Liên minh ngăn chặn hạt nhân Triều Tiên có thêm thành viên quan trọng?

GD&TĐ - Ngày 26/4, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên Vũ Đại Vĩ đã kết thúc chuyến viếng thăm Tokyo. Chủ đề chính mà hai bên bàn luận là tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. 

Liên minh ngăn chặn hạt nhân Triều Tiên có thêm thành viên quan trọng?

Theo các nhà phân tích, khi hai đối thủ “không đội trời chung” ở châu Á (Nhật - Trung) bắt tay nhau thì câu chuyện hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên sẽ có lời giải.

Trung Quốc - Chìa khóa của “lâu đài Triều Tiên”

Bắt đầu từ thứ Ba (25/4), chuyến thăm Tokyo kéo dài 4 ngày của đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên Vũ Đại Vĩ nhằm tham khảo ý kiến các nhà ngoại giao cấp cao Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là sự kiện được dư luận chú ý.

Sau khi thảo luận về sự leo thang của cuộc khủng hoảng, đặc phái viên của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về vấn đề Triều Tiên Joseph Yun, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương, Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kenji Kanasugi và đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên Kim Hong Kyun nhất trí áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với CHDCND Triều Tiên nếu họ tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân, vi phạm các nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Những bước đi tiếp theo của Mỹ và các đồng minh châu Á chưa được tiết lộ, nhưng những giọng điệu tuyên bố của những người tham gia cuộc tham vấn là hết sức cứng rắn. “Bắc Triều Tiên chưa sẵn sàng đối thoại” - Joseph Yun tuyên bố. Trong khi đó, đồng nghiệp Nhật Bản của ông nhắc lại rằng: “Nguy cơ bởi những hành động khiêu khích mới của Bình Nhưỡng vẫn còn”.

Những người tham gia cuộc tham vấn ở Tokyo đã thống nhất rằng Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng tới Bắc Triều Tiên. Chuyến thăm Tokyo của đại diện đặc biệt Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên Vũ Đại Vĩ đã được thông báo trước qua cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chủ đề chính trong cuộc điện đàm này là cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Theo tuyên bố của phía Trung Quốc, sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, Bắc Kinh kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và chống lại các hành động đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Cảnh báo cuối cùng của Trung Quốc

“Mặc dù Bắc Kinh chính thức phản đối các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, nhưng những tuyên bố của Bắc Kinh không nên coi là sự sẵn sàng vô điều kiện của Trung Quốc trong việc bảo vệ Bắc Triều Tiên... Lời kêu gọi kiềm chế của Trung Quốc được gửi đến tất cả các bên, không chỉ với Mỹ và các đồng minh của họ. Liên quan đến điều này, các chuyên gia Trung Quốc và các phương tiện truyền thông hàng đầu của nước này cảnh báo rằng hành động đơn phương của Bình Nhưỡng có thể chống lại chính họ” - Trao đổi với tờ “Kommersant”, chuyên gia độc lập của Hồng Kông Brayan En nhận định.

Bất chấp việc Bắc Kinh không hài lòng, Bình Nhưỡng tiếp tục “trò chơi cơ bắp” và “chiến tranh thần kinh” với chính quyền mới ở Nhà Trắng. Vào ngày 14/4, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh của người sáng lập CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành, Bắc Triều Tiên một lần nữa vi phạm các nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - thử nghiệm một tên lửa đạn đạo. Và trong tuần này, vào thứ Ba (25/4) - đêm trước lễ kỷ niệm lần thứ 85 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên, trên bờ biển phía Đông đất nước, tại thành phố Wonsan đã diễn ra cuộc bắn pháo lớn nhất trong lịch sử CHDCND Triều Tiên, với sự tham gia từ 300 - 400 khẩu pháo tầm xa.

Điều làm dư luận hết sức quan tâm rằng, Bắc Kinh không muốn biên giới của họ với Triều Tiên rơi vào tình trạng bất ổn. Tuy nhiên, họ khó có thể gia nhập liên minh ngăn chặn chương trình hạt nhân Triều Tiên của Mỹ mà không nhận được “lại quả” từ Washington.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ