Trừng phạt Triều Tiên - Răn đe vừa đủ

GD&TĐ - Ngày 11/9, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên. Tuy nhiên nghị quyết trừng phạt mới nhẹ hơn rất nhiều so với dự thảo nghị quyết ban đầu của Mỹ. Triều Tiên dường như đã sẵn sàng đón nhận “trừng phạt có mức độ” trong một kế hoạch mà họ dự liệu từ trước…

Trừng phạt Triều Tiên - Răn đe vừa đủ

Trừng phạt có mức độ

Sau mỗi lần thử hạt nhân là mỗi lần Triều Tiên chịu trừng phạt của LHQ. Một tuần sau vụ thử hạt nhân 3/9/2017, HĐBA LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt với Triều Tiên. Đây là nghị quyết trừng phạt thứ 9 kể từ năm 2006 được HĐBA LHQ áp đặt liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Theo nghị quyết trừng phạt mới nhất (có tỉ lệ bỏ phiếu thuận tuyệt đối 15 - 0), áp đặt cấm đối với mặt hàng dệt xuất khẩu từ Triều Tiên, giới hạn sản phẩm dầu lọc xuất khẩu sang Triều Tiên là 2 triệu thùng dầu/năm, bên cạnh đó đưa ra mức hạn chế xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên.

Danh mục trừng phạt trên đã giảm nhẹ đi rất nhiều so với bản dự thảo nghị quyết ban đầu mà Mỹ trình HĐBA. Theo dự thảo ban đầu, Mỹ yêu cầu cấm toàn bộ xuất khẩu dầu tới Triều Tiên; đóng băng tài sản và cấm xuất cảnh với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, đảng Lao động và chính phủ Triều Tiên.

Mỹ phải sửa đổi dự thảo nghị quyết để có thể nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc - 2 quốc gia có quyền phủ quyết với tư cách thành viên thường trực HĐBA. Cả Nga và Trung Quốc đều bày tỏ hoài nghi về các biện pháp trừng phạt quá cứng rắn mà Mỹ khởi thảo. Trung Quốc - đồng minh quyền lực nhất của Triều Tiên - ủng hộ “hành động cần thiết” của HĐBA nhằm răn đe Triều Tiên nhưng cũng khuyến nghị rằng hành động đó phải hướng tới hữu ích cho phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên và duy trì sự ổn định khu vực, đồng thời giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên một cách hoà bình.

Đúng dự liệu của Triều Tiên?

Ngay sau khi tiến hành thử bom hạt nhân mà theo Triều Tiên là có thể gắn vào tên lửa, Triều Tiên đã sẵn sàng đón nhận sự trừng phạt bổ sung của LHQ - vấn đề là chấp nhận mức độ trừng phạt đến đâu.

Triều Tiên đã cảnh báo Mỹ sẽ phải “trả giá đắt” nếu biện pháp trừng phạt quá nặng đối với nước này được phê chuẩn tại cuộc họp HĐBA LHQ. Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố nước này sẵn sàng sử dụng bất cứ biện pháp nào khiến “Mỹ trải qua nỗi đau lớn nhất trong lịch sử”.

Thực tế cho thấy nghị quyết mà HĐBA LHQ đã không quá cứng rắn và không đẩy Triều Tiên vào thế phải lựa chọn thực hiện lời thề “trả đũa nước Mỹ”.

Nếu nhìn vào bầu không khí bình lặng và thậm chí là vui tươi tại Bình Nhưỡng có thể thấy giới lãnh đạo Triều Tiên đã đoán định được sự “trừng phạt có mức độ” của HĐBA LHQ. Hai ngày trước cuộc họp quan trọng của HĐBA thông qua nghị quyết trừng phạt mới, Triều Tiên tưng bừng tổ chức lễ kỉ niệm 69 năm độc lập với lễ hội đường phố tưng bừng.

Giữa vòng xoáy “thử tên lửa - nhận trừng phạt” mà Triều Tiên và phương Tây đang “nắn gân” nhau, Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất giải pháp kết thúc khủng hoảng Triều Tiên theo “công thức Iran”. Theo thỏa thuận dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Obama, Iran chấp thuận cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy xoá bỏ trừng phạt.

Từ năm 2006 đến nay, Triều Tiên đã tăng dần quy mô các vụ thử hạt nhân. Nếu như vụ thử hạt nhân tháng 10/2016 sức công phá chỉ chưa tới 1 kiloton (tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT) thì vụ thử tháng 5/2019 đã tăng thành 2 kiloton, đến tháng 2/2013 là 6 - 7 kiloton, tháng 9/2016 là 10 kiloton, và vụ thử hạt nhân mới đây nhất ngày 3/9/2017 thì sức công phá được đẩy lên tới 160 kiloton - tạo nên rung chấn có thể cảm nhận ở các nước láng giềng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.