Lời khuyên của chuyên gia để hút mỡ an toàn

GD&TĐ - Không ít người xem việc hút mỡ bụng là phẫu thuật thẩm mỹ đơn giản và phổ biến, có thể thực hiện ở bất kỳ cơ sở thẩm mỹ nào. Tuy nhiên, bác sĩ nhấn mạnh đây là một quan niệm sai lầm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo BSCKI. Trần Ngọc Lĩnh – Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, việc hút mỡ trên bộ phận nào của cơ thể đều tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho sức khỏe nếu như không được thực hiện ở cơ sở có đầy đủ trang thiết bị y tế, đội ngũ y bác sĩ có tay nghề và chuyên môn cao.

Hiện nay, để thực hiện hút mỡ đạt chuẩn và an toàn, các cơ sở y tế thực hiện bằng các thiết bị hiện đại hơn và ít gây biến chứng.

Các bác sĩ sẽ dùng ống hút đánh tan mỡ dưới da, sau đó dùng máy hút chuyên dụng để hút hết phần mỡ thừa ra ngoài.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ chuyên khoa sẽ khám sức khỏe tổng quát, tình trạng cân nặng – các vùng mỡ thừa, thực hiện các xét nghiệm tim mạch, đường huyết… để đảm bảo tình trạng người bệnh ổn định, an toàn trong khi thực hiện.

Khi thực hiện phẫu thuật hút mỡ, bác sĩ sẽ tiêm dung dịch cầm máu và làm lỏng mô mỡ, dùng canulla đầu tù đánh lỏng mỡ thừa bằng lực cơ học và hỗ trợ bởi sóng siêu âm, siêu âm cao tần, laser...

Đây là phương pháp an toàn mà không gây tổn thương mạch máu, thần kinh, các mô xung quanh hay bỏng da. Mỡ thừa sẽ được hút ra ngay khi làm lỏng qua lỗ nhỏ của canula.

Sau khi đánh giá lượng mỡ hút ra và bảo tồn phần mô còn lại tốt, bác sĩ sẽ khâu lỗ nhỏ hút mỡ bằng chỉ thẩm mỹ giúp hạn chế sẹo. Khách hàng cần dùng băng ở vùng hút mỡ để ổn định trong thời gian đầu, được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc vết thương, thực đơn dinh dưỡng, sử dụng thuốc và hẹn lịch tái khám phù hợp.

Người thực hiện thủ thuật phải là bác sĩ có chứng chỉ, đã qua lớp đào tạo về hút mỡ bụng

Theo TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết trên báo chí, hút mỡ là thủ thuật thẩm mỹ tương đối an toàn. Thế giới cũng dùng kỹ thuật này, bất cứ vị trí nào có mỡ thừa đều có thể hút như hút mỡ ở bụng, đùi, tay, mặt, cằm… 

Tuy nhiên, hút mỡ bắt buộc phải làm tại bệnh viện, nơi có đủ các điều kiện đạt chuẩn an toàn như phòng mổ, bác sĩ gây mê, cấp cứu…, không được phép làm tại phòng mạch, phòng khám thẩm mỹ, càng không được phép làm tại các viện thẩm mỹ, spa.

Ngoài ra, người thực hiện thủ thuật phải là bác sĩ có chứng chỉ, đã qua lớp đào tạo về hút mỡ bụng.

Sau khi bệnh nhân được gây tê/gây mê, bác sĩ sẽ đưa dung dịch hút mỡ vào vùng cần hút. Dung dịch này làm trương lớp mỡ này lên, dưới áp lực làm tan mỡ sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng để hút lượng mỡ này ra. Dung dịch này thường gồm nước muối, thuốc tê, thuốc cầm máu... giúp tách lọc mỡ, cầm máu, giảm đau. 

Tùy theo lượng mỡ và vùng cần hút mỡ mà áp dụng gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân, có thể gây tê vùng như gây tê ngoài màng cứng trong một số trường hợp. Thông thường hút mỡ vùng lớn như bụng, đùi bệnh nhân sẽ được gây mê. 

Bệnh nhân cần tìm tới các chuyên gia có uy tín

Các bác sĩ đã đưa ra lời khuyên rằng, khi muốn thực hiện bất kì phẫu thuật thẩm mỹ nào, bệnh nhân cần tìm tới các chuyên gia có uy tín về lĩnh vực đó để được tư vấn.

Người có chuyên môn thường khám rất kĩ, tư vấn kĩ càng cả về mặt được, mất, những biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện phẫu thuật. Nên cảnh giác với những cơ sở chỉ giới thiệu về mặt lợi ích của phẫu thuật bởi đa phần họ đặt mục đích thương mại lên số 1, khó đảm bảo về mặt an toàn.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên tìm tới những cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, tìm hiểu và cân nhắc kĩ càng về các mặt được, mất của loại can thiệp đó trước khi lựa chọn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.