Người thầy vô danh, hành trình thầm lặng

GD&TĐ - Dù không đạt được ước mơ trở thành nhà giáo, nhưng bằng khát khao cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, suốt 50 năm qua, ông Nguyễn Kim Long (tự Sáu Long) ngụ phường Thạnh Xuân (quận 12, TPHCM) vẫn thầm lặng với tình yêu nghề giáo bằng con đường riêng của mình.

Cô Nguyễn Thị Kim Chi (áo trắng) - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh trao quyết định kết nạp đảng cho giáo viên
Cô Nguyễn Thị Kim Chi (áo trắng) - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh trao quyết định kết nạp đảng cho giáo viên

Ông có 11 người con thì 9 người đã dấn thân theo nghiệp trồng người bằng chính định hướng của người cha.

Từ khát vọng tuổi thanh xuân…

Xuất thân từ vùng đất ven Gia Định ngày xưa với nghề nông là kế sinh nhai chính nhưng không vì thế mà ước mơ bình dị được trở thành thầy giáo của người thanh niên quanh năm chân lấm tay bùn bị nhấn chìm bởi khó khăn và túng thiếu. Vì đam mê học chữ, mỗi ngày ông phải dậy từ 4 giờ sáng để nấu cơm, luộc khoai sắn bỏ vào mo cau mang theo, lội bộ hàng cây số để đợi xe lửa đến trường.

Ngày nào cũng như ngày nào, con đường kiếm tìm tri thức của ông bắt đầu từ mờ sáng đến tối mịt. “Kinh tế khó khăn, giặc giã liên miên, đi học lại vất vả nên cả khu vực chỉ có vài đứa tầm tuổi tôi bám trụ và tiếp tục đi học” - ông Long cho biết. Năm 16 tuổi, chiến tranh ngày càng ác liệt, giặc càn quét khắp nơi, con đường chữ nghĩa của ông bị chặn đứng.

Ông tham gia Đoàn thanh niên địa phương. Sau vài năm hoạt động trên mặt trận gây nhiễu, chống phá địch, ông được bầu làm Trưởng ban Bình dân học vụ xã Qưới Xuân (Gò Vấp, Gia Định cũ) với nhiệm vụ xóa mù chữ cho người dân địa phương. Như cá gặp nước, ông len lỏi khắp vùng đất ven ngoại thành Gia Định cũ vận động, dạy chữ cho học sinh, nông dân.

“Những năm đó phong trào xóa mù chữ sôi nổi lắm. Những người có tí chữ như tôi được Ủy ban Kháng chiến huy động hết để cùng cả nước chung tay xóa mù chữ, diệt giặc dốt theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ai cũng hăng hái, ai cũng say mê học chữ” - ông Long hạnh phúc kể.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất cái nghèo cái đói đeo đẳng nên ông thấu hiểu những giá trị của tri thức, giáo dục. Chính vì thế, ngoài việc khuyến khích ba người con lớn cùng ông mở lớp dạy học miễn phí cho những đứa trẻ nghèo khó quanh vùng, ông luôn cháy bỏng khát vọng xây dựng một ngôi trường đẹp trên mảnh đất quê mình.

Những năm 90 của thế kỷ trước, dân số khu vực Gia Định gia tăng nhanh chóng khiến tình trạng thiếu phòng học trên địa bàn xảy ra ngày càng nghiêm trọng. TPHCM thời ấy, những phòng ba ca nhiều nhan nhản, nhiều năm do không đủ chỗ, địa phương mượn nhà ông làm nơi dạy học.

Thấu hiểu nỗi cực khổ khi phải đi xa học, ông bàn với gia đình, địa phương việc hiến đất để xây trường cho lũ trẻ. Hưởng ứng thành ý của ông, chính quyền địa phương đã tiếp quản 2.800 m2 đất ông hiến để xây dựng lên ngôi trường khang trang, rộng rãi cho học sinh nơi này.

“Tôi yêu nghề giáo, được nhìn và chứng kiến lũ trẻ học hành đàng hoàng, tôi có niềm vui rất đặc biệt. Đó cũng là lý do khiến tôi luôn hướng con mình theo nghề giáo. Ngày ngôi trường mới hoàn thành, đứng chào đón tụi nhỏ đến trường, cảm giác hạnh phúc trong tôi rất khó diễn tả. Đó là một cảm xúc rất thiêng liêng” - ông Long xúc động nhớ lại.

… đến vai trò người hướng nghiệp

Ông Nguyễn Kim Long
 Ông Nguyễn Kim Long 

Ông là người cực kỳ khéo léo trong việc vun vén gia đình, nuôi dạy con cái. Nuôi 11 người con ăn học trong giai đoạn đất nước vừa thống nhất đã khó, hướng cho các con theo nghề dạy học càng khó hơn. Bởi giai đoạn đó giáo viên rất nghèo. Thế nhưng, ông luôn khuyên các con học hành tới nơi tới chốn, không ai được bỏ học vì nghèo khó, cũng không ai bỏ học vì học yếu… Rồi từng người, từng người, hết anh chị đến em lần lượt theo nghề giáo khiến ông Long vui sướng trong lòng.

“Đứa lớn dạy đứa nhỏ, đứa nhỏ dạy đứa nhỏ hơn, tụi nó cứ tự học và kèm cặp nhau. Được cái sắp nhỏ ngoan và rất nghe lời cha mẹ. 11 đứa thì 9 đứa bước tiếp ước mơ dang dở của cha chúng, một đứa làm bác sĩ và một đứa làm nội trợ. Giai đoạn ấy dù rất khó khăn nhưng được cái đứa nào cũng hiếu học. Tui chỉ nói, cha rất thích nghề giáo, nghề đó không chỉ mang đến tri thức cho bản thân mình mà còn truyền đạt tri thức cho sắp nhỏ sau này… Cha không có điều kiện để được theo nghề. Cha chỉ cố gắng nuôi tụi con ăn học bằng người… Và tụi nhỏ cứ thế tự nguyện dấn thân cho sự nghiệp trồng người” - ông Long sảng khoái tâm sự theo cái cách rất Nam Bộ của ông.

Rồi ông kể cũng theo cái cách rặt Nam Bộ: Ba đứa đầu đã về hưu, một đứa nghỉ giữa chừng vì sức khỏe, ba đứa đang làm quản lý giáo dục và hai đứa đang trực tiếp “gõ đầu trẻ”. Tất thảy tôi có 9 đứa con đã và đang làm nghề dạy học, chưa tính 2 đứa cháu ngoại đang học ngành sư phạm và sắp ra trường.

Hơn 30 năm theo nghề giáo, hiện đang làm Phó phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT TPHCM, cô Nguyễn Thị Kim Xuyến được xem là người thành công nhất trong gia đình ông Long. Ra trường từ những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước gặp rất nhiều khó khăn nhưng cô vẫn không bỏ nghề dạy học.

Nhớ lại những tháng ngày gian khó ấy, cô Xuyến cho biết: Thời gian đó nghèo lắm, lương bổng thấp mà đi lại, dạy học cũng rất vất vả. Thế nhưng, nhờ động viên của ba mẹ, anh chị nên tôi như có thêm động lực. Mình cứ nhìn gương anh chị mà tự nhủ lòng làm theo. Anh chị làm được thì mình cũng làm được, rồi khó khăn chỗ nào, áp lực chỗ nào mọi người trong gia đình cùng nhau gỡ rối. Sau nhiều năm, mọi thứ cũng trôi qua, công việc cũng ổn định hơn.

Chia sẻ với chúng tôi khi nói về cha mình, cô chỉ gói gọn một câu: “Cha tôi sống cả đời vì vợ vì con và vì một tình yêu bất diệt với nghề giáo”. Chính tình yêu ấy đã giúp ông vượt qua mọi khó khăn, gian nan để tiếp thêm sức mạnh cho tụi tôi đi đến cái đích cuối cùng mà cuộc đời cha chưa chạm đến được: Trở thành một Nhà giáo đúng nghĩa.

Không chạm đến ước mơ, nhưng ông Long vẫn được rất nhiều người nể trọng vì cái tâm và tình yêu tuyệt đối dành cho nghề giáo đến trọn vẹn của mình. Những điều ông làm, cống hiến cho Ngành rất thầm lặng, nhưng lại vô cùng cao cả và đáng trân quý.

Hiện ông Long còn 5 người con đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục thì 4 người đang giữ các cương vị quản lý. Người đang đương nhiệm chức vụ cao nhất là cô Nguyễn Thị Kim Xuyến, hiện đang làm Phó phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT TPHCM. Tiếp đó, cô Nguyễn Thị Kim Chi - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh (quận 12); cô Nguyễn Thị Kim Dung – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12); cô Nguyễn Thị Kim Ngân - Giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12). 6 người vinh dự nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục cùng nhiều giấy khen, bằng khen của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ