Người gieo chữ ở vùng Trấm

GD&TĐ - “Trường của em be bé nằm ở giữa rừng cây (ơ), cô giáo em tre trẻ dạy em hát rất hay…”. Từ xa xa văng vẳng tiếng dạy hát của cô giáo và tiếng bi bô của các cháu vọng lại giữa mây trời non nước Thạch Hãn, làm chúng tôi không khỏi tò mò về ngôi trường “be bé nằm ở giữa rừng cây” nép mình bên dòng Thạch Hãn, đó là Trường Mầm non Trấm thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Một trong những cô giáo “cắm bản” ở đây lâu nhất là cô giáo Lê Thị Bích Chi.

Người gieo chữ ở vùng Trấm

Gieo chữ ở vùng khó

Năm 1996, cô Lê Thị Bích Chi lên vùng Trấm dạy học. Việc cô giáo trẻ xinh xắn tình nguyện lên cắm chốt để dạy học cho những đứa trẻ thôn Trấm đã khiến cho những người thân trong gia đình và bạn bè cực lực phản đối vì cứ nghĩ thương cái thân con gái lên đó sẽ héo mòn tuổi xuân.

Vùng Trấm là địa bàn vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của huyện Triệu Phong. Trong tiềm thức của cô Chi vùng Trấm được ví như “Thung lũng hoang vắng”, khó khăn trăm bề. Khi lên đây, tận mắt chứng kiến “trường khi đó chỉ là tranh tre nứa lá, mưa gió tạt vào ướt cả phòng học, không điện, phải đi múc nước sông mà tắm rửa, tôi tưởng chừng như sẽ bỏ cuộc”, cô Chi chia sẻ.

Trường lúc đó chỉ có một lớp mẫu giáo gồm nhiều độ tuổi ghép lại với nhau. Ngoài giờ dạy, cô Chi còn vận động bà con đóng góp và được Ban từ thiện Phật giáo Quảng Trị hỗ trợ 5 triệu đồng xây dựng một phòng học tạm có diện tích 35m², xung quanh bao che bằng cót. Đến năm 2007, Chương trình Đông Tây hội ngộ và Ban từ thiện Phật giáo Quảng Trị đã tài trợ xây dựng phòng học cấp 4 ở thôn Trấm thay cho nhà tạm bợ đã xuống cấp.

Có được lớp học tạm ổn định, cô Chi cùng các cô giáo khác phải vận động học sinh đi học. Ở Trấm ngày trước, học sinh bỏ học như cơm bữa. Nguyên nhân vẫn là do đường sá đi lại quá khó khăn, nhất là về mùa mưa. Thêm vào đó cuộc sống nghèo khó, người dân suốt ngày phải lo lắng cho đủ ăn nên việc học hành của con cái trở thành một điều xa xỉ, ít được cha mẹ quan tâm. Do vậy, rất cần hoạt động “dân vận” của người thầy. Ngoài giờ lên lớp, các cô phải đi thôn để vận động, tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu việc học tập của con em là rất quan trọng nên bà con đã hiểu ra và cho con em đi học tương đối đầy đủ.

“Nếu không yêu nghề, thương học sinh lắm thì chắc không theo nổi. Mỗi lần vận động thành công cho học sinh đến trường thì bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến và xem đó như một động lực giúp giáo viên gắn bó với nghề và mảnh đất này. Có những lúc tưởng chừng tôi phải bỏ dở lớp học vì gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đi lại. Nhưng nhìn những cặp mắt thơ ngây các em bi bô tập hát, tôi lại cố gắng hết sức mình để bám lớp, để các em mầm non nơi đây tiếp cận với con chữ”, cô Chi tâm sự.

Gian nan hành trình ươm mầm xanh

Không quản đường sá khó khăn, với phương tiện chính là chiếc xe máy, cô Chi đã miệt mài 21 năm lên Trấm bám trường, bám lớp. Nhưng đường đi lên Trấm không phải dễ dàng. Theo chân cô Chi buổi sáng hôm ấy, ngồi sau xe máy của cô toàn chạy số 1, số 2, cô Chi bảo tôi: “Em ngồi ôm chị cho chắc nhé” vì con đường dài hun hút gồ ghề sỏi đá ngoằn nghèo, khi thì lên dốc khi thì xuống dốc.

“Phải là tay lái kiệt xuất” có kinh nghiệm mới đi được con đường này, còn nếu không rất dễ ngã. Nói là đường cho oai vậy thôi chứ đó chỉ là con đường mòn đất do người dân tự mở, bề rộng khoảng 80 cm đủ một chiếc xe máy chạy. Nếu 2 xe máy gặp nhau, 1 xe phải nghiêng cùng người ép vào bên đồng đậu xanh của bà con để xe kia đi qua. Phải mất hơn một tiếng đồng hồ đi xe gắn máy từ thị xã Quảng Trị chúng tôi mới lên được Trấm. Cô Chi nói: “Dù sao có đường đi như thế này là sướng hơn thời trước rồi, đó là mùa nắng còn thuận lợi chứ còn mùa mưa vất vả hơn nhiều, đường ngập nên phải đi đò”.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô Chi với nghề là những ngày mưa gió, đi dạy học bằng đò. Mùa mưa, đường bộ bị cô lập hoàn toàn. Hoặc chỉ qua một trận lụt, lớp phù sa phủ kín con đường độc đạo này xe máy không đi được nên buộc phải đi đò. Chị em chân yếu tay mềm tay lái không vững nên thường bị ngã xe do đường đất đỏ trơn trượt.

Bến đò nằm ở xã Hải Lệ - thị xã Quảng Trị, khi bước lên bờ thì đường bùn lầy lội, trơn trượt, không ít lần té ngã. Mỗi lần đi bỏ theo ít nhất 3 bộ quần áo để thay. Việc lên Trấm công tác dù khó khăn do “cách sông trở đò” nhưng bù lại sự chân chất, gần gũi của các em học sinh, người dân cùng với cái tâm của người thầy khiến cô Chi càng gắn bó hơn với nơi đây để dạy cái chữ cho các em.

Một kỷ niệm nữa là ngày trước, phòng lợp mái lá với vô số kẽ hở nên mùa đông gió thỏa sức gào rít. Nhà công vụ không có, nữ giáo viên dọn góc lớp làm chỗ ở, kê ba hòn đá làm chỗ nấu cơm. Hiện nay đã có nhà công vụ nên sinh hoạt của các cô đỡ vất vả hơn. Cứ thứ 2 đầu tuần các cô lại lỉnh kỉnh gạo, mắm muối, thực phẩm… chuyển lên Trấm để chăm lo bữa ăn cho các cháu và bản thân các cô.

Chiều thứ 6 các cô mới trở về nhà bên gia đình. Chính sự yêu nghề và tình yêu thương đối với các em học sinh nơi đây quá lớn nên cô Chi đã chấp nhận tất cả để cô bám trường bám lớp suốt 21 năm qua. Tấm lòng ấy của cô đã được ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị, chính quyền địa phương và phụ huynh các em ghi nhận. Nhiều năm liền cô Chi là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Giờ đây, dù đã được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho Trấm có điều kiện dạy và học tốt hơn, nhưng nhà trường vẫn còn thiếu sân chơi cho các cháu, đồ dùng học tập... Toàn trường có gần 100 cháu, chia làm 3 điểm trường: Thượng Phước, Tân Xuân, Trấm. Các điểm trường cách nhau khá xa, đường đi khó khăn.

Mong ước lớn nhất của cô Chi là chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ hơn nữa về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cho các cô giáo ở đây. Đặc biệt có con đường đến trường bớt nhọc nhằn và khó khăn, mùa mưa khỏi phải đi đò.

Đặc biệt, 21 năm gắn bó với nơi này, đến nay cô Chi vẫn chưa vào được biên chế mà chỉ hợp đồng dài hạn. Nhưng với cô giáo Chi, những đứa trẻ thôn Trấm với tấm lòng và niềm khát khao sự học là niềm vui, là món quà có ý nghĩa nhất đối với người làm nghề chèo đò. Dù công việc dạy học ở miền núi còn gặp nhiều khó khăn đủ bề, nhưng cô Chi cảm thấy vui với sự lựa chọn của mình. Bởi cô nghĩ mình đang làm một việc có ích cho xã hội “gieo chữ ở vùng khó”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.