Cấu trúc định dạng đề thi là căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Cụ thể, về cấu trúc, đề Ngữ văn theo hình thức tự luận, thi trong thời gian 120 phút, gồm hai phần Đọc hiểu và Viết.
Các môn còn lại, hình thức thi là trắc nghiệm với ba phần. Phần I gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm với 4 phương án; yêu cầu thí sinh chọn một đáp án đúng. Thí sinh được 0,25 điểm nếu làm đúng mỗi câu.
Phần II gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm Đúng/Sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý, thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai. Chọn chính xác, thí sinh sẽ được 0,1 điểm một câu; 0,25 điểm nếu đúng hai câu; 0,5 và 1 điểm nếu làm đúng 3 và 4 câu.
Phần III gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn, yêu cầu thí sinh tô chọn đáp án. Với môn Toán, mỗi câu đúng, thí sinh được 0,5 điểm; các môn khác là 0,25 điểm.
Tổng điểm tối đa toàn bài thi trắc nghiệm là 10. Thời gian làm bài và số lượng câu hỏi của từng môn như sau:
Trước đó, ngày 29/12/2023, Bộ GD&ĐT đã công bố đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025.
Cụ thể, các môn học có đề minh họa gồm:Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung), Hoá học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (Công nghệ Công nghiệp và Công nghệ Nông nghiệp).
Đề minh họa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với khoảng gần 5.000 học sinh.
Các câu hỏi trong đề minh họa cố gắng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa (bối cảnh có tác dụng/có giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học).
Tại thời điểm công bố, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới thực hiện đến lớp 11, do vậy các nội dung kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11.
Tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.