“Ðời sống mới trong trường học” theo quan điểm Hồ Chí Minh

GD&TĐ - Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước Việt Nam bước sang một trang sử mới. 

“Ðời sống mới trong trường học” theo quan điểm Hồ Chí Minh

Hoàn cảnh mới, thời đại mới cũng đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta yêu cầu cần phải đổi mới để phù hợp với chế độ mới.

Ngày 3/4/1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập, một năm sau, ngày 20/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đời sống mới với bút danh Tân Sinh, góp phần chỉ đạo và động viên phong trào xây dựng đời sống mới.

Dung lượng của tác phẩm không lớn, chỉ 17 trang in (theo bản in năm 1947), gồm 19 mục ở dạng hỏi và đáp, nhưng trong đó Người đã đề cập đến khá nhiều vấn đề về xây dựng đời sống mới.

Trong Lời tựa, tác giả đã nêu rõ ý nghĩa của tác phẩm là giúp nhân dân thực hành đời sống mới trong công cuộc cứu quốc và kiến quốc: “Trong lúc kháng chiến cứu quốc chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”.

Đặc biệt, trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn một mục nói về “Đời sống mới trong một trường học” (Mục XII). Điều này đã thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để có được một đời sống mới trong trường học thì “Các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực. Các trò nên đua nhau học. Đồng thời, biết tiết kiệm giấy bút, biết giữ kỷ luật”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đời sống mới trong trường học trước hết phải chú ý tới hoạt động của thầy và hoạt động của trò - hai chủ thể hết sức quan trọng trong quá trình giáo dục.

Chất lượng giáo dục đào tạo phần lớn được quyết định bởi hoạt động của hai chủ thể này. Hiểu sâu sắc điều đó nên Bác không tách bạch giữa phương pháp dạy của thầy và phương pháp học của trò, mà gắn kết chúng thành một thể thống nhất.

Đối với người thầy, bên cạnh những yêu cầu như không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, hết lòng vì học sinh thì điều quan trọng là phải làm sao dùng “những lời lẽ giản đơn, những ví dụ thiết thực” để học trò “dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực”, chứ không phải nói theo kiểu “dây cà ra dây muống”, lòng vòng, trừu tượng.

Về điều này, Hồ Chí Minh đã đưa ra ví dụ cụ thể để minh chứng. Ví như để hiểu “Dân chủ là gì, tự do là gì, thuộc địa là gì. Vì sao ta phải kháng chiến. Họ có thể làm những việc gì để giúp đỡ kháng chiến.

Nên giữ bí mật thế nào, đề phòng Việt gian thế nào. Nên giúp đồng bào tản cư thế nào. Nên giúp bình dân học vụ thế nào” thì ngoài lời lẽ giản đơn, còn phải lấy những “thí dụ thiết thực” để minh họa.

Quả thực, đây là một vấn đề hết sức quan trọng nhưng trong thực tế lại ít được chú ý. Bởi trong nhiều trường hợp, giải thích bằng thuật ngữ và lý luận không thể diễn tả được hết nội hàm của vấn đề, mà cần phải viện dẫn đến hình ảnh, thực tế cuộc sống xung quanh thì người nghe, người học mới có được cái nhìn toàn diện và đầy đủ.

Trong Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, ngày 7/9/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Lý luận phải liên hệ với thực tế… Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mac - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”.

Người cũng nhấn mạnh, ở mỗi đối tượng phải có cách dạy khác nhau, không đem những kiến thức trừu tượng của người lớn tuổi, ví như “tân dân chủ” và “cựu dân chủ” để dạy cho các em thiếu niên nhi đồng sẽ không có hiệu quả và không phù hợp.

Như vậy có nghĩa là không có một phương pháp cụ thể nào để áp dụng cho toàn bộ các cấp học, đối tượng nào sẽ đòi hỏi cách dạy, phương pháp dạy phù hợp với đối tượng ấy.

Đối với người học, Người nhấn mạnh: “Các trò nên đua nhau học. Đồng thời, biết tiết kiệm giấy bút, biết giữ kỷ luật”. “Đua nhau học” ở đây chính là nói đến việc thi đua giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa tập thể này với tập thể khác, từng cá nhân, từng tập thể đều cố gắng đem hết sức mình phấn đấu học tập, rèn luyện, tạo ra bầu không khí “hăng hái”, tích cực để quá trình giáo dục đạt được hiệu quả cao nhất.

Sự “đua nhau” ở đây hoàn toàn khác với sự ganh đua, đố kỵ nhằm hạ thấp người khác, gây ảnh hưởng không tốt đến các mối quan hệ trong nhà trường.

Đồng thời, Người cũng nhắc nhở người học phải biết “tiết kiệm”. Trong hoàn cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn, thử thách, khi tiết kiệm trở thành quốc sách thì học sinh cũng dứt khoát phải biết tiết kiệm.

Với đối tượng này trước hết chính là tiết kiệm giấy mực, tiền bạc, thời gian. Tất cả đều phải tập trung cho nhiệm vụ chính là học tập và rèn luyện.

Bên cạnh đó, muốn học tốt thì người học cũng cần phải biết giữ gìn kỷ luật tốt. Từng cá nhân biết giữ gìn kỷ luật tốt là cơ sở để một tập thể có kỷ cương, sức mạnh. Đây cũng là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn thanh thiếu niên Việt Nam.

Về phương châm giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu nhà trường, thầy giáo phải “khuyên học trò tăng gia việc chăm lo sản xuất”.

Theo Bác, mục đích của tăng gia sản xuất không chỉ để tạo ra của cải vật chất mà “Một là làm cho họ biết kính trọng sự cần lao. Hai là tập cho họ quen khổ. Ba là cho họ cái chí khí tự thực kỷ lực (làm lấy mà ăn), không ăn bám xã hội. Bốn là có ích cho sức khỏe của họ”.

Phương châm này luôn nhất quán trong tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh. Tại buổi nói chuyện với học sinh và giáo viên Trường Phổ thông cấp III Chu Văn An (Hà Nội), Người khẳng định:

“Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường: Học đi đôi với lao động. Lý luận đi với thực hành”. Một dịp khác, trong Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của ngành Giáo dục phổ thông và sư phạm, Người đã nhắc nhở các thầy cô giáo phải thực hiện tốt phương châm học tập kết hợp với lao động sản xuất.

Xác định cụ thể cái đích của việc giáo dục, Người viết: “Cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”.

Nhà trường bên cạnh việc dạy chữ tốt thì trách nhiệm quan trọng nhất là phải tìm cách dạy học trò làm người. Phải đào tạo để sản phẩm là những người công dân thực thụ, vừa có trí tuệ cũng vừa có ý chí, nghị lực, lòng tự trọng và ý thức phục vụ hết mình cho đất nước.

Người cũng nhấn mạnh: “Trong lúc dạy, chớ nên dạy học trò có tư tưởng vị quốc như bọn phát xít”, nghĩa là “chỉ biết yêu trọng nước mình mà khinh ghét nước người”, có thể thấy, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có phương hướng giáo dục những con người vượt lên chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, hướng tới tinh thần quốc tế cao cả.

Người cũng khẳng định: “Phải trọng về môn tinh thần và đạo đức. Phải tẩy sạch óc kiêu ngạo, tự phụ mà giáo dục thực dân còn để lại”, bởi đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối.

Đặt ra yêu cầu giáo dục một cách toàn diện như vậy bởi hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ vai trò của nhà trường đối với học sinh, sinh viên:

“Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”.

Nhà trường chính là một trong những chiếc nôi quan trọng để giáo dục thanh thiếu niên, trong khi đó thanh niên là “rường cột” của nước nhà, là tương lai của Tổ quốc.

Cũng vì thế, ngay trong ngày khai giảng đầu tiên khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời căn dặn: “Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Trong tác phẩm Đời sống mới của Hồ Chí Minh còn có một quan điểm vô cùng tiến bộ liên quan đến vấn đề giáo dục đó là: “Phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân”.

Làng là một xã hội thu nhỏ, nếu cả làng có ý thức học tập tốt thì mỗi thành tố của làng ấy sẽ có ý thức trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ học vấn, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của người công dân.

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đưa ra chủ trương: Phải làm cho xã hội ta trở thành xã hội học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Trên đây là những yêu cầu căn bản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến trong việc xây dựng đời sống mới trong một trường học, vậy nguyên tắc để xây dựng “đời sống mới” đó là như thế nào?

Điều này cũng đã được Người đề cập đến trong Mục II của tác phẩm: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới”.

Vì thế, đòi hỏi đặt ra đối với các nhà quản lý giáo dục, với thầy và với trò là phải xác định được một cách đúng đắn yếu tố nào “cũ” hợp lý cần phải phát huy và yếu tố mới nào phải học.

Trong những năm vừa qua, nền giáo dục nước nhà đã có rất nhiều cuộc cải cách, cải tiến, tuy nhiên do cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan nên vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Vì thế, để có thể xây dựng được một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại và chất lượng thực sự, thiết nghĩ cần phải có một sự đổi mới thực sự, đồng bộ.

Sự đổi mới ấy phải bắt đầu từ nhận thức, đổi mới một cách toàn diện (cả nội dung, chương trình và phương pháp dạy - học), đổi mới ở tất cả các cấp độ, đồng thời cũng cần phải xây dựng một lộ trình với tầm nhìn toàn diện, lâu dài.

Đặc biệt, phải chú ý đến nguyên tắc “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý…

Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”. Nếu thực hiện được đúng những điều ấy chắc hẳn chúng ta sẽ xây dựng được một nền giáo dục chất lượng, hiệu quả, góp phần đưa nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Đọc lại tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây gần 70 năm, những điều Người viết về “Đời sống mới trong một trường học” vẫn còn nguyên giá trị trong điều kiện hiện nay của nước ta.                                                                                                                                                                                                           Điều ấy càng trở nên có ý nghĩa hơn trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị đề ra trong Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ