Lợi ích 'kép'!

GD&TĐ -Tại phiên họp bất thường sáng 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, nhiên liệu bay nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn trong Biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ. Cụ thể với mặt hàng xăng (trừ ethanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; dầu diesel từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít.

Với dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 300 đồng/lít. Về thời điểm áp dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7 để kịp cho kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo.

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp bất thường để xem xét thông qua Nghị quyết về giảm thuế, như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì Chính phủ đã rất nỗ lực, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương thực hiện cam kết tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV.

Ngay khi có Tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiến hành thẩm tra ngay và triệu tập phiên họp bất thường. Với tinh thần khẩn trương như vậy, chúng ta cố gắng làm ngày làm đêm, hoàn thành ngay các công việc tiếp theo để triển khai Nghị quyết sớm nhất.

Bởi theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí của nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu tăng 10%, GDP của toàn bộ nền kinh tế sẽ giảm khoảng 0,5%.

Thực tế, đã có nhiều ý kiến đề nghị cần sử dụng công cụ thuế để “hạ nhiệt” giá xăng dầu vì mỗi lít xăng đang phải chịu 4 loại thuế gồm thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng RON 95 là 10% và xăng E5 RON 92 là 8%; thuế bảo vệ môi trường từ 1.900 - 2.000 đồng với xăng, 1.000 đồng/lít với dầu và thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.

Bên cạnh đó, với giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050 - 1.250 đồng/lít xăng; 600 - 950 đồng/lít, kg tuỳ loại dầu. Như vậy, trong cơ cấu giá bán lẻ mỗi lít xăng, dầu, tùy từng thời điểm đang phải chịu khoảng 34 - 35% thuế, chi phí.

Cho nên, trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng như hiện nay, việc bình ổn giá mặt hàng này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa kiềm chế lạm phát vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng khác cũng sẽ giảm. Khi đó, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ được hưởng lợi cả hai vòng, vừa trực tiếp vừa gián tiếp - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Giảm thuế có thể ảnh hưởng ít nhiều đến thu ngân sách, nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc này sẽ giúp hạn chế tạo lập mặt bằng giá mới, bảo đảm mục tiêu phục hồi, phát triển trong trung - dài hạn.

Bởi vậy, không chỉ với thuế bảo vệ môi trường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn đề nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi MFN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ