Lớp học chưa có tiền lệ

GD&TĐ - Bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên gắn với giữ chất lượng dạy học trước đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục các địa phương tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng nhiều phương án, kịch bản sát thực tiễn.

Một tiết dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến của thầy Nguyễn Châu Long, Trường THCS Nguyễn Tất Thành.
Một tiết dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến của thầy Nguyễn Châu Long, Trường THCS Nguyễn Tất Thành.

Mô hình “lớp học lai” của một trường học ở huyện miền núi tỉnh này là giải pháp tích cực.

Vì học sinh

Năm học 2021 - 2022, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Cư M’Gar có 19 lớp với 669 học sinh. Thầy Phan Hữu Xá, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành, cho biết: Từ ngày 10/12/2021, UBND huyện cho học sinh trở lại học tập trực tiếp theo cấp độ dịch tễ của ngành Y tế.

Học sinh của nhà trường đến từ 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Khi trở lại học tập trực tiếp, vẫn còn 45 em ở 2 xã Cư Suê và Cư M’Gar (các xã cấp độ 1) chưa thể trở lại học tập. Các em này đều có thiết bị học trực tuyến. Vì vậy, nhà trường đã gắn thêm camera, lắp micro và kết nối qua phần mềm MS Teams để giáo viên vừa dạy học trực tiếp trên lớp vừa tương tác, hướng dẫn học sinh học bài ở nhà.

“Ý tưởng và tổ chức “lớp học lai” có sự “kết hợp giữa truyền thống và hiện đại” này vì các em đã ở nhà quá lâu, học trực tuyến cũng chỉ đáp ứng phần nào, chứ không thể bằng học trực tiếp. Nếu không quan tâm, sau khi học xong cấp học, các em sẽ bị hụt cả kiến thức, kỹ năng, thái độ, rất khó để định hướng con đường đi tiếp. Có thể nói, lớp học này sẽ giúp giáo viên biến thách thức thành cơ hội. Dù phải làm việc nhiều hơn nhưng tôi tin, vì học sinh thân yêu, các thầy cô sẽ nỗ lực hoàn thành sứ mệnh nghề nghiệp” - thầy Xá nói thêm.

Còn thầy Nguyễn Châu Long, giáo viên môn Toán, tâm sự: Để chuẩn bị cho 1 tiết học, giáo viên phải dành gấp 2 đến 3 lần thời gian so với tiết dạy truyền thống. Đó là đối với người thành thạo công nghệ thông tin (CNTT). Còn người chưa thành thạo có khi mất cả buổi mới chuẩn bị xong một tiết dạy bởi thay vì đứng trên bục giảng nói, viết giờ là nơi trình diễn các thiết bị công nghệ để kết nối cho học sinh ở nhà cùng học. “Chúng tôi phải chọn nhiều phần mềm khác nhau để tích hợp lại, lấy thế mạnh của phần mềm này bù cho phần mềm kia. Khi lên lớp, vừa đứng giảng bài, hướng dẫn trực tiếp cho 30 em xong, lại quay sang màn hình máy tính để trao đổi với 10 em ở nhà. Mục đích, để các em ở nhà cũng có được không khí như đang học trên lớp” - thầy Long phân tích.

Trước đây, khi học sinh phải cách ly ở nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế, thường phải nghỉ ít nhất 1 buổi học để nhà trường sắp xếp lại. Giờ đây, các em có thể kết nối ngay vào lớp và sẵn sàng tham gia học tập như đang ở trường. Các em cũng được trò chuyện, hỏi bài bạn bè qua micro hoặc ứng dụng “chat” trên phần mềm. Chia sẻ điều này, theo cô Nguyễn Thị Hoa Mai, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, nhờ việc nhà trường tổ chức lớp học “2 trong 1” vô cùng linh hoạt.

Thầy Phan Hữu Xá – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành kiểm tra công tác chuẩn bị một tiết dạy của giáo viên.
Thầy Phan Hữu Xá – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành kiểm tra công tác chuẩn bị một tiết dạy của giáo viên.

Tạo hứng thú trong dạy học, linh hoạt trong đánh giá

Không thể phủ nhận một điều, giáo viên chỉ có thể “cháy hết mình” khi được đứng trên bục giảng với phấn trắng, bảng đen, với những ánh mắt khát khao, chờ đợi để khám phá kiến thức bất tận của học trò. Thế nhưng, khi phải chuyển đổi trạng thái, thích ứng với điều kiện mới, các “kỹ sư tâm hồn” cũng sẵn sàng vì học sinh mà thay đổi.

Theo thầy Phan Hữu Xá, để phát huy tối đa tính hiệu quả trong tổ chức lớp học đặc biệt này, giáo viên phải có sự đầu tư chu đáo về mọi mặt. Từ xây dựng kế hoạch dạy học, phối hợp với thiết bị dạy học hiện đại, dự kiến các tình huống “sư phạm đặc biệt” khi có sự xuất hiện của phụ huynh… Nếu không chỉn chu thì dễ mất hứng thú và bị “vỡ trận”.

“Môn Toán có rất nhiều hình cần phải vẽ. Nhờ các phần mềm, chúng tôi đã biến những hình học khô khan trở nên cuốn hút bằng cách phối màu, tạo hiệu ứng 3D. Đặc biệt, ở phần ứng dụng vào thực tiễn, giáo viên cho học sinh “đóng vai”. Các em sẽ đóng vai người thợ xây, dùng kiến thức hình học được mô phỏng 3D để tính toán diện tích, thể tích, đưa ra bảng tính khối lượng vật liệu cần thiết để xây một ngôi nhà. Vì thế, không khí lớp học luôn sôi nổi, hào hứng, các em ở nhà cũng tích cực tham gia trả lời và hoàn thành bài học. Còn thầy giáo cũng được là chính mình” - thầy Long tâm sự.

Cũng theo thầy Long, để bảo đảm không em nào bị “bỏ quên”, các tiết dạy, ngoài việc đánh dấu học sinh đã tương tác, giáo viên còn luân phiên cử 1 em theo dõi màn hình chính để nhắc thầy cô. “Các em này có nhiệm vụ hỗ trợ thầy cô đánh dấu, nhắc khi có em nào học trực tuyến có ý kiến. Vì đôi lúc tập trung giảng bài, giáo viên khó bao quát hết lớp” - thầy Long nói.

Riêng phần kiểm tra, đánh giá học kỳ 1, theo thầy Xá, nhà trường sẽ linh hoạt kết hợp kiểm tra trực tiếp và online. “Các bộ môn sẽ xây dựng đề gồm cả 2 phần: Trắc nghiệm và tự luận. Sau đó tích hợp lên hệ thống chung. Học sinh trả lời trắc nghiệm trực tiếp trên phần mềm. Phần tự luận, các em có thể viết trực tiếp trên phần mềm, hoặc có thể viết trên giấy rồi chụp hình lại cho thầy cô. Quan điểm là không tạo áp lực, lấy đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của các em làm trọng tâm” - thầy Xá thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.