Lời cảm ơn từ đáy lòng

GD&TĐ - Hầu hết, các tỉnh thành trên cả nước đã hoàn tất công đoạn chấm thi tốt nghiệp THPT đợt 1, kể cả địa phương đang thực hiện giãn cách do dịch bệnh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong nhiều thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT, lá thư của lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh trân trọng gửi đến tay từng cán bộ làm công tác chấm thi nên một xúc cảm đẹp. “Với tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương học sinh, thầy cô đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để tham gia hội đồng chấm thi và hoàn thành nhiệm vụ.

Thầy cô tham gia không chỉ vì tinh thần trách nhiệm của người giáo viên mà lớn hơn hết là trách nhiệm chăm lo cho thế hệ học sinh thân yêu của thành phố. Những đóng góp trí tuệ, công sức của thầy/cô đã giúp cho kỳ thi diễn ra thành công tốt đẹp, các em học sinh có được kết quả tốt nghiệp THPT đúng theo kế hoạch, tạo thêm niềm tin cho xã hội vào ngành GD-ĐT thành phố...”.

Lời cảm ơn, sự ghi nhận một cách trân trọng và đúng thời điểm là nguồn động viên tinh thần không nhỏ, làm ấm lòng những thầy cô vừa trải qua thời gian làm nhiệm vụ đầy áp lực, căng thẳng. “Từ đáy lòng, chúng tôi thực sự cảm kích và cảm ơn họ” - đó là lời được một lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh chia sẻ với giới truyền thông.

Là điểm nóng về dịch bệnh của cả nước, những ngày chấm thi tốt nghiệp THPT vừa qua với các giám khảo tại TP Hồ Chí Minh chắc chắn là trải nghiệm lần đầu tiên trong đời. Làm việc căng thẳng cường độ cao, áp lực đặc trưng của công việc, các giám khảo đồng thời phải tuyệt đối tuân thủ giải pháp phòng chống dịch, trong đó có đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, đeo bao tay suốt quá trình chấm thi.

Chỉ trong khoảng 10 ngày làm nhiệm vụ, thầy cô đã trải qua 3 lần xét nghiệm Covid-19. Lần đầu tiên, thành phố thực hiện chia ca, giảm thành viên trong mỗi tổ chấm để bảo đảm giãn cách nên công việc cũng áp lực hơn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong hoàn cảnh ấy cần cả tinh thần trách nhiệm và tình yêu với công việc, với học trò.

Không chỉ TP Hồ Chí Minh, lực lượng cán bộ làm công tác chấm thi đông đảo trên cả nước đều đã hoàn thành nhiệm vụ của mình với nhiều kỷ niệm đặc biệt. Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử chấm thi, một số địa phương (Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Long…) thực hiện “3 tại chỗ” khi triển khai công việc này. Toàn bộ lực lượng làm công tác chấm thi làm việc, ăn, nghỉ tập trung và chỉ rời khu vực chấm khi xong nhiệm vụ.

Một giám khảo chia sẻ cảm xúc khó tả khi trong quá trình chấm thi liên tục nghe âm thanh của xe cứu thương bên ngoài. “Hết vài tập chấm là lại đứng dậy sát khuẩn tay. Hầu như thầy cô nào cũng cẩn trọng như vậy vì lo lắng có vấn đề gì liên quan đến dịch bệnh thì phức tạp vô cùng, cuộc sống đảo lộn. Sau nhiều ngày làm nhiệm vụ xa con, dù rất nhớ nhưng phải đợt kết quả xét nghiệm âm tính mình mới dám gần con”, giám khảo này chia sẻ.

Đúng như nhận định của lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, những người làm công tác chấm thi đã góp phần quan trọng làm nên thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Công tác chấm thi hoàn tất cho chúng ta niềm tin, dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu, nhưng chỉ cần con người đồng lòng, quyết tâm đều có thể vượt qua. Tin rằng, tinh thần này sẽ tiếp tục được phát huy ở đợt 2, để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có một kết thúc trọn vẹn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...