Làm hấp dẫn bài giảng lịch sử bằng hình ảnh

GD&TĐ - Cô Phạm Thị Hằng, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ kinh nghiệm sử dụng hình ảnh trong dạy học Lịch sử.

Cô trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ học.
Cô trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ học.

Tạo biểu tượng về sự kiện, nhân vật lịch sử

Cô Phạm Thị Hằng cho biết, tạo biểu tượng cho học sinh là việc làm khó khăn vì yêu cầu của dạy học lịch sử là phải tái tạo hình ảnh về các sự kiện đúng như nó tồn tại, mà đó lại là sự kiện trong quá khứ. Vì vậy, hình ảnh lịch sử có vai trò rất quan trọng trong việc tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh.

Có nhiều biện pháp thực hiện việc này; trong đó, sử dụng hình ảnh lịch sử kết hợp với các đoạn tường thuật, miêu tả để tạo biểu tượng lịch sử là biện pháp sư phạm hiệu quả. Để thực hiện tốt, giáo viên phải nắm vững và có kỹ năng sử dụng phương pháp tường thuật, miêu tả trong dạy học lịch sử.

Khi học sinh quan sát hình ảnh cụ thể sẽ mang lại nhận thức chính xác, sinh động về sự kiện, nhân vật; trên cơ sở đó tạo cho các em những cảm xúc lịch sử mạnh mẽ, sâu sắc. Đó chính là con đường có hiệu quả để tạo biểu tượng, hình thành khái niệm, nêu quy luật và rút bài học lịch sử.

Cô Phạm Thị Hằng ví dụ,khi dạy học bài 17, “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ sau ngày 2-9-1945 đến trước ngày 19-12-1946”, giáo viên có thể sử dụng bức ảnh Lễ ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946.

Hình ảnh tại lễ ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. (Ảnh tư liệu)
Hình ảnh tại lễ ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. (Ảnh tư liệu)

Tạo tình huống có vấn đề và giải quyết vấn đề

Theo cô Phạm Thị Hằng, tình huống có vấn đề là những khó khăn, thắc mắc những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình nhận thức của học sinh khi tiếp thu tri thức mới, hoặc cần làm sâu sắc phong phú thêm những tri thức đã biết.

Nhận thức của học sinh là quá trình đi từ chưa biết đến biết, từ biết chưa sâu sắc đến biết sâu sắc, phong phú hơn. Tạo tình huống có vấn đề và biết cách giải quyết vấn đề sẽ giúp kích thích tư duy tích cực của học sinh. Giáo viên phải biết gợi mở, trình bày, dẫn dắt, đặt ra những câu hỏi nêu vấn đề kích thích trí tò mò, thích khám phá, sáng tạo của học sinh.

Có nhiều cách thức để tạo tình huống có vấn đề, trong đó có biện pháp sử dụng hình ảnh lịch sử.

Cô Phạm Thị Hằng ví dụ, khi dạy mục 2. II, bài 17, sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, giáo viên sử dụng bức ảnh về nạn đói năm 1945.

Sau khi miêu tả chi tiết bức tranh, giáo viên đặt câu hỏi “Bức tranh nói lên điều gì?”, “Tại sao nước ta lại xảy ra nạn đói vào năm 1945? ”. Cách đặt câu hỏi như vậy của giáo viên cùng bức tranh sẽ làm nảy sinh trong nhận thức của học sinh vướng mắc cần giải quyết. Với sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh quan sát bức tranh, suy nghĩ và tìm lời giải.

Sử dụng CNTT để khai thác hình ảnh lịch sử

Theo cô Phạm Thị Hằng, với đặc trưng của bộ môn Lịch sử, việc ứng dụng công nghệ thông tin rất cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Hình ảnh lịch sử khi được tích hợp với thiết bị công nghệ như máy tính, máy chiếu, hệ thống âm thanh,… tạo nên màu sắc, hình ảnh sống động, hấp dẫn, cuốn hút học sinh vào bài giảng, giúp các em tiếp thu kiến thức có hệ thống và tích cực hơn.

Ví dụ, dạy học bài 17 “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ sau ngày 2/9/1945 đến trước ngày 19-12-1946”,sách giáo khoa Lịch sử 12, giáo viên cần phải sử dụng một lượng hình ảnh lịch sử khá phong phú, bao gồm: các hình ảnh thể hiện các sự kiện lịch sử; phim tư liệu…

Không có sự trợ giúp của CNTT, giáo viên mất rất nhiều thời gian, công sức cho việc sưu tầm, phục dựng, in ấn, phô tô và sử dụng các công đoạn khác theo hình thức thủ công. Điều này làm giáo viên ngại sử dụng hình ảnh thường xuyên trong các tiết dạy.

Nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ, chỉ cần thao tác đơn giản là giáo viên có thể lên internet tìm, tải hình ảnh lịch sử và những tài liệu để phục vụ công việc dạy học.

Như vậy, ứng dụng CNTT góp phần giải phóng sức lao động của người thầy, làm bài giảng trở nên sinh động với những sự kiện, nhân vật lịch sử cụ thể, chân thực, kích thích tư duy của học sinh. Từ đó, nội dung kiến thức được lĩnh hội đầy đủ và khắc sâu hơn.

Để ứng dụng CNTT hiệu quả, đòi hỏi người giáo viên cần chịu khó học hỏi, nắm bắt kỹ thuật và thao tác sử dụng thiết bị, phối hợp nhịp nhàng với các phương pháp dạy học khác; bảo đảm bố trí hợp lý thời gian cho một tiết dạy, chủ động trong mọi tình huống. Dù có những ưu thế vượt trội nhưng cũng không được tuyệt đối hóa và lạm dụng phương pháp này, làm mờ nhạt vai trò của người giáo viên.

Các bà, các mẹ ở tỉnh Sa Đéc (khu vực Đồng Tháp ngày nay) đi học chữ trong kháng chiến chống pháp. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Các bà, các mẹ ở tỉnh Sa Đéc (khu vực Đồng Tháp ngày nay) đi học chữ trong kháng chiến chống pháp. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Sử dụng tài liệu thành văn, hình ảnh lịch để tạo hứng thú học tập

Trong học tập, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng. Khi học sinh hứng thú, yêu thích học tập bộ môn thì kết quả học tập rất khả quan. Hiện nay, do tác động của một số nguyên nhân, nhiều học sinh không yêu thích bộ môn Lịch sử. Thực trạng ấy ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và kết quả học tập.

Để khắc phục tình trạng trên, cô Phạm Thị Hằng cho rằng, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc sử dụng tranh ảnh kết hợp với tài liệu thành văn để tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Tài liệu thành văn được hiểu là những sử liệu cho ta thông tin về các sự kiện xảy ra được ghi lại bằng chữ viết qua các kênh thông tin khác nhau. Nguồn tài liệu này chiếm khối lượng lớn và đặc biệt quan trọng, đôi khi chiếm vị trí chủ yếu trong các nguồn sử liệu. Tài liệu thành văn là nguồn sử liệu quý giá góp phần làm sáng tỏ những sự kiện, hiện tượng lịch sử. Đây là nguồn sử liệu đã được thời gian và thực tiễn lịch sử sàng lọc, kiểm chứng, có độ tin cậy khoa học cao. Việc kết hợp sử dụng tài liệu thành văn (nghe) và tranh ảnh (nhìn) sẽ tạo hiệu quả tổng hợp trong dạy học lịch sử.

Cô Phạm Thị Hằng ví dụ: Khi dạy mục 3. III, bài 17, sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, để giải quyết nạn dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Giáo viên sử dụng bức ảnh lớp bình dân học vụ trong tình huống này.

Cùng với đó, giáo viên kết hợp với tài liệu thành văn sau là bài viết “Chống nạn thất học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bức ảnh lớp bình dân học vụ” còn có thể kết hợp với đoạn thơ trong bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu:

“... Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan”

Đoạn tài liệu và 2 câu thơ trên sẽ giúp bổ sung, cụ thể những nội dung sách giáo khoa, góp phần làm sáng rõ vấn đề; giúp học sinh hiểu rõ hơn tại sao mù chữ là một vấn nạn và tầm quan trọng cần phải giải quyết nạn dốt, những khó khăn trong việc giải quyết nạn dốt. Qua đó cũng giáo dục cho học sinh ý thức học tập tốt hơn.

Sử dụng hình ảnh lịch sử kết hợp với nêu câu hỏi nhận thức

Cô Phạm Thị Hằng cho rằng: Dạy học lịch sử có nhiều con đường, biện pháp để phát triển tư duy học sinh. Một trong những biện pháp là sử dụng tài liệu thành văn kết hợp với bản đồ giáo khoa để xây dựng hệ thống bài tập nhận thức.

Thiết kế bài tập nhận thức trên cơ sở tài liệu thành văn có thể nêu ra vào đầu giờ học hoặc trước mỗi mục nhằm tập trung sự chú ý và lôi cuốn học sinh. Câu hỏi phải mang tính chất là một bài tập nhận thức nhưng phải tập trung vào những nội dung cơ bản của bài học.

Ví dụ: Khi dạy học mục 3. III, bài 17, sách giáo khoa Lịch sử 12, giáo viên có thể cho học sinh xem bức ảnh “Lễ ký kết hiệp định sơ bộ”và nêu câu hỏi: “Vì sao Đảng và chính phủ cách mạng của ta lại chủ trương hòa với Pháp ký hiệp định sơ bộ 6/3/1946?.

Qua đó giúp học sinh thấy được đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh “cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược”, phân hóa, cô lập kẻ thù cao độ. Nhờ vậy ta vượt qua được khó khăn, hiểm nghèo và bảo vệ được chính quyền cách mạng, tạo điều kiện cho toàn quốc kháng chiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.