Lớp học ảo, thầy giáo ảo... thời 4.0

GD&TĐ - Những khái niệm về lớp học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo sẽ trở thành xu thế phát triển trong hoạt động GD-ĐT trong thời gian tới.

Cần hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh minh họa/internet
Cần hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh minh họa/internet

Thay đổi phương thức và phương pháp đào tạo

 Các cơ sở GD-ĐT hiện nay, chủ yếu vẫn đang đào tạo theo cách truyền thống, những kiến thức được trang bị không còn phù hợp với thực tế.
TS. Ngô Thái Hà

Theo TS. Ngô Thái Hà - Khoa Lý luận chính trị (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), lĩnh vực GD-ĐT ở nước ta hiện nay mới dừng lại ở mức độ “tìm hiểu” về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà chưa có hành động hay chiến lược cụ thể nào cho tiến trình công nghệ hoá GD-ĐT trong thời gian sắp tới.

Người học với kiến thức và kỹ năng đã và đang được trang bị trong các cơ sở GD-ĐT hiện nay vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế 3.0. Vì vậy, nó không hữu dụng với nền kinh tế 4.0 và dễ dàng bị máy móc thay thế trong tương lai gần.

"Cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi đáng kể phương thức và phương pháp đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Đào tạo ảo, mô phỏng, số hoá bài giảng sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Điều này tác động mạnh mẽ đến cán bộ quản lý, phục vụ và đội ngũ giáo viên tại các cơ sở GD-ĐT" - TS. Ngô Thái Hà chia sẻ.

Theo TS. Ngô Thái Hà, những bước đi đổi mới về công nghệ mới trong các lĩnh vực như: Trí thông minh nhân tạo, robot, mạng Internet, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vê vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử sẽ tác động mạnh mẽ hơn nữa tới GD-ĐT.

Trong cuộc cách mạng này, hệ thống các cơ sở GD-ĐT sẽ bị tác động rất mạnh và toàn diện, danh mục nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục và các ranh giới giữa các lĩnh vực rất mong manh.

Sự liên kết giữa các lĩnh vực lý - sinh, cơ - điện tử - sinh, từ đó phát triển những ngành nghề đào tạo mới, đặc biệt là sự liên quan đến sự tương tác giữa con người với máy móc. Những khái niệm về lớp học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo sẽ trở thành xu thế phát triển trong hoạt động GD-ĐT trong thời gian tới.

Tuy nhiên, TS. Ngô Thái Hà - cho rằng, nguồn nhân lực của Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn như: Trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp, năng lực cạnh tranh yếu, năng suất lao động thấp, còn có khoảng cách lớn đối với các nước trong khu vực.

Lớp học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo sẽ trở thành xu thế phát triển trong hoạt động GD-ĐT trong thời gian tới. Ảnh minh họa/internet
Lớp học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo sẽ trở thành xu thế phát triển trong hoạt động GD-ĐT trong thời gian tới. Ảnh minh họa/internet

Để GD-ĐT bắt nhịp với cuộc cách mạng 4.0

Thêm vào đó, tay nghề và các kỹ năng mềm khác của nguồn nhân lực còn yếu. Để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo TS. Ngô Thái Hà, cần triển khai một số giải pháp như: Cần hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, có cơ chế phối hợp, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng với doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Ngoài ra cần, đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục - đào tạo trên cơ sở khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, tiêu chuẩn kỹ năng mềm phù hợp với bối cảnh đất nước và xu thế của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục nghề nghiệp. Hiện đại hoá hạ tầng công nghệ thông tin trong toàn bộ hệ thống phục vụ công tác quản lý và điều hành lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến; khuyến khích các cơ sở giáo dục nhà nước xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hoá; hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo,...

Chú trọng đến hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Trên cơ sở đó, Nhà nước có những điều chỉnh kịp thời vê đào tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn.

Mặt khác, cần tăng cường các hoạt động họp tác đa phương, song phương trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; quản trị nhà trường; tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, TS. Ngô Thái Hà - cho rằng, về phía các cơ sở GD-ĐT, cần đổi mới tổ chức đào tạo theo mô đun, tín chỉ và phát triển đào tạo trực tuyến sẽ là hướng đào tạo chủ yếu. Chương trình đào tạo phải được thiết kế linh hoạt, một mặt đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; mặt khác, tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề.

Đồng thời, thay đổi phương pháp đào tạo trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và sự ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng và truyền đạt bài giảng. Cùng với đó là sự đối mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra trong GD-ĐT theo hướng đáp ứng năng lực làm việc và tính sáng tạo của người học.

Chú trọng hơn nữa phát triển ngành tự động hoá, đồng thời đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học,...

Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đào tạo. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao tại cơ sở. Chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác giữa người và máy.

Người lao động phải xác định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu, nó đang diễn ra và không gì có thể cưỡng lại được. Chúng ta không có quyền lựa chọn mà bắt buộc phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu các kỹ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hoá. Mỗi cá nhân người lao động phải nỗ lực tự vượt qua chính mình, trước hết là tư duy, tập quán, nề thói tiểu nông, sau đó tự học tập, tự trang bị kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.