>>> Thời điểm trẻ phát triển khiếu hài hước
Hài hước cũng là sợi dây gắn kết các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè, do đó cần nuôi dưỡng sự hài hước, vui vẻ cho trẻ mỗi ngày.
Hài hước sẽ hóa giải mọi vấn đề
Chìa khoá giúp bé hài hước, vui vẻ là tạo cơ hội để bé cùng cười với cả nhà, là khám phá niềm vui từ trong cuộc sống, trong lao động. Tính hài hước luôn song hành với lối suy nghĩ lạc quan, yêu đời. Cha mẹ hãy giúp trẻ hình thành kỹ năng diễn tả niềm vui, không suy nghĩ quá nhiều về mặt tiêu cực của vấn đề.
Trong một cuộc hội thảo chia sẻ cách dạy con, cô Phan Hồ Điệp - mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam nói: “Những gì mọi người nhìn thấy chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trình mình lớn lên cùng Nam. Cũng có những lúc Nam không nghe lời bố mẹ, hay những lúc Nam ốm, cũng như tất cả những người mẹ khác, lòng mình cũng rối bời với biết bao lo lắng. Nhưng dù hiện thực có “tồi tệ” thế nào, thì mình cũng luôn cố gắng lạc quan, vui vẻ và hài hước để cùng Nam vượt qua. Điều đó mang đến cho cả hai mẹ con rất nhiều niềm vui và kỉ niệm đáng nhớ”.
Cũng trong một bài viết trên trang cá nhân của mình, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ “triết lý dí dỏm” khi dạy con của mình qua những ví dụ và tình huống cụ thể. Những “chiêu trò” giản dị, hài hước nhưng thông thái và tràn đầy tình yêu thương với con của chị đã ngay lập tức nhận được hàng chục nghìn lượt yêu thích và chia sẻ của các cha mẹ.
Dưới đây là những tình huống “hóc búa” mà bất cứ cha mẹ nào cũng có thể gặp phải khi dạy con và cách giải quyết theo quan điểm “hài hước, dí dỏm” của mẹ Nhật Nam:
Khi con không làm bài tập:
- Chị ơi, hôm qua Nam không làm bài tập Toán về nhà chị à. Em hỏi con là tại đề khó hay tại con không thích làm. Nam bảo: Cô ơi, không phải cả hai, chỉ vì con muốn vào mạng để đọc sách nên không còn thời gian để làm bài.
- Ôi vậy hả, chị cảm ơn em đã thông báo. Chị sẽ nhắc nhở Nam em nhé.
- Mẹ ơi, sao em không mở được wifi nhà mình thế mẹ?
- À mẹ đổi password rồi em, password mới đây em này.
- Cái gì thế mẹ? Mẹ đùa em à?
- Không, mẹ đùa đâu.
Password là đề bài toán mà hôm qua em “quên” không làm đó. Em giải xong, kết quả chính là password luôn đó em à.
- Mẹ đúng là bà mẹ “bá đạo” đấy mẹ nhé!
Con muốn dùng “hàng hiệu”:
- Mẹ ơi, mẹ mua giày cho em nhé. Mà phải hãng giày “xịn” mẹ nhé. Hãng Nike đấy, em thích lắm.
- Ừ, mẹ mua. Em thích hãng đó thật hả em, em đã đi bao giờ đâu nhỉ.
- Cần gì phải đi mẹ ơi, em thấy các bạn trong lớp em đi, đẹp lắm mẹ ạ. Các bạn toàn dùng hàng xịn thôi mẹ ạ.
- Ừ, thế hả em. Mà em ơi, ngày mai mẹ đi thẩm mỹ đấy.
- Khiếp, mẹ lại còn đi thẩm mỹ nữa. Thế mẹ định làm gì?
- Mẹ đọc trên báo, thấy nhiều cô gái đi thẩm mỹ nâng mũi, gọt cằm xong đẹp lung linh. Mẹ định đi thẩm mỹ... não. Chứ dạo này mẹ hay quên lắm.
- Ái chà, mẹ cao tay đấy. Em biết thừa rồi, mẹ lại muốn nói nội dung hơn hình thức chứ gì. Thôi, mẹ mua giày gì cho em cũng được.
Khi con chán học:
- Mẹ ơi, em chán học lắm rồi. Cứ ngồi viết viết, chép chép chả có gì hay. Sau này khi học đến cấp ba, em sẽ nghỉ học 1 năm để đi khắp đó đây mẹ ạ.
- Thế cơ á, cho mẹ đi cùng nhé.
- Vâng tất nhiên rồi mẹ. Mà mẹ ơi, bây giờ em nghỉ học, mẹ chơi cùng em nhé. Chơi một mình chán lắm.
- Ừ, chơi một mình chán thật. Nhưng em đợi mẹ nhé. Mẹ đang làm dở tí.
- Mẹ làm gì thế mẹ, có lâu không?
- À, chả là kể từ lúc em ra tuyên bố chán học, phần mềm “nỗi buồn” tự download vào lòng mẹ, nên mẹ phải ngồi yên, khéo mà được 95% rồi em à.
- Hí hí, thôi thôi mẹ ơi, mẹ hủy cái phần mềm đó đi, em học tiếp đây.
Qua những tình huống kể trên, cô Phan Hồ Điệp muốn gửi đến các bố mẹ một thông điệp rằng, giống như tất cả các bạn nhỏ khác, “Nam không phải lúc nào cũng ngoan, lúc nào cũng nghe lời. Có rất nhiều lần Nam cũng mắc lỗi. Thông thường trước mỗi tình huống đó, mình hạn chế đến mức tối đa sự nóng giận, bắt bẻ”. Cô Phan Hồ Điệp chia sẻ những cách “xử lý” của mình như sau:
Không bao giờ phủ định ngay ý kiến của con. Ví dụ khi Nam kêu chán học, mình không lên giọng: Sao lại chán học, phải học thì mới nên người được chứ,... Bao giờ mình cũng hỏi lại chính ý kiến của bạn ấy vừa nêu ra, như một cách để thăm dò: Ừ, con chán học à, vì sao thế?... Mình nghĩ, việc đặt câu hỏi này như một sự chờ đón để nghe những giãi bày tiếp và duy trì cuộc hội thoại trên tinh thần hợp tác.
Cố gắng để hài hước. Trong mọi tình huống khó khăn, hài hước bao giờ cũng là cách để “hóa giải” mọi việc nhẹ nhàng nhất. Nên mình cố gắng tìm cách nói để Nam thấy vui vẻ mà vẫn hiểu ra vấn đề. Trong mọi lúc, mình luôn nhớ đến câu này: Dí dỏm mang đến sự sáng suốt và lòng khoan dung.
Mẹ Nhật Nam cũng chia sẻ: “Thực ra, mình nghĩ nuôi bất kì một đứa trẻ nào cũng như đi trên một quãng đường. Không ai hứa sẽ cho bạn một hành trình hoàn toàn bằng phẳng. Cứ vui vẻ, bình tĩnh đón nhận những thử thách mà con bạn đem lại. Chỉ khi nào chúng ta nghĩ rằng con đường lúc nào cũng phải phẳng thì khi ấy mỗi cục đá chúng ta gặp sẽ đều như “một cuộc tấn công”. Và mình luôn tin, điều đó đã nằm sẵn trong trái tim mỗi người mẹ”.
Nuôi dưỡng cảm xúc và tính cách vui vẻ cho trẻ
Sự hài hước sẽ đem lại niềm vui, tích cực trong cuộc sống và cần được nuôi dưỡng, có như vậy, trẻ mới luôn sống tích cực, lạc quan và hạnh phúc. Vậy làm thế nào để giúp con cảm thấy luôn vui vẻ hơn? Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thị Hoài chia sẻ những cách hiệu quả để tăng sự hài hước, hạnh phúc cho con trẻ:
Cha mẹ vui vẻ: Nếu bạn muốn con hiểu thế nào là hài hước, vui vẻ và hạnh phúc, con cần thấy chính cha mẹ mình có cảm giác đó. Mỗi khi bạn đang cảm thấy hạnh phúc, hãy nói về cảm xúc của bạn và cách bạn đạt được điều đó, chẳng hạn như: “Bố/mẹ thích đi tản bộ ngoài công viên. Cảm nhận ánh nắng Mặt trời sưởi ấm gương mặt khiến bố/mẹ thực sự thấy rất vui vẻ”.
Điều này đặc biệt hữu ích khi bạn có thể chỉ ra cho con trẻ thấy con đã làm bạn vui như thế nào, chẳng hạn như: “Khi con dọn bàn ăn và rửa bát, bố/mẹ cảm thấy thực sự hạnh phúc vì con đã làm rất tốt việc ghi nhớ những gì bố/mẹ đã yêu cầu con thực hiện”.
Giúp con nhận biết cảm xúc: Trẻ em cần học tất cả mọi thứ và chúng cũng cần có khả năng hiểu ý nghĩa của việc cảm thấy vui, buồn hay tức giận. Bạn có thể giúp con bạn nhận ra cảm xúc bằng cách hướng dẫn con đọc sách về vấn đề này, chỉ ra cho con thấy cảm xúc ở những người khác và giúp con nhận ra cảm xúc ở chính mình.
Bố mẹ có thể nói với con rằng: “Bố/mẹ thấy con rất vui khi được ăn kem vì bố/mẹ thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt con” hoặc: “Bạn con chuyển nhà hẳn khiến con rất buồn vì bố/mẹ thấy con đã rơi nước mắt”.
Khi con hiểu cụ thể điều gì đã khiến chúng có cảm xúc như vậy, chúng sẽ hiểu về cảm giác vui, buồn hay tức giận và biết cách “nhân đôi” niềm vui trong cuộc sống. Nhờ vậy, trẻ cũng sẽ hiểu thế nào là hài hước đem lại niềm vui, thế nào là nhảm nhí, thiếu tế nhị.
Giúp con tìm hiểu những gì khiến con hạnh phúc: Một khi con bạn có thể nhận ra khi nào con vui, hãy giúp con thực hiện những hoạt động giúp con vui vẻ. Người lớn có những cách khác nhau để cảm thấy hạnh phúc và trẻ em cũng cần tìm hiểu những hoạt động nào đặc biệt thú vị và khiến chúng vui thích.
Để làm được điều này, có thể bạn và con cần thử trải nghiệm. Bạn có thể đăng ký cho con học võ, học múa, hát, leo núi, chơi cờ... Nếu chúng hứng thú với những lớp học ngoại khóa đó, việc tham gia lớp học sẽ khiến chúng cảm thấy vui vẻ.
Ngoài ra, chỉ cần bố mẹ dành nhiều thời gian cho con cái cũng có khả năng nâng cao tinh thần vui vẻ của cả gia đình.
Dạy con cách giải quyết vấn đề và nhìn vào khía cạnh tích cực: Đôi khi chúng ta sẽ không bao giờ có thể ngăn cản chuyện không vui xảy ra với con mình. Bạn bè không phải lúc nào cũng cư xử tử tế với con của bạn và con bạn có thể bị thua trong một trận thi đấu thể thao hoặc bị điểm kém. Con bạn sẽ cần học phương án tự giải quyết vấn đề theo những cách phù hợp. Chúng cũng cần học cách tìm kiếm và nhìn ra những khía cạnh tích cực trong một tình huống hoặc từ một người khác. Có thể tìm thấy mặt tích cực trong mọi vấn đề sẽ giúp con bạn duy trì sự lạc quan, vui vẻ ngay cả trong những thời điểm tiêu cực.
Dạy con cách kết bạn và tương tác với những người khác: Những người hạnh phúc là những người cởi mở, sẵn sàng kết nối với cuộc sống và những người xung quanh. Họ không nhất thiết phải là linh hồn của buổi tiệc nhưng họ sẵn lòng tham gia bữa tiệc cùng với những người khác.
Hãy giúp con học cách kết bạn và giữ những người bạn bè tốt. Bằng cách đó, con sẽ có nhiều người ở bên để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Ngoài ra con còn được học hỏi, thực hành những kỹ năng giải quyết vấn đề từ những người khác.
Hãy nhớ rằng, cách tốt nhất để tạo ra hạnh phúc là tự mình cảm nhận và chia sẻ cảm xúc đó với người khác. Bố mẹ cùng con làm những việc mà cả nhà yêu thích sẽ cho con cơ hội nhận thấy bố mẹ là hình mẫu tiêu biểu của người biết tận hưởng hạnh phúc. Từ đó chúng cũng sẽ cảm thấy bản thân thật tuyệt vời và biết tạo ra niềm vui cho chính mình.