Bạc Liêu cảm thấy rất vui khi tham gia dạy học cho các em tại lớp học tình thường.

“Mình giúp các em biết chữ cũng là trao cho các em thêm cơ hội có cuộc sống tốt đẹp hơn, đây là việc làm có ý nghĩa. Khó khăn lớn nhất trong việc giảng dạy ở đây là lớp có nhiều em ở độ tuổi khác nhau, trình độ khác nhau, có em vô trước, em vô sau nên khó truyền đạt kiến thức, phải kèm từng em một.

Tuy khó khăn nhưng em sẽ cố gắng giúp các em mau biết chữ. Sau khi các em học tốt tiếng Việt, Toán, em sẽ dạy cho các em thêm tiếng Anh”, Thanh Phương chia sẻ về dự định.

Học cùng lớp với Nguyễn Thị Thanh Phương, Bùi Thị Hương Giang cho biết mình tham gia dạy tại lớp học tình thương được vài tuần nhưng cảm thấy muốn gắn bó lâu dài.

“Nhìn thấy các em đến tuổi, quá tuổi đi học mà chưa biết chữ em cảm thấy rất thương. Dù trong lớp nhiều em còn nghịch ngợm nhưng rất biết nghe lời cô giáo. Tham gia công việc thiện nguyện này vừa giúp các em biết chữ, vừa giúp bản thân rèn luyện kỹ năng sư phạm để đứng lớp sau này”, Hương Giang nói.

lop-hoc-dac-biet-giua-long-thanh-pho-6-7218.jpg
Học sinh chăm chú nhìn bảng viết bài.
lop-hoc-dac-biet-giua-long-thanh-pho-4-489.jpg
Cô Trần Thanh Thùy hướng dẫn học trò viết bài.
lop-hoc-dac-biet-giua-long-thanh-pho-5-7594.jpg
Sinh viên Bùi Thị Hương Giang hỗ trợ học sinh viết chữ.

Tạo điều kiện học tập

Không chỉ dạy chữ, học sinh lớp học tình thương của Đoàn cơ sở Phường 7 còn được dạy kỹ năng sống, đạo đức làm người... Bởi các em đa phần hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ phải bươn chải ngoài xã hội, thường xuyên tiếp xúc môi trường thiếu lành mạnh, dễ tiếp thu thói hư tật xấu.

Song song đó, Đoàn cơ sở Phường 7 cũng thường xuyên vận động nhà hảo tâm hỗ trợ đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm cho các em và gia đình. “Hầu hết gia đình các em đều thuộc diện khó khăn, nhiều người không muốn cho con đi học mà bắt ở nhà lao động kiếm tiền. Vì thế, mình phải ra sức vận động và tạo điều kiện tối đa để gia đình cho con em được đến lớp học, tiếp thu con chữ”, chị Trần Thanh Thùy chia sẻ.

Để khích lệ tinh thần học tập của học sinh, cuối mỗi buổi học, cô giáo cũng thường chia cho mỗi em ít quà, bánh. Đặc biệt vào các ngày lễ như Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, các em đều được tặng quà, tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí.

“Hôm trước các con về nhà khoe được các cô, chú trong lớp tổ chức Trung Thu, được phát bánh, tặng lồng đèn... thấy con đi học vui tôi cũng vui lây. Gia đình rất biết ơn các bạn đoàn viên đã dạy chữ và tạo điều kiện chăm lo vật chất lẫn tinh thần để các cháu có tuổi thơ ý nghĩa, điều mà nhiều khi gia đình chưa làm được vì cuộc sống mưu sinh”, ông Trần Phong chia sẻ.

Sau mỗi buổi học, những cô, cậu học trò lớp học tình thương Đoàn cơ sở Phường 7 lại trở về với xóm trọ nghèo, trong những căn phòng chật hẹp, ấp ủ ước mơ biết chữ, được học lên cao để sau này làm cô giáo, họa sĩ....

Riêng cô giáo khoác áo đoàn Trần Thanh Thùy lại trăn trở làm sao mỗi ngày dạy các em được tốt hơn, giúp các em trở thành người có ích cho xã hội. Đối với cô, học trò ở lớp học này, dù thời gian dạy và học dài hay ngắn vẫn là những ký ức đẹp khó quên.

Lớp học này rất được sự quan tâm, chăm lo của các cấp lãnh đạo từ thành phố đến tỉnh và các nhà hảo tâm, nhờ vậy mới duy trì được đến hôm nay. Các em đi học không tốn tiền còn được hỗ trợ, từ đó nhiều gia đình mới cho con đi học. Thời gian tới, Thành đoàn Bạc Liêu sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ tạo mọi điều kiện tốt nhất để duy trì lớp học, chăm lo tốt hơn cho các em, nỗ lực xóa mù chữ cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn - Anh Hoa Hoàng Nam (Bí thư Thành đoàn TP Bạc Liêu).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ