Long An sẽ quy hoạch 27 đô thị đến năm 2030

GD&TĐ - Đến năm 2030, tỉnh Long An phấn đấu có 27 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II và 3 đô thị loại III.

Long An sẽ quy hoạch 27 đô thị đến năm 2030

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, Long An phấn đấu đến năm 2030 có 27 đô thị.

Bao gồm: 1 đô thị loại I (TP. Tân An); 1 đô thị loại II (Thị xã Kiến Tường); 3 đô thị loại III (gồm các đô thị Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa); 9 đô thị loại IV (gồm các thị trấn Cần Đước, Đông Thành, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Tầm Vu).

13 đô thị loại V (Rạch Kiến, Long Cang, Long Hựu Đông, Long Trạch, Mỹ Quý Tây, Bình Hòa Nam, Hưng Điền B, Khánh Hưng, Thái Bình Trung, Bình Phong Thạnh, Hậu Thạnh Đông, Tân Long, Lạc Tấn).

Quy hoạch xác định xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng đô thị, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai; phát triển mạnh các đô thị tiếp giáp với TP.HCM, trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.

Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi, ranh giới các đô thị hiện hữu chưa đảm bảo tiêu chuẩn diện tích; đặc biệt TP. Tân An đảm bảo diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên, ưu tiên lan tỏa đô thị về hướng Đông Bắc và Đông Nam gắn với hành lang phát triển phía Nam.

Trong phương án Quy hoạch đô thị trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành, TP. Tân An đóng vai trò là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại của phía Đông Bắc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đô thị cửa ngõ giữa vùng Đông Nam bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Long An phấn đấu đến năm 2030 có 27 đô thị và tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 55%. (Ảnh minh họa)

Long An phấn đấu đến năm 2030 có 27 đô thị và tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 55%. (Ảnh minh họa)

Các đô thị Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc là các đô thị vệ tinh, có vai trò giảm tải về áp lực dân số, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho TP.HCM.

Ngoài ra, thị xã Kiến Tường đóng vai trò là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười gắn với khu kinh tế cửa khẩu Long An, có vai trò động lực, thúc đẩy hoạt động công nghiệp, logistics, chế biến nông sản, kinh tế biên mậu với Campuchia. Các đô thị còn lại đóng vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, thương mại của đơn vị hành chính cấp huyện.

Theo Quy hoạch vừa phê duyệt, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Long An khoảng 55%. Các đô thị loại III (gồm Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa) đảm bảo hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về hạ tầng, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục - đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị.

Tính đến nay, diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh Long An đã có sự thay đổi rõ nét, nhiều công trình được đầu tư, hạ tầng đô thị được xây dựng khang trang, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao cuộc sống người dân.

Đánh giá về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An Nguyễn Văn Hùng cho biết, chương trình phát triển đô thị tạo động lực, định hướng để các địa phương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng loại các đô thị hiện hữu và hình thành, phát triển các đô thị mới.

Long An là “cửa ngõ” của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với TP.HCM và Vùng Đông Nam Bộ.

Hiện toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính trực thuộc (13 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố) với 19 đô thị, trong đó, có 1 đô thị loại II (TP. Tân An), 6 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V.

Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt khoảng 33%. Trong đó, TP. Tân An có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất. Huyện Tân Trụ và huyện Châu Thành có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ