Trong một cuộc điện thoại gần đây với đặc phái viên của Hàn Quốc, Song Young-gil, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông sẵn sàng điều một nhóm các nhà thương thuyết tới giúp Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức đối thoại ngay lập tức.
Theo Tổng thống Putin, vấn đề hạt nhân Triều Tiên không thể giải quyết bằng xung đột quân sự mà thay vào đó phải tiếp cận từ góc độ ngoại giao. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng Triều Tiên sở hữu lực lượng pháo binh tầm xa có khả năng thách thức tính hiệu quả của lá chắn tên lửa THAAD. Nói cách khác THAAD không thể bảo vệ Hàn Quốc khỏi hỏa lực từ Triều Tiên.
Trên thực tế, trước khi ông Putin đưa ra tuyên bố như vậy, Moscow và Bình Nhưỡng đã có những động thái xích lại gần nhau. Cuối tháng 4, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora, và Thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề về Mỹ của Triều Tiên, Han Song Ryol đã gặp nhau để thảo luận về sự hợp tác giữa hai nước.
Trong khi truyền thông Nga đưa tin Đại sứ Matsegora đã yêu cầu Triều Tiên kiềm chế thì truyền thông ở Bình Nhưỡng lại nói rằng Mosow đã "thể hiện nhận thức" về vị trí của Triều Tiên.
Ngoài ra cả 2 nước cũng đang có những động thái thúc đẩy du lịch mạnh mẽ hơn. Giữa tháng 5, một tuyến phà mới giữa vùng Vladivostok, Nga và Rajin, Triều Tiên đã bắt đầu hoạt động. Ngoài ra, trước đó, 2 bên đã nhất trí tăng số lao động nhập cư Triều Tiên tại Nga. Hiện có khoảng 50.000 người Triều Tiên đang lao động tại Nga.
Với tất cả những mối liên kết đó, Nga đang bắt đầu có vai trò tích cực hơn liên quan đến tình hình Triều Tiên. Theo đó, nhiều người kỳ vọng Nga có thể đóng vai trò là người thương thuyết giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, bình luận trên trang Geopolitical Futures, nhà phân tích Xander Snyder cho rằng, cho dù Moscow muốn đóng vai trò tích cực hơn trên bán đảo Triều Tiên, không có nghĩa là họ có thể làm được điều đó.
Những nỗ lực như trên của Nga khó lòng giúp thay đổi bất cứ điều gì bởi Nga thiếu đi các phương tiện cần thiết để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, cũng theo ông Snyder, việc Nga trở thành trung gian hòa giải ít nhất vẫn có thể giúp nước này nâng cao vị thế trong khu vực, đặc biệt là nếu giải pháp của Moscow được các bên chấp nhận. Theo đó, Nga có 2 cách để thực sự gây ảnh hưởng tới Triều Tiên. Thứ nhất là dùng quân đội. Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp quân sự để ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đối với Nga là phi thực tế vì Moscow đang còn phải vật lộn xoay xở vấn đề Ukraine và Trung Đông. Hơn nữa, Nga cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Do đó, nếu Moscow sử dụng vũ lực, quân đội của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hoàn toàn có thể đánh trả.
Lựa chọn thứ 2 là Nga có thể sử dụng các biện pháp kinh tế để thuyết phục Triều Tiên chấm dứt phát triển vũ khí hạt nhân. Tùy chọn này có vẻ khả thi hơn. Mặc dù Trung Quốc mới là đối tác thương mại chính của Triều Tiên (chiếm khoảng 2,3 tỷ USD tổng lượng hàng xuất của Triều Tiên tương ứng 65-75% và khoảng 3 tỷ USD tổng lượng hàng nhập của Triều Tiên tương ưng 85%), song Nga cũng nhập 6 triệu USD giá trị hàng hóa từ Triều Tiên. Xuất khẩu của Nga sang Triều Tiên là khoảng 80 triệu USD.
Tuy nhiên, ông Snyder cũng thừa nhận rằng, mối liên kết kinh tế giữa Nga và Triều Tiên còn quá mỏng, nên các áp lực kinh tế mà Nga có thể áp đặt lên Triều Tiên cũng không đáng kể. Theo đó, việc điều một nhóm hòa giải giúp Triều Tiên và Hàn Quốc đàm phán trực tiếp rõ ràng ít "hao tâm tốn sức" nhất và nếu nhóm này được việc, nó sẽ rất có lợi cho Nga vì có thể giúp Moscow bảo vệ tốt lợi ích của mình ở ngoại vi cũng như nâng tầm vị thế của nước này trên trường quốc tế.