Lời giải nào cho bài toán khủng hoảng Triều Tiên?

GD&TĐ - Vào khoảng 10h30’ (giờ địa phương) ngày Chủ nhật (3/9), CHDCND Triều Tiên đã thử thành công vụ nổ hạt nhân lớn nhất trong lịch sử của mình. 

Lời giải nào cho bài toán khủng hoảng Triều Tiên?

Đây là vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên, nó thực sự kích động một cuộc khủng hoảng trong khu vực và tạo ra làn sóng phản đối trên toàn thế giới. Theo các nhà phân tích, con đường tiến tới một cường quốc hạt nhân của CHDCND Triều Tiên chỉ còn một đoạn rất gần. Giờ là lúc cả thế giới cần chung tay giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Thế giới rung động với vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên

Cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 (theo đại diện của Bình Nhưỡng là thử bom Hydro) thuộc loại mạnh nhất trong lịch sử Triều Tiên. Tổng Tham mưu của Hàn Quốc ước tính vụ nổ mạnh tới 100 kiloton, các nhà chức trách Nhật Bản ước tính khoảng 70 kiloton. Theo các nguồn tin khác nhau, vụ nổ gây ra trận động đất mạnh từ 5,7-6,3 độ Richter (kiểm tra trước đó độ mạnh tối đa là 5,3 độ Richter). Những đánh giá trên cho thấy chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã có bước nhảy vọt về chất. Nên nhớ, vào năm 1945, quả bom "Fat Man" của Mỹ ném xuống Nagasaki chỉ có 21 kiloton nhưng đã giết chết khoảng 150 nghìn người, trong đó khoảng 80 ngàn người chết ngay tại chỗ. Trong khi đó, sức mạnh tối đa của các vụ thử hạt nhân trước đây ở Triều Tiên được ước tính khoảng 30 kiloton.

Sau khi vụ nổ xảy ra vài giờ, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã công bố những tin tức của người đứng đầu của Viện vũ khí hạt nhân CHDCND Triều Tiên Kim Chen Ynom rằng lãnh đạo tối cao của nước này “theo dõi nạp một quả bom hydro vào tên lửa" và "làm quen với các tính năng kỹ thuật của thiết bị mới". Quả bom mới, theo KCNA, "có công suất từ hàng chục đến hàng trăm kiloton" và khi nổ có khả năng "tạo ra xung điện từ siêu mạnh phù hợp với các nhiệm vụ chiến lược".

Theo bản tin của Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên tại Moscow, vào buổi sáng cuối cùng của ngày 03/9, Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã họp và quyết định thử quả bom hydro để trang bị cho tên lửa liên lục địa- giai đoạn cuối cùng trong việc hoàn chỉnh lực lượng hạt nhân quốc gia.

"Đồng chí Kim Jong-un tự ký sắc lệnh về vụ thử này" – Báo cáo cho biết.

Trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải tổ chức họp khẩn Hội đồng An ninh Quốc gia thì vào ngày 6/9, tại Thủ đô Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên tổ chức mít tinh chào mừng chiến thắng vang dội của các nhà khoa học, các nhà quân sự nhân thử nghiệm thành công bom hydro. Cả biển người hân hoan trong rừng hoa, pháo sáng…, lịch sử của đất nước họ đã sang trang.

Thế giới chia rẽ trong giải quyết khủng hoảng triều Tiên

Phản đối. Tất nhiên, cả thế giới phản đối việc Bình Nhưỡng thủ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên để giải quyết “vấn đề triều Tiên”, các nhà lãnh đạo thế giới có cách tiếp cận khác nhau.

Ngay sau khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe để thảo luận về các biện pháp gây áp lực đối với CHDCND Triều Tiên. Ông Trump gọi Triều Tiên là quốc gia “lừa đảo”. Mỹ cảnh báo sẽ đáp trả quân sự với “quy mô lớn” với bất cứ mối đe dọa nhằm vào Mỹ. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, giải pháp sử dụng quân sự với Triều Tiên người Mỹ chưa tính đến. Washington lựa chọn giải pháp trừng phạt kinh tế được cho là nghiêm khắc nhất từ trước đến nay. Bản nghị quyết dự thảo trừng phạt kinh tế đối với CHDCND Triều Tiên do Mỹ đề xuất lên Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 11/9 với nội dung: Đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các nhà lãnh đạo chủ chốt khác của Triều Tiên; cấm xuất khẩu dầu lửa sang Triều Tiên; cấm các mặt hàng nhập khẩu từ Triều Tiên và cấm công dân Triều Tiên hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Chưa hết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ ngừng giao dịch với bất cứ nước nào có quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng.

Nga, tất nhiên phản đối việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân, không công nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân vì chương trình hạt nhân của họ vi phạm nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân và đe dọa hòa bình ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên, theo Tổng thống Nga V.Putin, “kích động bằng quân sự là phản tác dụng, cách làm này là vô nghĩa”. Tại Diễn đàn kinh tế phương Đông ở Vladivostok (Nga) vào ngày 6/9 với sự hiện diện của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga, Tổng thống Nga cho rằng, các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên không nên đẩy nước này vào đường cùng. Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn (Trung Quốc), V.Putin cho rằng, cấm vận với Bình Nhưỡng là vô nghĩa, bởi “Bình Nhưỡng thà ăn cỏ chứ không bao giờ từ bỏ hạt nhân”.

V.Putin phê phán cách tiếp cận của Washington rằng tại sao họ cứ phải “xoắn” lên trước các hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên. Làm như thế nghĩa là Mỹ tự đánh mất vị thế của mình và chạy theo Bình Nhưỡng. Ông Putin khẳng định, giải quyết khủng hoảng Triều Tiên chỉ có thể bằng con đường ngoại giao.

Trung Quốc cũng chia sẻ quan điểm với Nga trong việc giải quyết khủng hoảng Triều Tiên. Điều làm dư luận hết sức quan tâm rằng Bình Nhưỡng thử hạt nhân đúng vào lúc khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Hạ Môn (Trung Quốc). Trong bối cảnh trước thềm Đại hội lần thứ XIX ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đang làm tất cả để trở thành nhà lãnh đạo đầy quyền lực, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là một tín hiệu không vui. Với dư luận thế giới, những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tiết chế Bình Nhưỡng đã trở nên vô nghĩa.

Có vẻ như các cường quốc vô cùng bối rối trong việc giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Tấn công Triều Tiên ư? Washington xem ra đã chùn bước. Bằng chứng là trả lời báo chí về vấn đề này, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói nước đôi: “Không có gì là không thể”.

Vấm vận kinh tế ư? Với một quốc gia gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, mọi hình thức cấm vận đều trở nên vô nghĩa.

Dư luận đang hy vọng vào sáng kiến của Tổng thống Nga V.Putin với tư cách trung gian cho cuộc đối thoại Nam-Bắc Triều Tiên. Giờ là lúc các nhà ngoại giao con thoi đang hối hả trên con đường kiến tạo cho cuộc đối thoại lịch sử này.

Ngày 11/9, Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua Nghị quyết số 2375, thiết lập chế độ trừng phạt nghiêm ngặt nhất đối với Triều Tiên. Theo đó, hạn chế cung cấp các sản phẩm dầu mỏ cho CHDCND Triều Tiên đến 500 nghìn thùng từ ngày 1/10 đến ngày 31/12 và đến 2 triệu thùng trong suốt năm 2018. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên sẽ không thể mua các sản phẩm khí đốt, không được phép bán các sản phẩm dệt.

Kể từ khi Nghị quyết được thông qua, tất cả các quốc gia đều bị cấm tuyển dụng lao động là công dân CHDCND Triều Tiên.

Nghị quyết cũng ghi nhận Hội đồng Bảo an LHQ sẵn sàng "hỗ trợ các cuộc đàm phán sáu bên". Hội đồng Bảo an tiếp tục hoan nghênh nỗ lực của các quốc gia "thúc đẩy một giải pháp hòa bình và toàn diện thông qua đối thoại".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ