Lỗi dùng từ Hán Việt

GD&TĐ - Theo thống kê của nhà nghiên cứu H. Maspéro (1912), số lượng từ Hán Việt (HV) trong từ vựng tiếng Việt chiếm trên 60%. Lớp từ này vốn có sắc thái trang trọng, cổ kính và cô đọng, súc tích về ý nghĩa nên thường được sử dụng trong văn bản nói, văn bản viết và đặc biệt hay xuất hiện trong các các tiêu đề văn bản báo chí.

Lỗi dùng từ Hán Việt

Từ Hán Việt dùng chưa đúng nghĩa

Giảng đường → bục giảng

Gần đây có tờ báo đăng bài với tít: “Thầy giáo đành bỏ giảng đường vào Sài Gòn chạy xe ôm để chăm vợ chạy thận”; rồi tiếp thời gian ngắn sau lại đăng thêm bài khác: “Thầy giáo chạy xe ôm trở lại giảng đường”. Mới đọc qua, người đọc ngỡ nhân vật trong bài báo là một giảng viên đại học, hoặc học viên đang theo học hệ đại học vừa làm vừa học, vì từ giảng đường có nghĩa là “Phòng lớn làm nơi giảng dạy ở trường đại học”.

Nhưng đọc kỹ hai bài báo thì được biết, thầy giáo Nguyễn Ngọc Thành là giáo viên đã 17 năm dạy môn Toán ở Trường THCS Ngô Văn Sở, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có vợ bị bệnh thận, đành phải nghỉ dạy hẳn để đưa vợ vào Sài Gòn chạy thận. Ngoài thời gian chăm sóc vợ, anh Thành chạy GrabBike kiếm tiền trang trải cuộc sống. Sau đó, nhờ sự vận động của báo chí, các mạnh thường quân, anh được lãnh đạo Trường THCS - THPT Hồng Hà mời về dạy lại. Trường hợp này nên thay từ HV “giảng đường” bằng từ “bục giảng” là phù hợp hơn: “Thầy giáo X rời bục giảng, trở lại bục giảng...” cho độc giả khỏi nhầm lẫn thầy giáo nọ quay lại giảng đường/ lớp học để tiếp tục dạy hoặc học đại học.

Chính kiến → chủ kiến

Tít báo “Người có chính kiến” đã nhầm lẫn dùng từ HV “chính kiến” khi giải thích thêm: “Nêu ý kiến của mình, bảo vệ ý kiến đó đến cùng vì cho là đúng đắn, như thế là người có chính kiến” đồng thời dẫn thêm các ví dụ minh họa: Một sinh viên Điện lực chạy xe ôm Grab, nhặt được của rơi nhất quyết phải trả lại chủ nhân, anh này đã thể hiện chính kiến của mình. Một nông dân học hết lớp 7 sáng chế máy móc nhà nông, bán ra 14 nước, từ chối 2 tỷ đồng tiền bán bản quyền, bỏ nơi làm việc ở nước ngoài với lương 30.000 đô-la một tháng, quyết về nước chế tạo máy phục vụ nông dân nước mình. Đó là người có chính kiến.

Thực ra, chính kiến là danh từ chỉ: “Ý kiến của mỗi người về chính trị, quan điểm chính trị”. Trong trường hợp trên, nó cần được thay thế bởi từ “chủ kiến” với nghĩa là ý kiến của chính mình, không phụ thuộc vào ý kiến người khác.

Ốc đảo → hòn đảo/ cù lao

Tít bài: “Quảng Ngãi: “Sóng ngầm trên ốc đảo giữa dòng Trà Khúc” nhầm lẫn khi dùng từ “ốc đảo” chỉ mảnh đất cạn nằm giữa dòng sông. “Ốc đảo” là khoảng đất có nước và cây cối giữa sa mạc. Trường hợp này nhà báo đã nhầm từ HV “ốc đảo” với từ “đảo”, là khoảng đất lớn có nước bao quanh, ở sông, hồ, biển hoặc đại dương, còn gọi là cù lao. Nên tít trên cần sửa lại cho đúng là “... trên hòn đảo/ cù lao giữa dòng Trà Khúc”.

Cổ súy → cổ xuý

“Cổ xúy” là từ HV cũ có nghĩa “Đề xướng, cổ động/ Tán dương, tuyên truyền/ Hô hào, động viên” thường bị viết sai chính tả thành cổ súy là tổ hợp từ vô nghĩa, không tồn tại trong tiếng Việt.

Nhân hóa → biến/ hóa thành

Tít báo “Nhóm bạn trẻ Sài Gòn nhân hóa plastic thành giống loài nguy hại” cũng nhầm lẫn khi dùng từ HV “nhân hóa”. “Nhân hóa” là dạng viết rút gọn của từ nhân cách hoá, là gán cho loài vật hoặc vật vô tri hình dáng, tính cách hoặc ngôn ngữ của con người thật (một biện pháp tu từ trong văn học). Tít báo trên cần thay từ “nhân hóa” bằng từ biến hóa, biến hoặc hóa sẽ chính xác hơn.

Kết hợp khập khiễng từ tố Hán Việt với thuần Việt

Tâm nhang → tâm hương

Từ “tâm hương” nghĩa là nén hương lòng, chỉ sự thành kính cao độ. Không thể tùy tiện thay từ tố HV “hương” bằng một từ phương ngữ Trung Bộ là “nhang” thành tổ hợp “tâm nhang” khập khiễng được.

Thăm quan → tham quan

Tương tự, “tham quan” có nghĩa gốc là thăm, xem, du lãm; xem thấy tận mắt để mở rộng hiểu biết hoặc học tập kinh nghiệm. Nên không thể dịch từ tố HV “tham” thành từ thuần Việt “thăm” rồi tổ hợp thành “thăm quan” một cách cọc cạch nửa Hán nửa Việt.

Độc giả - đọc giả

Hoặc dịch từ tố “độc” thành “đọc” trong từ “độc giả” với nghĩa người đọc sách, đọc báo; nghĩa hiện nay được mở rộng thêm: Người đọc sách báo, trong quan hệ với tác giả, nhà xuất bản, cơ quan báo chí, thư viện.

Chắp bút → chấp bút

“Chấp bút” là từ Hán Việt theo nghĩa đen nghĩa là cầm lấy bút để viết, nghĩa bóng là khởi thảo, thực hiện một văn bản theo một đề cương sẵn có; nhầm lẫn từ tố “chấp” Hán Việt với từ thuần Việt “chắp” là không phù hợp.

Nhận chức → nhậm chức

“Nhậm chức” là nói cách trang trọng về việc chính thức đảm nhận chức vụ/ nhận lãnh công việc được giao phó, trong đó từ tố HV “nhậm” có nghĩa là “nhận” (thuần Việt), bị kết hợp khập khiễng; có lẽ nguyên do là bởi 2 âm Hán và Việt nhậm/ nhận gần nhau, đọc dễ bị nhầm lẫn, như các trường hợp đã dẫn trên: Tham → thăm, độc → đọc, chấp → chắp.

Lạm dụng từ Hán Việt

Khiêm tốn → yếu/ kém/ ít

“Khiêm tốn” là từ HV có nghĩa tự hạ thấp mình xuống để nhường nhịn người khác, nghĩa hiện đại là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người: Thái độ khiêm tốn. Lời lẽ khiêm tốn. Đang bị lạm dụng ở dạng đồng nhất, đồng nghĩa lâm thời với các từ yếu, kém, ít... kiểu như: Kết quả học tập rất khiêm tốn; Đồng lương khiêm tốn... là lạm dụng, không phù hợp và thiếu chính xác.

Công tác → làm việc/ công việc

“Công tác” là từ HV vốn chỉ việc chung của quốc gia/ làm việc chung cho quốc gia; công việc của Nhà nước hoặc của đoàn thể, không đồng nghĩa với từ thuần Việt “làm việc” là việc cụ thể phải bỏ công sức ra để làm. Không phải bất cứ vị doanh nhân, chị nhà buôn nào đi làm việc cũng đều là đi công tác mà có khi họ chỉ đi làm việc riêng của họ thôi, nên khi viết: Bác nông dân đi công tác; Doanh nhân đi công tác... cần phải cân nhắc cho chính xác.

Tang thương → tang tóc

Từ HV “tang thương” vốn là dạng nói tắt của thành ngữ cũ “Tang điền thương hải” (ruộng dâu biến thành biển xanh), chỉ sự thay đổi ở đời. Dù gần đây có thêm nghĩa phái sinh: Tình trạng tiều tụy, khổ sở đến mức gợi sự đau xót, thương tâm, nhưng cũng không nên lạm dụng thay thế hẳn cho từ tang tóc (Ở trong cảnh đau buồn vì có người thân chết), với ngộ nhận cảnh tang thương là cảnh nhà có tang, rất đáng thương, nên hễ khi có người chết thì luôn viết “tang thương”!

*

* *

Từ HV vốn có nguồn gốc từ tiếng Hán, qua quá trình giao thoa ngôn ngữ được đồng hóa khi du nhập vào tiếng Việt, đã bổ sung, làm phong phú thêm từ vựng nước nhà. Và báo chí có vai trò quan trọng trong việc sử dụng chuẩn xác từ HV nhằm góp phần định hướng, cổ xúy cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Hầu hết từ HV khi trải qua quá trình du nhập vào từ vựng tiếng Việt đã được Việt hóa về mặt ngữ âm lẫn ngữ nghĩa nên không còn nguyên dạng, do đó nhiều trường hợp nghĩa từ HV bị hiểu nhầm, lâu dần trở thành phổ biến hơn nghĩa gốc. Những lỗi sử dụng sai từ HV phần lớn xuất phát từ hiểu sai nghĩa gốc của các thành tố, người sử dụng chưa nắm được nghĩa của từ tố/ từ HV, khiến từ trở nên vô nghĩa hoặc dẫn đến sai lệch không đáng có, trong không ít trường hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ