Sau khi Bộ GD&ĐT công bố cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các nhà trường, địa phương đã “phản ứng nhanh” với nhiều giải pháp để học sinh, giáo viên quen thuộc với định dạng đề thi mới.
Ngoài việc phổ biến, cho học sinh làm đề và chữa bài, giáo viên bắt đầu vận dụng định dạng câu hỏi mới trong dạy học, kiểm tra, đánh giá. Ví dụ, sau mỗi tiết học, câu hỏi giáo viên đưa ra để học sinh luyện tập củng cố kiến thức có dạng trắc nghiệm đúng/sai, câu hỏi trả lời ngắn - yếu tố mới trong đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Xây dựng đề kiểm tra định kỳ theo định hướng thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là cách làm lâu dài, bài bản để giáo viên, học sinh thực sự được cọ xát, trải nghiệm sâu với định dạng đề thi mới. Thực tế, nhiều trường đã áp dụng ngay đợt kiểm tra giữa học kỳ II năm học 2023 - 2024. Đây cũng là việc được các sở GD&ĐT quan tâm, ưu tiên triển khai vì mang lại lợi ích kép.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, cũng như nhận định của chuyên gia, giáo viên, hai định dạng câu hỏi trắc nghiệm mới trong đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 đòi hỏi học sinh có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện, chắc chắn và hạn chế việc dùng “mẹo mực” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Thực hiện bài kiểm tra định kỳ có xuất hiện các câu hỏi này giúp giáo viên, học sinh làm quen với yêu cầu mới, thay đổi cách dạy, học để đáp ứng với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Riêng với giáo viên, việc phải nghiên cứu đề minh họa, xây dựng đề kiểm tra theo định hướng mới, được tập huấn xây dựng đề kiểm tra theo định hướng thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và thường xuyên trao đổi, thảo luận về vấn đề này trong các buổi sinh hoạt chuyên môn là cơ hội tốt để nâng cao năng lực chuyên môn.
Kiểm tra, đánh giá theo định dạng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 cũng là vấn đề Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đặc biệt nhấn mạnh tại Hội thảo về công tác đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 được Bộ GD&ĐT tổ chức trong tháng 3 vừa qua.
Để thống nhất thực hiện, nội dung quan trọng được Thứ trưởng nhấn mạnh: Cần ban hành hướng dẫn các sở GD&ĐT chỉ đạo trường phổ thông về nội dung kiểm tra, đánh giá theo định dạng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; sớm xây dựng kế hoạch, tiếp tục triển khai tập huấn xây dựng ngân hàng đề thi và ra đề thi cho cán bộ cốt cán của các sở GD&ĐT. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra thực tế và định hướng chuyên môn cho các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục.
Là người trực tiếp xây dựng các câu hỏi, đề kiểm tra, sự thay đổi và nỗ lực của đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng mang tính quyết định. Nhiều giáo viên từ thực tế làm đề theo định hướng thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chia sẻ không ít khó khăn bởi tính mới, yêu cầu cao hơn, đặc biệt có môn lần đầu trở thành môn thi tốt nghiệp THPT nên khó tránh khỏi bỡ ngỡ, lúng túng.
Tâm lý ngại thay đổi cũng là một rào cản lớn. Thầy cô chắc chắn cần nỗ lực phát triển bản thân để đáp ứng yêu cầu mới. Tuy nhiên, những mong mỏi chính đáng trong việc được hỗ trợ về bồi dưỡng chuyên môn, tạo điều kiện thời gian và có chính sách tạo động lực của thầy cô cũng cần được quan tâm đúng mức.