Lời ước cho người đã khuất

GD&TĐ - Con đường đất đỏ chạy dài heo hút từ khu dân cư đông đúc, qua cánh rừng vắng và một vùng đầm lầy. Ngày xưa qua đây, ai cũng phải xắn quần lội ruộng để đến một địa điểm heo hút có tên là Lồ Cồ.

Lời ước cho người đã khuất

Lồ Cồ cách trung tâm xã Biên Giới huyện Châu Thành chừng 5 km đường bộ. Nhưng ngày xưa, nơi đây hơi biệt lập bởi đường sá khó đi vào những ngày mưa lũ.

Người dân ở đây muốn đi chợ phải lội sình, lầy hoặc bơi xuồng qua bên kia sông để mua mắm, muối về ăn. Chuyện dân sinh là vậy, còn chuyện học hành của con em ở đây thì sao? Đó là một vấn đề nan giải và nhức nhối cho lãnh đạo Phòng Giáo dục cũng như chính quyền địa phương lúc bấy giờ.

Bởi vì khi giáo viên nhận nhiệm sở về đây công tác, được phân công lên địa điểm này đều lắc đầu bỏ về ngay sau lần trình diện. Thế là trường lớp vắng tanh, chòi tranh tạm bợ… Vậy mà có một cô giáo dám đứng mũi chịu sào, ở lại chốn khỉ ho cò gáy này làm người cõng chữ đưa khách sang sông: Đó chính là cô giáo Truyện Thị Cúc.

Xóm Lồ Cồ nằm cách mé sông Vàm Cỏ chừng dăm mét. Mùa nước nổi trắng cả cánh đồng bưng. Cô lái đò đóng vai chính là người chèo đò ấy để đưa rước vài học sinh trong vùng nước ngập hai lượt đi về.

Rồi cô cũng chính là người mẹ thứ hai: Tết tóc, đơm lại chiếc khuy, vá những đường chỉ rách toạt cho đám học trò nghèo ngày ấy, đến lớp rồi mà vẫn còn mùi khét nắng, tóc cháy đỏ hoe, những em bé gái tóc rối bù, đi học lại còn ẵm em sau lưng trần truồng thật là tội nghiệp.

Thân gái dặm trường, cô đã gắn bó với địa phương từ thời mới mở lớp bình dân học vụ. Từ ông Bí thư xã cho đến Chủ tịch, Trưởng ấp… đều được cô phổ cập để thông hiểu nghị quyết và chủ trương của Đảng và Nhà nước ta lúc bấy giờ. “Thời con gái lưng ong” có biết bao người để ý, thế mà cô vẫn chong đèn một mình để soạn giáo án cho buổi sớm mai.

Ngày tháng qua dần, nước thời gian đã gội đi mái tóc xanh giờ đầy sợi bạc. Cô đã đưa biết bao lượt học trò qua sông đến bến bờ tri thức…

Năm tháng dần qua, sự đổi mới đã về đến tận các vùng quê xa xôi hẻo lánh. Đường sá cầu cống được thông thương ngành Giáo dục cũng bắt đầu khởi sắc. Cô bây giờ cũng được đứng trong hàng ngũ nhà giáo. Giờ đây cô lại nhận thêm trách nhiệm là người cô, người chị đi trước, tiếp tục dìu dắt giúp đỡ đàn em đồng nghiệp tiếp bước theo sau.

Nghề giáo vốn chỉ có đồng lương ba cọc ba đồng để sống, thời chưa có nghị định thu hút, phụ cấp vùng khó khăn, nhưng cô đã từng bán đi số vàng ki cóp được để giúp cho các thầy đi về sau những lần lương muộn.

Thấy đôi trẻ yêu nhau trong buổi khó khăn không tiền làm sính lễ cô cũng giúp cho mượn vàng để đôi thầy cô trẻ được có đôi. Muốn cho đàn em mình an cư lạc nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cô cũng đã có lần nhượng lại mảnh đất giá rẻ mà mình được xã ưu tiên sau nhiều năm cống hiến cho một thầy giáo cất nhà…

Ánh nắng của buổi chiều còn sót lại trên những rặng cây cao su thẳng tắp. Màu lúa non đổi sắc bạc theo chiều gió thu, để lại sau lưng trời là một mảng tối tuổi già bóng xế. Vì muốn gắn mình với tuổi thơ, với lời ê a của trẻ.

Khi về hưu, cô xin tá túc lại một căn phòng nhỏ đó là nhà công vụ ven trường, để sống nốt quãng đời còn lại. Ở đó hàng ngày cô vừa làm người bảo vệ không công, vừa chăm sóc ngọn rau cây ớt.

Thấy cảnh đơn chiếc, biết cô buồn nên các thầy bày cho cô mở quán bán bánh kẹo cho học trò, cô bằng lòng ngay. Chẳng biết đi xe máy bao giờ, vậy là có dịp cuối tuần về cô gửi các thầy giúp cô mua bịch bánh, túi kẹo về cho cô bán làm vui giải khuây tuổi già hiu quạnh.

Buổi sáng cũng như mọi ngày, cô dậy sớm bày hàng ra bán. Tiếng trẻ con đi học cũng lác đác vài em. Cô ơi bán cho em cây kẹo… ô hay sao giờ này cô lại vào giường nằm… Một thầy giáo trẻ băn khoăn đến bên giường cô gọi khẽ… rồi hốt hoản la lớn!

- Ôi cô, cô ơi. Trời ơi! Cô Cúc đã mất rồi!

...Một đám tang lặng lẽ không một bóng người thân, đi sau quan tài cô là anh em đồng nghiệp cùng xóm làng và hai hàng học trò đứng dọc hai bên cổng trường cúi đầu tiễn đưa cô lần cuối.

Chúng tôi, người gọi cô, người gọi chị, một vài thầy cô trẻ đã gắn bó cùng cô mấy năm qua dưới mái trường này, tự nguyện đeo vành khăn tang trắng lên đầu để an ủi vong linh của người quá cố.

Tất cả chúng tôi, ai cũng rưng rưng nước mắt tiễn cô ra nắm mộ ven rừng. Ai cũng thắp nén hương lòng cầu mong vong linh cô sớm về miền cực lạc. Nhưng chúng tôi biết chắc rằng, hình bóng cô vẫn ở lại ngôi trường này. Ôi ước gì ngôi trường này sẽ mãi mang tên cô: “Trường Tiểu học Truyện Thị Cúc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.